Trang tin Đa Chiều ngày 21/5 đã đăng bài phân tích, bản Báo cáo có nhiều trọng điểm, bao gồm những thách thức của Trung Quốc đối với lợi ích quốc gia của Mỹ; đồng thời xem xét lại các chính sách với Trung Quốc trong hai thập kỷ qua; cho rằng “Hoa Kỳ đã có sự điều chỉnh rất lớn trong chính sách đối với Trung Quốc”.
Trang web của Nhà Trắng và trang web chính thức của Bộ Quốc phòng ngày 20/5 đều đăng tải báo cáo về Phương châm chiến lược với Trung Quốc dài 16 trang này. Trong đó đề cập đến “Để đối phó với những thách thức do Bắc Kinh gây ra, chính phủ đã áp dụng chính sách cạnh tranh đối với Trung Quốc; căn cứ phán đoán rõ ràng về ý đồ và hành động của Trung Quốc, đánh giá lại những điểm mạnh và bất cập của chiến lược đối với Trung Quốc, đồng thời tăng khả năng chịu đựng đối với va chạm giữa hai bên”.
Báo cáo viết: "Chúng ta đề ra chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc có hai mục tiêu. Thứ nhất, nâng cao tính linh hoạt của cơ cấu, liên minh và đối tác của chúng ta để chiến thắng các thách thức do Trung Quốc gây ra. Thứ hai, buộc Bắc Kinh phải chấm dứt hoặc giảm thiểu các hành vi có hại cho lợi ích quốc gia lớn lao của Hoa Kỳ, các đồng minh và các quốc gia đối tác”.
“Báo cáo chiến lược của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được đăng tải trên trang web Nhà Trắng
|
Các điểm chính của Báo cáo như sau:
Giới thiệu: “Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1979, Hoa Kỳ đã xây dựng chính sách Trung Quốc ở mức độ lớn dựa trên kỳ vọng thông qua việc tăng cường tiếp xúc, kích thích Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và chính trị, khiến Trung Quốc dần trở thành một bên liên quan có trách nhiệm với lợi ích toàn cầu, xã hội cởi mở hơn”.
Báo cáo phê phán: “Hơn 40 năm đã trôi qua, chính sách này rõ ràng đã đánh giá thấp ý chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc hạn chế phạm vi cải cách kinh tế và chính trị. Trong hai thập kỷ qua, các cải cách của Trung Quốc đã chậm lại, bị đình trệ hoặc thậm chí thụt lùi”.
“Sự phát triển kinh tế nhanh chóng và mối quan hệ ngày càng tăng cường của Trung Quốc với thế giới đều không khiến cho Trung Quốc hội nhập một trật tự tự do và mở cửa lấy công dân làm trung tâm - như Hoa Kỳ đã kỳ vọng”.
“Kết quả, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lựa chọn lạm dụng trật tự quốc tế tự do và cởi mở, trong khi cố gắng tạo lập lại hệ thống quốc tế có lợi hơn cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã công khai thừa nhận rằng họ đang tìm cách thay đổi trật tự quốc tế và làm cho nó phù hợp hơn với lợi ích và ý thức hệ của Trung Quốc”.
Báo cáo cho rằng “Trung Quốc đã ngày càng lợi dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự, cưỡng ép các quốc gia, làm tổn hại lợi ích lớn lao của Hoa Kỳ; đồng thời làm tổn hại chủ quyền và tôn nghiêm của tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới”.
Phải chăng thời kỳ hữu hảo, coi nhau là đối tác giữa hai bên Mỹ - Trung đã kết thúc? (Ảnh: Reuters)
|
Chương I, Những thách thức – “Trung Quốc ngày nay đã mang lại nhiều thách thức cho lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”. Báo cáo chỉ ra ba khía cạnh:
1. Về Kinh tế - Trung Quốc là một "nền kinh tế trưởng thành" nhưng vẫn được hưởng chế độ đãi ngộ "nước đang phát triển" của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sáng kiến Vành đai và Con đường là một thuật ngữ ô che, tiêu chuẩn và mạng lưới được Trung Quốc sử dụng để mở rộng lợi ích và tầm nhìn toàn cầu của Bắc Kinh.
