Hành tây là một trong những loại rau củ quen thuộc trong bữa ăn gia đình người Việt. Chúng có vị cay nồng, có thể ăn chín hoặc sống tùy vào sở thích của gia đình. Các món ăn từ hành tây luôn mang lại vị ngọt thanh, độ giòn tan và mùi hơi hăng, kích thích vị giác.
Không chỉ ngon miệng, hành tây còn là thực phẩm mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo nghiên cứu dinh dưỡng, trong 100g hành tây có chứa đến 89,11g nước, 40 kcal. Ngoài ra, hành tây cũng chứa nhiều các thành phần dinh dưỡng khác như protein, chất béo, carb, chất xơ, đường, khoáng chất (canxi, magiê, kali, kẽm,...), vitamin (E, B, A, K, C) và nhiều hợp chất chống oxy hóa (thiamine, riboflavin, folate,...).
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Vào mùa đông, chúng ta thường đối mặt với các bệnh liên quan đến hô hấp, cảm cúm,… do suy giảm hệ miễn dịch. Khi gặp tình trạng này ở mức độ nhẹ, bạn hoàn toàn có thể tự xử lý bằng cách ăn hành tây.
Hành tây chứa nhiều vitamin C có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa virus cúm xâm nhập. Ngoài ra, các polyphenol trong hành tây hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do, từ đó ngăn ngừa hiệu quả các bệnh cảm cúm thông thường.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Hành tây chứa nhiều flavonoid, có tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa các tế bào, chống viêm. Đồng thời, các thành phần trong củ hành tây còn giúp giảm mức cholesterol LDL (có hại), ngăn ngừa sự tích tụ các mảng bám trong mạch máu gây ra xơ vữa động mạch. Từ đó nó góp phần tăng cường sức khỏe hệ tim mạch.
Kiểm soát đường máu
Nguồn hợp chất lưu huỳnh và quercetin dồi dào trong hành tây là thành phần tuyệt vời giúp kiểm soát đường máu hiệu quả. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 2 sau khi ăn vài lát hành tây đã cải thiện men gan và hạ đường huyết nhanh chóng.
Hành tây tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Ảnh: Boldsky
|
Thúc đẩy hoạt động hệ tiêu hóa
Hành tây chứa một loại chất xơ hòa tan có tên là oligofroza – giúp duy trì mức độ hoạt động của các vi khuẩn có lợi trong hệ đường ruột. Từ đó, thường xuyên ăn hành tây giúp bạn có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, thậm chí nó còn giúp ngăn ngừa các bệnh về tiêu hóa như đầy bụng, tiêu chảy, táo bón.
Bên cạnh đó, hành tây còn chứa nhiều hợp chất quercetin có khả năng chống lại các vi khuẩn có hại như E.coli, S. aureus - tác nhân gây ra bệnh viêm loét dạ dày và các bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Ngăn ngừa ung thư
Ngăn ngừa ung thư là một trong những tác dụng nổi bật nhất của hành tây. Chúng chứa hàm lượng quercetin và anthocyanin cao – khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra môi trường không thuận lợi cho tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn sự hình thành và phát triển của chúng. Đặc biệt, các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra phụ nữ tiêu thụ nhiều hành tây sẽ ngăn ngừa hiệu quả bệnh ung thư vú và ruột già.
Bảo vệ mắt
Nhiều người nghĩ rằng hành tây không tốt cho mắt vì chúng gây cay và kích thích chảy nước mắt. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy hành tây chứa một chất có tên gọi propanethial S-oxide. Chất này kích thích tuyến nước mắt của mắt, gây chảy nước mắt và không gây ảnh hưởng đến thị giác.
Không những vậy, loại củ này còn chứa nguồn lưu huỳnh tốt cho mắt. Khi dưỡng chất trong hành tây đi vào cơ thể, nó sẽ kích thích sản xuất một loại protein có tên glutathione – một chất chống oxy hóa cực mạnh. Glutathione có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Một nghiên cứu còn cho thấy nước ép hành tây có tác dụng chữa viêm kết mạc.
Những lưu ý khi dùng hành tây
Hành tây tốt cho sức khỏe và có thể ăn sống hoặc chín tùy vào sở thích. Tuy nhiên, người bị ợ nóng mãn tính, trào ngược dạ dày không nên ăn hành tây sống để tránh làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Đồng thời, nếu bạn đang uống thuốc có tác dụng làm loãng máu thì không nên ăn hành để tránh cản trở dược tính của thuốc.
(Theo Boldsky)