Người vô gia cư
Không nhà, không cửa, không nước sạch, người vô gia cư đang được xem là đối tượng dễ bị tổn thương nhất giữa lúc dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia.
Tại bang California (Mỹ), nơi hàng chục triệu người dân được yêu cầu ở yên trong nhà thì có tới 150.000 người vô gia cư đang không biết đi về đâu trong những ngày tới. Các nhà thờ phát đồ ăn miễn phí cho họ cũng đã đóng cửa. Họ cũng không được tắm rửa và vệ sinh khi các nhà tắm công cộng không còn hoạt động. Tất cả những gì họ có thể làm lúc này, là đành phó mặc cho số trời.
Thủ đô Rome (Ý), một trong những nơi dịch Covid-19 hoành hành dữ dội nhất, người dân cũng được khuyến cáo ở yên trong nhà. Nhưng vẫn còn khoảng 8.000 người vô gia cư đang lang thang khắp thành Rome, dấy lên lo ngại họ sẽ trở thành những nguồn lây bệnh mới. Không bảo hiểm y tế, không tiền bạc, không rõ những người vô gia cư này nếu bị mắc COVID-19 có được thống kê và chăm sóc y tế hay không. Đã có nhiều tổ chức ở Rome nấu cơm và phát khẩu trang cho người vô gia cư, song vấn đề quan trọng nhất là nơi trú ngụ dành cho họ, khi cảnh sát cũng không cho phép tụ tập đông người.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Luân Đôn (Anh). Hàng chục ngàn người vô gia cư tới đây sẽ phải tranh giành nhau chỗ ngủ vì chính quyền thành phố đã quyết định đóng cửa nhiều nhà ga tàu điện. Lo ngại nguy cơ bị lây nhiễm, nhiều người thực sự mong muốn được cách ly.
Tại Cannes (Pháp), chính quyền đã biến những tòa nhà thường ngày được dùng để tổ chức liên hoan phim quốc tế trở thành nơi trú ẩn tập trung cho những người vô gia cư. Chính phủ các quốc gia khác cũng đang phối hợp với các tổ chức nhân đạo, từ thiện và quân đội để tìm cách hỗ trợ nhóm dân này, thiết lập nơi trú ẩn và cách ly an toàn cho họ, để họ không bị bỏ rơi trong cuộc chiến chống Covid-19.
Những người bán hàng rong và chạy xe ôm vắng khách mùa Covid-19 - Ảnh: Vũ Thị Phương Anh. |
Người nghèo
Đó là những người lao động phổ thông, buôn gánh bán bưng, hàng dong, bốc vác, phụ hồ, chạy xe ôm, bán xé số,... Ngày thường thu nhập đã khó khăn, ngày dịch thu nhập của họ còn khó khăn hơn. Vì cuộc sống mưu sinh, họ không thể ở nhà tự cách ly xã hội để phòng dịch mà vẫn phải ra đường kiếm miếng cơm. Xã hội ngưng hoạt động, các dịch vụ, cửa hàng, quán xá đóng cửa, dân công sở làm việc tại nhà khiến những người lao động nghèo, hoặc bị mất việc, khó tìm được việc, hoặc thu nhập bị giảm sâu. Những người buôn gánh bán bưng, tiểu thương, chạy xe ôm, bán vé số,... đợi cả ngày dài mà không có khách. Nhiều lao động tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã phải về quê do không tìm được việc làm khi mọi thứ đã ngưng hoạt động.
Theo Viện Công nghệ & Nhân lực Quốc tế, không chỉ phải đối mặt với những khó khăn về tài chính do lượng khách giảm sút, những tiểu thương, người bán hàng dong, chạy xe ôm, bán vé số,... còn có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 cao do hằng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều người đến từ nhiều nơi.
Không có bảo hiểm chi trả, tại một số nước không được Chính phủ hỗ trợ chi phí điều trị Covid-19, người nghèo sẽ phải gánh một khoản phí lớn đối với họ nếu chẳng may bị nhiễm. Tại Việt Nam, mặc dù Nhà nước sẽ chi trả chi phí điều trị Covid-19 cho mọi công dân, nhưng những người không có BHYT vẫn sẽ phải tự thanh toán các chi phí điều trị bệnh khác. Trong trường hợp tự đi khám chữa bệnh được kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế liên quan đến Covid-19, người không có thẻ BHYT cũng vẫn phải tự thanh toán các chi phí khám chữa bệnh.
Khá nhiều lao động tự do có sẵn các bệnh lý luôn thường trực một nỗi lo nếu chưa bị nhiễm mà chỉ thuộc diện bị cách ly tại nhà thôi, cũng gần như “triệt đường sống”. Sẽ không có tiền để chữa bệnh cũng như nuôi sống bản thân hằng ngày.
Tình trạng tích trữ, mua nhiều thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm cần thiết khi dịch bùng phát của một bộ phận người dân tại nhiều quốc gia cũng khiến nhiều người nghèo không thể mua nổi thức ăn, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn khi giá cả leo thang và hàng thì nhanh hết.
Cụ ông cúi đầu nhìn vào tờ ghi chú với dáng vẻ bất lực, cô độc, xung quanh ông là những kệ hàng trống trơn. Ảnh: Lauren Taylor, chụp tại siêu thị Sainsbury's, Luân Đôn (Anh). |
Người cao tuổi
Người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19 toàn cầu. Do hệ miễn dịch kém và thường mắc sẵn các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, hen phế quản,... người cao tuổi có nguy cơ tử vong cao do Covid-19.
Tại Italia, quốc gia có số lượng người tử vong cao nhất bởi virus SARS-CoV-2, độ tuổi tử vong trung bình là 78 và độ tuổi nhiễm bệnh trung bình là 63, hơn 50% người mắc bệnh có độ tuổi 60 trở lên. Tại Trung Quốc, 60% ca tử vong do Corona là trên 60 tuổi. Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams cho biết, người ngoài 60 tuổi có khả năng biến chứng cao hơn do virus Corona, và độ tuổi trung bình của các ca tử vong là 80 tuổi.
Các quan chức y tế đang tăng cường kêu gọi các biện pháp tích cực để bảo vệ người cao tuổi, cũng như khuyến nghị họ nên ở yên trong nhà, đồng thời cảnh báo nghiêm ngặt đối với những người có nguy cơ nhiễm virus, tốt nhất nên tránh tiếp xúc với cha mẹ và ông bà của họ. Tại Tây Ban Nha, giới bác sỹ kêu gọi những người trẻ mới có biểu hiện nhẹ nên tránh đến bệnh viện để có thể tập trung cứu chữa cho người già.
Trong cuộc chiến thu mua, tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ việc cách ly xã hội tại nhà để tránh lây lan virus, người cao tuổi được xem là chậm chân hơn cả. Rất nhiều thông điệp thức tỉnh trách nhiệm xã hội đã được đưa ra và truyền tải trên mạng xã hội như bức ảnh dưới đây “Khi mua sắm, xin hãy nghĩ đến ông bà của bạn cũng sẽ như vậy”.