Những diễn biến mới trong công tác lựa chọn nhân sự của ông Donald Trump

VietTimes -- Ngày 17/11 ông Donald Trump gặp gỡ nhiều chính khách Mỹ, ngày 18/11 công bố quyết định lựa chọn 3 nhân vật bảo thù làm Bộ trưởng Tư pháp, Cố vấn an ninh quốc gia và Giám đốc CIA.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tích cực lựa chọn nhân sự cho bộ máy Chính phủ Mỹ trong 4 năm tới (ảnh tư liệu)
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tích cực lựa chọn nhân sự cho bộ máy Chính phủ Mỹ trong 4 năm tới (ảnh tư liệu)

Ngày 17/11, ông Donald Trump đã gặp gỡ nhiều “chính khách” để lựa chọn ra các trợ lý đắc lực cho mình, liên quan đến nhiều chức vụ như Ngoại trưởng, Cố vấn an ninh quốc gia, Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Tư pháp.

Ngày 18/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lựa chọn 3 nhân vật thuộc phe bảo thủ để lãnh đạo đội ngũ an ninh và thực thi pháp luật nhà nước của ông, đồng thời ông đã nhấn mạnh đến cam kết tranh cử trong việc kiên quyết chống lại các phần tử vũ trang cấp tiến Hồi giáo và ngăn chặn hoạt động nhập cư bất hợp pháp.

Ông Donald Trump sẽ bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp, Trung tướng Lục quân nghỉ hưu Mike Flynn làm Cố vấn an ninh quốc gia. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Mike Pompeo đến từ bang Kansas sẽ trở thành Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA).

Đây là các chức vụ quan trọng trong nền hành chính Mỹ. Đến ngày 20/1/2017, ông Donald Trump sẽ tiếp quản chính quyền từ tay Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Jeff Sessions 69 tuổi là một cựu tổng chưởng lý của bang Alabama và một luật sư Mỹ, đã làm việc ở Thượng viện Mỹ được 19 năm.

Ông Jeff Sessions được ông Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Ảnh: International Live News
Ông Jeff Sessions được ông Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Ảnh: International Live News

Jeff Sessions là một trong những nghị sĩ Đảng Cộng hòa ủng hộ ông Donald Trump trong giai đoạn tranh cử sớm nhất.

Ông phản đối di dân bất hợp pháp và ủng hộ ông Donald Trump xây dựng một bức tường ở biên giới với Mexico để ngăn chặn dân di cư bất hợp pháp. Ông còn chủ trương ngăn chặn nhập cư hợp pháp, lý do là đã làm giảm tiền lương của công nhân Mỹ.

Mặt khác, Mike Flynn, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Donald Trump từng có các phát biểu gây tranh cãi, đồng thời bị phê phán là thiếu kỹ năng quản lý và phong cách lãnh đạo, bị Cục Tình báo Quốc phòng sa thải vào năm 2014.

Là lính cũ của tình báo lục quân 30 năm, Mike Flynn là trợ lý Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia của ông Barack Obama, là Giám đốc Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2012 - 2014, sau đó bị mất chức do đấu tranh nội bộ.

Ông Mike Flynn cho rằng tiến hành cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2003 là một sai lầm chiến lược, đồng thời từ chối lên án sự ủng hộ của ông Donald Trump đối với hình thức tra tấn bằng sử dụng nước. Đây là một kỹ thuật tra tấn bị phổ biến cho là cực hình, bị Tổng thống Barack Obama cấm sử dụng.

Ông Mike Flynn được ông Donald Trump chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: ABC News
Ông Mike Flynn được ông Donald Trump chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: ABC News

Ông Mike Pompeo năm nay 52 tuổi, là nghị sĩ Quốc hội Đảng Cộng hòa khóa thứ 3, đã cùng với cựu sĩ quan lục quân Mỹ sáng lập ra một công ty hàng không.

Là một trong những thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện, Mike Pompeo kêu gọi khôi phục và mở rộng chương trình gián điệp trong nước hiện đã chấm dứt, bao gồm thu thập "thông tin về tài chính và sinh hoạt" cùng với ghi chép nội dung các cuộc gọi điện.

Ngoài ra, Tân Hoa xã ngày 19/11 dẫn lời các nguồn tin cho biết ông Nikki Haley, Thống đốc bang South Carolina là một ứng cử viên của chức vụ Ngoại trưởng.

Ông Nikki Haley là người gốc Ấn Độ, từng ủng hộ ông Marco Rubio - đối thủ tranh cử của ông Donald trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, có quan điểm khác biệt với ông Donald Trump trong rất nhiều vấn đề.

