Bà Helen Sharman - người từng đến thăm Trạm không gian Hòa bình Mir của Liên Xô vào năm 1991 - nói với tờ Observer của Anh rằng "Người ngoài hành tinh có tồn tại, không nghi ngờ gì về điều đó".
"Có tới hàng tỷ ngôi sao ở ngoài vũ trụ, nên chắc hẳn phải có đủ loại dạng sống" - bà Sharman nói - "Liệu họ có giống như bạn và tôi, cấu thành từ carbon và nitrogen? Hoặc có thể là không".
Đưa ra một giả thuyết đầy thách thức khác về "những người hàng xóm" của loài người, bà Sharman nói thêm: "Rất có khả năng họ ở ngay đây, chỉ là chúng ta không thể thấy họ mà thôi".
Bà Sharman là 1 trong số 7 nhà du hành vũ trụ của Anh từng đi vào không gian. Là một nhà hóa học, bà từng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kéo dài 8 ngày trong sứ mệnh không gian lúc ở tuổi 27, và trở thành một trong số những du hành gia trẻ tuổi nhất từng đi vào quỹ đạo Trái Đất.
Các con tàu tự hành của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trong nhiều năm qua đã lùng sục khắp Sao Hỏa để tìm bằng chứng về sự sống trong quá khứ hoặc hiện tại trên Hành tinh Đỏ, nhưng đến nay sự hứng thú vô hạn của nhân loại đối với sự sống ngoài không gian vẫn chưa được đáp ứng.
Bà Sharman không phải là người duy nhất đưa ra giả thuyết rằng người ngoài hành tinh đang sống giữa chúng ta.
Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, người từng đứng đầu một chương trình bí mật của chính phủ nghiên cứu về vật thể bay không xác định (UFO), vào năm 2017 đã tiết lộ với hãng CNN rằng, ông tin rằng có bằng chứng người ngoài hành tinh đã đến Trái Đất.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Observer, bà Sharman nói rằng "không có gì đẹp hơn là hình ảnh Trái Đất ngắm nhìn từ không gian". "Tôi sẽ không bao giờ quên được lần đầu tiên chứng kiến vẻ đẹp đó" - bà nói.
Bà Sharman cũng nói về sự không hài lòng của mình trước việc nhiều người công nhận bà qua giới tính. "Người ta thường mô tả tôi như người phụ nữ Anh đầu tiên đi vào không gian, nhưng thực tế tôi là người Anh đầu tiên lên không gian" - bà nói.