Nín thở chờ tăng giá xăng

Giá điện đã được điều chỉnh tăng 7,5% kể từ ngày 16/3 tới, việc giá xăng tăng có thể sẽ là cú sốc lớn đối với người tiêu dùng.  Sát ngày điều hành giá xăng dầu, có tin cho biết giá xăng có thể được điều chỉnh tăng hơn 1.000 đồng/lít. 
Giá xăng dầu sẽ tăng trong lần điều hành này? Ảnh: TL
Giá xăng dầu sẽ tăng trong lần điều hành này? Ảnh: TL

Theo đại diện SaigonPetro, giá bán hiện đang âm do giá thành phẩm tăng cao. Cụ thể, giá xăng A92 đang âm tới hơn 3.000 đồng/lít, dầu diezen âm 1.465 đồng/lít, dầu hỏa âm 1.407 đồng/lít và madut âm 1.983 đồng/kg.

Mặc dù trong lần điều hành trước đó (ngày 24/2), trong bối cảnh giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại tuy nhiên Bộ Công thương đã cho phép xả quỹ Bình ổn với các mức từ 1.350-2.448 đồng/lít, kg tùy loại nhằm tránh những tác động bất lợi đến xã hội và tâm lý người tiêu dùng.

Song theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giá bán hiện nay vẫn lỗ. 

“Phương án điều chỉnh giá xăng dầu cụ thể sẽ phụ thuộc vào điều hành của liên bộ Công thương – Tài chính. Tuy nhiên để hài hòa lợi ích các bên theo tôi vừa xả Quỹ bình ổn, vừa tăng giá một phần sẽ thích hợp”, vị đại diện này nói.

Như vậy, giá xăng dầu nếu được điều chỉnh tăng trong lần điều hành giá lần này, sẽ phá bỏ một đợt giảm giá liên tục từ 7/7/2014 với mức 25.640 đồng/lít, xuống còn 15.670 đồng/lít, giảm 9.970 đồng/lít cho đến thời điểm hiện tại.

 Bảng giá xăng RON 92 của Petrolimex từ đầu năm 2014 đến nay. Đồ thị: Nguyễn Thảo/BizLIVE

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, khác với lần điều chỉnh vào ngày 24/2 vừa qua, thời điểm sau Tết Nguyên đán do đó, Quỹ bình ổn được xả ở mức cao để giá xăng dầu không tăng cao, lần này điều hành giá xăng dầu cũng cần lưu ý đến quyết định tăng giá điện vừa qua. 

Theo đó, vị chuyên gia kinh tế cho biết, khi giá điện, xăng cùng tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng và người tiêu dùng. 

Cũng trong ngày 10/3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối từ 1/5/2015 với xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít với mục tiêu nhằm bù một phần giảm thu ngân sách. Đồng thời, thuế nhập khẩu cũng sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%.

Lạm phát sẽ tăng trở lại

Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI thời gian tới chắc chắn sẽ tăng do tác động của giá xăng dầu, giá điện. 

“Giá điện tăng 7,5% thấp hơn so với kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam song mức tăng này cũng ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng và ảnh hưởng đến người tiêu dùng”, ông Doanh nói. 

Liên quan đến tác động của giá điện, xăng đến CPI, ngày 10/3, Công ty Chứng khoán MBS cũng đưa ra dự báo rằng, chỉ số CPI sẽ tăng lên trong thời gian tới. 

Ngoài lý do vẫn đang trong kỳ lễ hội đầu năm, MBS cho biết nguyên nhân do giá xăng dầu nội địa có thể sẽ tăng trở lại do giá dầu thế giới hồi phục và giá điện được điều chỉnh tăng từ 16/3 thêm 7,5%.

"Tuy nhiên, lạm phát cả năm được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì ổn định ở mức thấp khoảng 4%” MBS đưa ra dự báo.