2. Về quan niệm giá trị - Báo cáo chủ yếu liệt kê tư tưởng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Báo cáo nêu ví dụ: "Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị sẵn cho trường hợp ‘hợp tác và xung đột sẽ cùng tồn tại trong một thời gian dài giữa hai hệ thống’, nói rằng ‘chủ nghĩa tư bản sẽ biến mất và chủ nghĩa xã hội sẽ chiến thắng’ ”. Báo cáo cũng tuyên bố rằng chính sách nới Trung Quốc của Mỹ trong quá khứ “đã gây ra hậu quả tai hại trong việc trói buộc chính sách Tân Cương của Trung Quốc”.
3. Về an ninh quốc gia. "Sức mạnh của Trung Quốc đã tăng lên, để loại bỏ những trở ngại về lợi ích và mở rộng phạm vi chiến lược toàn cầu, Trung Quốc đã triển khai các mối đe dọa khủng bố và áp lực cao về chính trị cũng đang tăng lên”.
Chương II, Chiến lược - Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) đề ra năm 2017 đòi hỏi Hoa Kỳ “suy nghĩ lại chính sách của mình đối với Trung Quốc trong hai thập kỷ qua”, "với sự chỉ dẫn của các nguyên tắc trở lại chủ nghĩa hiện thực, Hoa Kỳ sẽ đối phó với những thách thức trực tiếp đến từ Trung Quốc; trước hết thừa nhận giữa hai bên tồn tại mối quan hệ cạnh tranh chiến lược, đồng thời cần bảo vệ đầy đủ lợi ích của nước Mỹ”.
Báo cáo viết, “Hoa Kỳ phản đối nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm đánh tráo khái niệm, đánh đồng "pháp trị" với “cai trị đất nước bằng luật pháp”, đánh đồng chống khủng bố và đàn áp, đánh đồng các hệ thống quản lý đại diện với chuyên chế, đánh đồng cạnh tranh thị trường với chủ nghĩa trọng thương hướng tới quốc hữu hóa”.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thách thức kế hoạch hành động của Bắc Kinh nhằm bóp méo sự thật mưu đồ phá vỡ các giá trị và lý tưởng của Mỹ”.
Đồng thời, “Chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc giống như NSS và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ rõ: độc lập chủ quyền, tự do, cởi mở, pháp quyền, bình đẳng và có đi có lại. Mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ không quyết định cách chúng ta hình thành chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng sẽ trở thành một phần của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tương tự như vậy, tầm nhìn công bằng và cởi mở của chúng ta về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không loại trừ Trung Quốc. "
"Hoa Kỳ sẽ đối xử với chính phủ Trung Quốc với các tiêu chuẩn và nguyên tắc giống như với tất cả các nước". "Trước các quyết định chiến lược của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ hiện công nhận và chấp nhận quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc, giống như nội bộ Trung Quốc luôn xác định: Một đối thủ cạnh tranh hùng mạnh”.
Chương III, Thực thi - Chủ đề xoay quanh chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là "bốn trụ cột", "mục tiêu chiến lược của chúng ta là bảo vệ lợi ích quốc gia chính của Hoa Kỳ - dựa trên bốn trụ cột được đưa ra bởi Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ 2017 (NSS). Mục tiêu của chúng ta là: 1) Bảo vệ người dân, đất đai và lối sống của người Mỹ; 2) Làm Hoa Kỳ phồn vinh; 3) Giữ gìn sức mạnh và duy trì hòa bình; 4) Mở rộng ảnh hưởng của Mỹ”.
Báo cáo chỉ ra: “Mục đích của việc công bố báo cáo không phải là để mô tả chi tiết các hành động cạnh tranh chiến lược và các sáng kiến chính trị của Hoa Kỳ trên thế giới. Báo cáo tập trung vào cách thực hiện chính sách trực tiếp của NSS với Trung Quốc như thế nào”.
