Công nghệ nhận dạng mống mắt (Iris Recognition) không phải là vấn đề mới, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ thông tin rất mạnh mẽ, một lần nữa vấn đề này lại vượt lên tất cả các công nghệ khác như nhận diện vân tay, khuôn mặt, dáng điệu vận động để trở lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sinh trắc học và được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Nền tảng công nghệ 4.0 tạo ra hạ tầng sinh thái về vạn vật kết nối Internet, hệ thống siêu dữ liệu BigData) do đó các ứng dụng sinh trắc học ngày nay thường sử dụng tập dữ liệu lớn để phân tích bằng các luật tri thức. Việc tận dụng các cơ sở tri thức trong nhận dạng khiến cho việc nhận diện được “chính xác” hơn. Thay vì chỉ lưu trữ được một ít dữ liệu về mống mắt như trước đây, ngày nay để nhận diện một người chúng ta có thể sử dụng các thông tin bổ trợ như: Nhiệt độ của cơ thể, mầu da, khoảng cách giữa hai mắt, hình dáng tai, dáng đi đứng,...Điều đó khiến cho hệ thống nhận dạng của chúng ta thêm “thông minh” và có tri thức hơn.
Sau một thời gian tưởng chìm vào quên lãng, ngày nay các ứng dụng nhận diện bằng mống mắt đang phát triển như vũ bão, và nó có mặt ở mọi lĩnh vực. Người ta có thể nhận diện tội phạm giữa hàng nghìn con người xuất hiện lướt qua hệ thống camera giám sát công cộng thông qua đôi mắt của chúng. Các cá nhân có trang bị máy điện thoại thông minh cũng là đối tượng để các hãng ứng dụng nhận diện mống mắt phát huy tác dụng và tính năng này.
Rủi ro và thách thức – Biện pháp an toàn
Công nghệ nào cũng có rủi ro và thách thức, nhận diện bằng mống mắt không phải ngoại lệ. Ngay từ khi xuất hiện ý tưởng nhận diện sử dụng mống mắt, đồng thời cũng có các phương thức phá hoại và “vượt rào”. Các nhà thiết kế hệ thống đã tính toán các tình huống này và đưa ra một số biện pháp nhằm chống lại sự phá hoại và giả tạo như sau: Dùng camera hồng ngoại để nhận diện con ngươi là của người thật thay vì ảnh chụp, bổ sung các thuật toán kiểm tra các phần bổ trợ như khoảng cách hai mắt, hình dáng cả mắt, bộ lông mày, hình dáng mũi,....
Công nghệ cũng đối diện với các kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cho con ngươi lúc truy cập. Ví dụ: Sử dụng các bóng LED hồng ngoại có bước sóng nằm trong ngưỡng an toàn cho mắt.
Tuy nhiên, để khẳng định đây đã phải là biện pháp tối ưu và tuyệt đối an toàn hay chưa, thì cần có thời gian và trải nghiệm thực tế để chứng minh. Tại thời điểm hiện nay, các hệ thống và công ty lớn đã từng bước ứng dụng công nghệ nhận diện mống mắt vào trong thực tiễn công việc. Chúng ta hãy cùng đón nhận một công nghệ mới thay vì tìm cách hủy hoại nó!