Công nghệ số cũng như điện nước, chi phí bình quân chỉ vài chục nghìn đồng/người/tháng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đối với các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng. Lúc đó, công nghệ số cũng giống như điện, như nước, các dịch vụ cơ bản chỉ bình quân vài chục nghìn đồng/người/tháng.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi địa phương hãy tập trung phát triển các doanh nghiệp tư vấn ứng dụng công nghệ số, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống tại địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi địa phương hãy tập trung phát triển các doanh nghiệp tư vấn ứng dụng công nghệ số, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trao đổi quan điểm trên trong phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 – vừa diễn ra chiều nay (14/12). Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam tổ chức thường niên 10 năm nay, với sự phối hợp của Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước cùng sự phối hợp của 11 hiệp hội ngành nghề,…

VieTimes xin trân trọng giới thiệu nội dung chính của phát biểu này:

Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nếu như tháng 3/2020, trên không gian mạng có khoảng 3.000 đề cập có chứa từ khóa “chuyển đổi số” thì tháng 11/2020 có khoảng 30.000 đề cập, tăng gấp 10 lần.

Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối do VINASA và Cục Tin học hoá cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT cũng nằm trong xu hướng này.

Chuyển đổi số là sự dịch chuyển của chúng ta từ không gian thực lên không gian số. Sự dịch chuyển này là mới, chưa có tiền lệ. Vì thế, nhận thức là quan trọng, và vì thế, chúng ta phải chia sẻ. Sự dịch chuyển này là một chặng đường dài, vì thế, chúng ta phải đi cùng nhau, và vì thế, chúng ta phải kết nối.

Tôi xin nhấn mạnh một số nội dung như sau.

1- Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số. Mỗi cơ quan, tổ chức là khác nhau, vì vậy, chiến lược và kế hoạch hành động cũng khác nhau. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu và ra đề bài về chuyển đổi số.

Đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyển đổi số không chỉ là trong hoạt động của nội bộ của bộ mình, mà là chuyển đổi số của ngành mình.

Đối với các địa phương, chuyển đổi số không chỉ là hoạt động của cơ quan nhà nước, mà là phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương mình. Tỉnh ủy thảo luận, ra nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. UBND tỉnh ban hành chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể hoá nghị quyết của Tỉnh uỷ.

Bộ TT&TT đã xuất bản cuốn Cẩm nang Chuyển đổi số làm tài liệu tham khảo với khoảng hơn 100 câu hỏi – đáp đơn giản, dễ hiểu về chuyển đổi số và phân công Cục THH là đầu mối đồng hành, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

2- Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp công nghệ lớn hãy tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để trên đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Có như vậy, mới tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Địa phương hãy tập trung phát triển các doanh nghiệp tư vấn ứng dụng công nghệ số, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống tại địa phương.

3- Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hàng tuần, Bộ TT&TT tổ chức Ngày thứ Sáu Công nghệ số, mỗi tuần ra mắt một nền tảng số Make in Việt Nam.

Bộ TT&TT kêu gọi doanh nghiệp công nghệ số có nền tảng tốt hãy tham gia.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, đề nghị khẩn trương ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, trong đó chú ý kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán. Những nền tảng quy mô bộ, ngành, địa phương cần triển khai tập trung. Ứng dụng và dịch vụ có thể triển khai phân tán.

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng. Lúc đó, công nghệ số cũng giống như điện, như nước, các dịch vụ cơ bản chỉ bình quân vài chục nghìn đồng/người/tháng.

Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người.

4- Chuyển đổi số là một hành trình. Để đo xem mỗi cơ quan, tổ chức đã đi bao xa trên hành trình đó, và có đi đúng hướng không, Bộ TT&TT đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức nhà nước nước. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục ban hành bộ chỉ số tương tự cho các doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương hãy dùng bộ chỉ số đó để tự đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2020 này. Bộ TT&TT sẽ xác nhận, kiểm tra và công bố vào đầu năm 2021.

(...)

Trên tinh thần đó, tôi hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực tổ chức Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối ngày hôm nay.

Thay mặt Bộ TT&TT, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Ban Tổ chức và toàn thể quý vị đại biểu tham dự.

Chúc toàn thể quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc năm 2021 chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, rộng hơn!