Báo cáo đưa ra nội dung thực hiện cụ thể dựa trên "bốn trụ cột".
1. Bảo vệ người dân, đất đai và lối sống của người Mỹ. "Cục Điều tra Trung Quốc thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ phân bổ lực lượng, xác định và truy tố các vụ trộm cắp bí mật thương mại, tin tặc và gián điệp kinh tế của Trung Quốc; tăng cường lực lượng để bảo vệ cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và nền chính trị Mỹ không bị xói mòn bởi đầu tư của Trung Quốc và các đại diện của họ ở nước ngoài”.
Đồng thời, "để đảm bảo sự tương hỗ của các mối quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao phải thông báo cho các nhà ngoại giao Trung Quốc biết về chính sách của chính phủ Hoa Kỳ trước khi họ gặp gỡ các quan chức địa phương và các tổ chức học thuật Mỹ”
Ngoài ra, "Để ngăn chặn các bên nước ngoài có hại xâm nhập mạng thông tin Hoa Kỳ, Tổng thống Trump đã ban hành “Lệnh hành chính về chuỗi cung ứng dịch vụ và công nghệ thông tin và truyền thông” và “Lệnh hành chính về việc thành lập Ủy ban thẩm tra sự tham gia của nước ngoài vào ngành dịch vụ viễn thông Hoa Kỳ”.
2. Thúc đẩy sự thịnh vượng của Hoa Kỳ - Báo cáo chủ yếu đề cập đến lịch sử hai năm của cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng giai đoạn đầu tiên của hiệp định thương mại được ký vào ngày 15/1/2020 với thành quả thắng lợi Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ USD các sản phẩm của Hoa Kỳ trong vòng hai năm.
3. Giữ gìn sức mạnh và duy trì hòa bình – “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ bền chặt và không chính thức với Đài Loan, dựa trên “Đạo luật quan hệ Đài Loan” và sự đồng thuận của ba tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhất trí với chính sách “Một Trung Quốc”. Mỹ chủ trương những bất đồng giữa hai bên bờ eo biển phải được giải quyết hòa bình, đồng thời tôn trọng ý nguyện của người dân ở cả hai phía eo biển, không được sử dụng các thủ đoạn đe dọa hay ép buộc”.
4. Mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ - "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì nguyên tắc và phản đối việc quân đội Trung Quốc sử dụng công nghệ của chúng ta để hỗ trợ họ đạt được quyền lực trung ương bằng các thủ đoạn khoa học và công nghệ”.
Theo Nhà Trắng, hiện nay giữa hai bên Mỹ - Trung tồn tại mối quan hệ cạnh tranh chiến lược, đồng thời cần bảo vệ đầy đủ lợi ích của Mỹ (Ảnh: Reuters)
|
Chương 4: Kết luận - "Chiến lược đối với Trung Quốc của chính phủ phản ánh sự đánh giá lại của Hoa Kỳ và phản ứng rõ ràng với những thách thức mà các nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt ra. Hoa Kỳ nhận rõ sự tồn tại quan hệ cạnh tranh chiến lược lâu dài giữa hai quốc gia, hai loại chế độ. Theo phương châm chỉ đạo do NSS đưa ra, thông qua chiến lược toàn diện của chính phủ và quay trở lại các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực; chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của Mỹ và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ.
Đồng thời, chúng ta sẽ duy trì thái độ cởi mở với quan hệ song phương và hợp tác vì lợi ích chung. Chúng ta sẽ tiếp tục tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, với thái độ tôn trọng và suy nghĩ nhạy bén, đối mặt trực tiếp với các thách thức và yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ các cam kết của mình”.
Có ý kiến cho rằng, với cách tiếp cận mới của Mỹ về chiến lược đối với Trung Quốc, cỏ vẻ như phiên bản Chiến tranh Lạnh 2.0 giữa hai bên đã bắt đầu. Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào.