Những tựa game hay nhất mọi thời đại trên Steam (Phần 4)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes –  Steam là nền tảng chơi game hàng đầu thế giới với hàng nghìn tựa game khác nhau. Tuy nhiên, đâu mới là những tựa game xứng đáng để bạn trải nghiệm? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

10. Ni no Kuni II: Revenant Kingdom

Giá: 9,99 USD

Ảnh: Tech Radar

Ảnh: Tech Radar

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom là phần tiếp theo của seri Ni no Kuni, một tựa game nổi tiếng đến từ Level 5. Từ trước khi ra mắt, nó đã được rất nhiều trang tin game dành cho những lời khen có cánh đủ thể loại, dọn đường sẵn cho một trong những tựa game JRPG hấp dẫn nhất trong năm 2018.

Đáng tiếc là có vẻ như Ni no Kuni II: Revenant Kingdom không đủ tầm với những lời tâng bốc như vậy, đồng ý đây là một game có cốt truyện cực kỳ có chiều sâu, kết hợp nhiều lối chơi độc đáo… nhưng đến cuối cùng thì mọi thứ chỉ dừng ở mức khá, chứ không bật lên hàng xuất sắc được. Tuy nhiên với những gì nó đem lại thì đây vẫn là một tựa game rất xứng đáng để bạn trải nghiệm.

Cốt truyện của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom có lẽ là phần sáng nhất của game. Thay vì đi theo mô tuýp quen thuộc là anh hùng giải cứu thế giới giống như các JRPG khác, thì nó rẽ sang một nhánh mới lạ là phục quốc. Nhân vật chính của game là Evan – vị vua nhỏ tuổi của vương quốc Ding Dong Dell, bị quân thần của mình phản bội và mưu sát. Tình cờ làm sao cậu ta gặp được Roland – một nguyên thủ quốc gia vô tình “xuyên không” qua thế giới này, mang theo đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm từ kiếp trước. Hai người cùng đồng hành với nhau để vượt qua sự truy đuổi của quân phản loạn và tìm đường xây dựng một vương quốc hòa bình, thịnh vượng mới.

Game có một điểm cộng bởi góc nhìn độc đáo của nó. Người chơi sẽ được đặt vào góc nhìn của Evan nhưng những hành động và kế hoạch thì đều được Roland vạch ra. Điều này khiến game trở nên hứng thú hơn rất nhiều, vì tư tưởng của Roland đúng nghĩa là của một con cáo già lõi đời trên chính trường, đối nghịch hẳn với sự non nớt của Evan. Cách chia như vậy khiến cho cốt truyện của tựa game độc đáo hơn nhiều nhưng vẫn giữ được sự tuyến tính vốn đã nổi tiếng bởi các tựa game JRPG. Hơn nữa đồ họa cùng âm thanh của tựa game cũng là một điểm cộng được người dùng khá yêu thích.

Tuy nhiên, khá đáng tiếc khi có lẽ đây cũng là điểm cộng cuối cùng của tựa game này. Điều mà người dùng phàn nàn nhiều nhất là lối chơi có phần nhàm chán của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom. Không còn là kiểu đánh theo chiến thuật và lượt vốn đã là đặc sản của dòng game JRPG. Ni no Kuni II: Revenant Kingdom đem đến cho người chơi một lối chiến đấu mới tuy nhiên nó lại khá thiếu chiều sâu. Mỗi nhân vật có 2 đòn tấn công cận chiến và 1 vũ khí tầm xa, kết hợp với 4 kỹ năng có sẵn tương ứng. Nhưng game đã bỏ đi thứ hay ho nhất của dòng RPG là những đòn combo. Trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom không hề có combo, không hề có các tuyệt chiêu cuối cùng từng nhân vật và cũng mất luôn cả khâu phối hợp lẫn nhau. Điều khiến game vô cùng một màu, từ đầu tới cuối chỉ có một kiểu chơi như vậy, không có đổi mới và cũng thiếu đột phá.

Độ khó của tựa game này cũng là điều thường xuyên bị game thủ phàn nàn. Những con quái vật trong game dường như quá yếu khi bạn chỉ cần từ 2-3 đòn đánh là đã có thể hạ cả đàn quái. Việc xây dựng vương quốc và đánh trận tạm ở mức tốt, nó mang rất nhiều âm hưởng của dòng Suikoden huyền thoại. Điểm hay của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom là nó cho người chơi được xây dựng vương quốc của Evan từ con số không, với việc đi khắp thế giới tuyển mộ những NPC thông qua các nhiệm vụ phụ.

Nhìn chung, Ni No Kuni II: Revenant Kingdom là một tựa game nhập vai đầy chỉn chu thế nhưng có lẽ tiềm năng của trò chơi sẽ được vận dụng tốt hơn nếu như quy mô của nó được bó hẹp lại và được đầu tư thêm về chất thay vì lượng.

11. Ori and the Will of the Wisps

Giá: 29,99 USD

Ảnh: Pc Mag

Ảnh: Pc Mag

Ori and the Blind Forest đã được người chơi đánh giá là tựa game cho Xbox hay nhất năm 2015. Vì vậy, không quá bất ngờ khi tự game Ori and the Will of the Wisps đã được sự kỳ vọng, chú ý rất cao từ người chơi. Từ phong cách chiến đấu, ngôn ngữ thiết kế được "đại tu" và cải tiến rất nhiều. Tuy lung linh và tráng lệ như vậy, nhưng game không “quên” vai trò chính của game là giúp người chơi vượt qua những thử thách mình đặt ra, vì vậy, game đã hết sức tinh tế dùng mặt hình ảnh để cho người chơi biết đâu là nguy hiểm, đâu là lối đi bằng phong cách tráng lệ của mình, cũng không quên “ngầm” hướng dẫn người chơi những lối đi khám phá bí mật bằng phong cách hình ảnh tráng lệ của mình, khiến cho cái đẹp của Ori and the Will of the Wisps hiếm khi nào có cảm giác “thừa thãi” hay phô trương không cần thiết, mà là một nhân tố quan trọng đồng hành cùng người chơi trong chuyến phiêu lưu của mình.

Cốt truyện của tựa game về cơ bản là sự tiếp nối của phần một. Game nói về cuộc hành trình, phiêu lưu tiếp theo trong khu rừng bí ẩn của Ori. Lối chơi của Ori and the Will of the Wisps vẫn giống với phần một nhưng tốc độ, nhịp điệu của Ori được đẩy lên cao hơn nhiều. Việc bay nhảy và di chuyển trong Ori and the Will of the Wisps rất đẹp mắt, mượt mà.

Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều khi game không có nhiều lỗi vặt. Nhiều người chơi đã phàn nàn những cảnh vật trong game nhiều khi biến mất, đang chơi game thì màn hình bỗng dưng đen ngòm. Không những thế, đôi khi âm thanh trong game còn bị rè. Dẫu vậy, Ori and the Will of the Wisps vẫn được coi là một siêu phẩm và thật tiếc nếu bạn không trải nghiệm tựa game này.

12. Assassin's Creed Odyssey

Giá: 19,79 USD

Ảnh: Forbes

Ảnh: Forbes

Assassin's Creed Odyssey là phần mới nhất cho loạt game Assassin's Creed hoành tráng và đầy thành công. Assassin's Creed Odyssey sẽ không đưa bạn vào bối cảnh tương lai như thường lệ mà sẽ dẫn dắt người chơi vào một cột mốc lịch sử xa hơn tận khoảng 400 năm trước – chiến tranh Peloponnesus nổi tiếng của Hy Lạp. Assassin’s Creed Origins đã mang người chơi trở lại nơi khởi nguồn một đức tin khai sinh ra Hội sát thủ. Tuy nhiên, người chơi đánh giá cốt truyện và bối cảnh có phần khó hiểu và không ăn khớp với mạch truyện của tựa game.

Về mặt lối chơi, Assassin’s Creed Odyssey có lối chơi được xây dựng gần như có phần giống với phiên bản Origins. Vẫn là những cảnh đánh nhau chặt chém đã mắt vốn là thương hiệu của dòng game lâu đời này. Điểm khác biệt đáng tiền của Assassin’s Creed Odyssey là tựa game này đem đến cho bạn một thế giới mở theo hướng RPG với những tính năng lên cấp, chế độ khiến người chơi không khỏi hứng thú khi trải nghiệm tựa game này.

Tuy nhiên, thế giới mở của tựa game này cũng đem đến cho người dùng không ít sự khó chịu. Để Assassin’s Creed Odyssey trở nên thú vị hơn, Ubisoft đã quyết định để người chơi tự khám phá và tìm nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều này khiến game thủ khó khăn trong việc bám theo cốt truyện mà dễ bị sa vào những hoạt động bên lề của game. Vì vậy, cốt truyện vốn đã khó hiểu giờ đây càng "loãng" hơn.

Tóm lại, Assassin’s Creed có phần khác biệt so với những gì Ubisoft đã thực hiện trước đây. Tuy nhiên, nhà phát hành vẫn giữ lại được những cảnh hành động đẹp mắt và bổ sung một thế giới rộng lớn hơn. Đây là một tựa game hoành tráng nơi bạn có thể tự do biến mình thành chiến binh Sparta, giương buồm ra khơi, yêu đương và săn lùng những kẻ cựu thù trong một thế giới rộng lớn và sinh động. Có lẽ, điểm trừ duy nhất là cốt truyện có phần không ăn nhập và khó hiểu của Assassin’s Creed Odyssey.

Dịch tổng hợp từ: Tech Radar, Digital Trends, Android Authority, Forbes