Theo hãng CNN Mỹ, ông Nikki Haley có thể được lựa chọn làm Ngoại trưởng hoặc chức vụ quan trọng khác trong Chính phủ của ông Donald Trump.

Ông Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York là ứng cử viên Ngoại trưởng ưng ý nhất của ông Donald Trump, nhưng ông Rudy Giuliani có dính dáng quá mức đến nhóm vận động hành lang (lobby) bên ngoài, từng vận động cho doanh nghiệp dầu mỏ Venezuela, khiến cho đội ngũ của ông Donald Trump lo ngại việc bổ nhiệm ông làm Ngoại trưởng có thể bị Quốc hội ngăn cản.

Mike Pompeo được ông Donald Trump chọn làm Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ảnh: The Atlantic
Mike Pompeo được ông Donald Trump chọn làm Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ảnh: The Atlantic

Cựu Thống đốc bang Texas Rick Perry được tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ cho là ứng cử viên tiềm năng cho chức Bộ trưởng Năng lượng Mỹ.

Ông Rick Perry cũng có nhiều năm làm việc liên quan đến Bộ Năng lượng. Năm 2011, ông tham gia cuộc bầu cử sơ bộ trong Đảng Cộng hòa, thề một khi trúng cử sẽ đóng cửa 3 bộ gồm Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và... Bộ Năng lượng.

Ông Bill Hagerty là ứng cử viên tiềm năng cho chức Đại diện Thương mại Mỹ. Bill Hagerty từng điều hành công ty đầu tư tư nhân, từng làm việc trong cơ quan phát triển kinh tế của bang Tennessee.

Theo phát biểu của người phát ngôn của ông Donald Trump, trong cuộc gặp gỡ ngày 17/11 còn có ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Hạ nghị sĩ Tom Price.

Cùng ngày, ông Donald Trump còn hội kiến với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, một nhân vật lão làng của giới ngoại giao Mỹ.

Trước đó, ngày 13/11, ông Donald Trump công bố hai quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng, lần lượt lựa chọn ông Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa làm Chánh văn phòng Nhà Trắng, và ông Stephen Bannon, cựu lãnh đạo trang tin bảo thủ Mỹ Breitbart News làm Trưởng chiến lược gia và cố vấn cấp cao.

Việc bổ nhiệm ông Steve Bannon gây tranh cãi. Ông Steve Bannon có dính dáng rất nhiều đến các thế lực cánh hữu cực đoan, gây ấn tượng chống lại "chính phái".

Trang tin Breitbart News do ông Steve Bannon từng đứng đầu mang đậm màu sắc cánh hữu, thường cổ xuý cho chủ nghĩa tối thượng của người da trắng, phản đối văn hóa đa nguyên, nhấn mạnh bảo vệ "quan niệm giá trị phương Tây".

Việc ông Donald Trump chọn Steve Bannon làm Cố vấn cấp cao và Chiến lược gia trưởng gây tranh cãi. Ảnh: The Telegraph.
Việc ông Donald Trump chọn Steve Bannon làm Cố vấn cấp cao và Chiến lược gia trưởng gây tranh cãi. Ảnh: The Telegraph.

Có trên 160 Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ đã cùng viết thư yêu cầu ông Donald Trump rút lại quyết định bổ nhiệm ông Steve Bannon, cho rằng việc bổ nhiệm này "đã trực tiếp làm suy yếu khả năng đoàn kết toàn bộ đất nước của ông (Donald Trump)".

Đối với vấn đề này, Kellyanne Conway, cựu giám đốc tranh cử của ông Donald Trump đã cố gắng hạ thấp ảnh hưởng. Kellyanne Conway nói: "Thành lập toàn bộ chính phủ Liên bang là một công trình lớn. Phải nói rằng tất cả việc vận hành không thông suốt chắc chắn không phải sự thật, tất cả đều rất thuận lợi".

Bản thân ông Donald Trump cũng viết trên Twitter phản bác việc đưa tin tiêu cực chống lại ông, cho rằng các quan điểm này "hoàn toàn sai lầm". Bài viết trên tờ Thời báo New York nói giai đoạn chuyển tiếp của ông "rất ngu xuẩn".

Ngoài việc đưa ra quyết định lựa chọn các nhân sự nêu trên, tối ngày 17/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng đã lần đầu tiên hội kiến với nhà lãnh đạo nước ngoài trên cương vị Tổng thống đắc cử Mỹ, đó là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.