Người dùng bị nghe lén qua hàng trăm game di động

Tờ New York Times tiết lộ tin tức chấn động trên 250 ứng dụng game chủ yếu trên Google Play nghe lén những gì người dùng sử dụng

Nghe lén bằng micro

Nhiều game trên Google Play, một số ít trên App Store được cài phần mềm Alphonso nhằm bí mật ghi lại các dữ liệu từ micro cả khi ứng dụng không được kích hoạt.

Người dùng bị nghe lén qua hàng trăm game di động - Ảnh 1

Đây là điều mà các ứng dụng dành cho smartphone đang thực hiện trong một thời gian ngắn: sử dụng quyền truy cập của micrô để nghe lén những gì người dùng sử dụng.

Các ứng dụng game này sử dụng một phần mềm từ Alphonso, một công ty thu thập dữ liệu nhằm mục đích giao dịch với các nhà quảng cáo. Sử dụng micro của smartphone, phần mềm này có thể thu thập chi tiết những chương trình TV khách hàng đang xem bằng cách xác định tín hiệu âm thanh trong quảng cáo và nội dung chương trình. Thậm chí, nó có thể so sánh để kết hợp thông tin đó với dữ liệu vị trí của người dùng. Các thông tin được thu thập sau đó có thể được sử dụng để các công ty tiếp thị nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác hơn.

Hầu hết các game và ứng dụng cho trẻ em sử dụng phần mềm này không có nội dung hay cách chơi liên quan đến việc sử dụng micro của smartphone và phần mềm thậm chí có thể phát hiện âm thanh ngay cả khi khách hàng đang đặt thiết bị ở trong túi, nếu ứng dụng đang được chạy ẩn. Một số trò chơi được nêu ra bao gồm Pool 3D, Beer Pong: Trickshot, Real Bowling Strike 10 Pin, Honey Quest...

Việc nghe lén tuân thủ pháp luật

"Khách hàng có thể chọn không tham gia bất kỳ khi nào", Ashish Chordia, Giám đốc điều hành của hãng Alphonso cho biết và bổ sung rằng việc tiết lộ thông tin của công ty tuân theo các hướng dẫn của Ủy ban thương mại Liên bang.

Đại diện của Alphonso trả lời phỏng vấn: Các phần mềm này không ghi lại lời nói của người dùng và theo như mô tả ứng dụng cùng chính sách bảo mật thì công ty không thể truy cập vào micro và địa điểm trừ khi được cho phép.

Tuy nhiên, Alphonso từ chối cung cấp con số chi tiết người dùng đã bị thu thập dữ liệu cũng như không thể tiết lộ tên của khoảng 1.000 trò chơi và ứng dụng đã sử dụng phần mềm của mình. Đại diện hãng đồng thời cho biết không chấp thuận phần mềm được sử dụng trong các ứng dụng dành cho trẻ em.

Cần biết rằng, trên thực tế, trong các phần giới thiệu ứng dụng thì nội dung về việc thu thập dữ liệu này gần như không được nhắc tới hoặc đặt ở phần cuối cùng của đoạn mô tả sản phẩm. Đây là vị trí mặc định bị ẩn đi và người dùng phải nhấn nút "Xem thêm" mới có thể thấy được. Đây là một thủ thuật không lành mạnh để thu thập thông tin người dùng của hãng Alphonso.

Nhiều ứng dụng trò chơi cũng đòi quyền truy cập micro và địa điểm ngay sau khi cài đặt mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích cụ thể nào. Một số game khác lại giới thiệu qua loa rằng điều này giúp cho việc hỗ trợ "hiển thị các quảng cáo và nội dung trong game liên quan tới những thứ bạn xem trên TV". Bên cạnh đó, theo New York Times, nhiều ứng dụng lại mô tả việc thu thập dữ liệu này để "chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các trò chơi giáo dục cho trẻ em và học sinh".

Hãng Alphonso chỉ là một trong nhiều công ty mới nổi lên gần đây sử dụng công nghệ mới để tìm kiếm thông tin dữ liệu từ người dùng nhằm bán chúng cho các nhà tiếp thị.

Tại Mỹ, các chương trình quảng cáo truyền hình vẫn là mảnh đất màu mỡ, thu về gần 70 tỷ USD hàng năm. Còn các nhà quảng cáo thì sẵn sàng trả nhiều tiền để khuếch đại và phân tích hiệu quả của các khoản chi tiêu đó từ khách hàng. Năm 2016, Ủy ban thương mại Liên bang cứng rắn cảnh báo về một phần mềm tương tự, có tên Silverpush. Còn trong năm 2017, hãng Vizio đã phải chi ra 2,2 triệu USD để dàn xếp các vụ kiện liên quan tới việc Smart TV của hãng đã theo dõi để rồi bán thông tin người dùng mà không được sự cho phép của khách hàng.

Các tờ báo tại Mỹ đưa ra nhiều thuyết âm mưu trong nhiều năm nay về các ứng dụng phổ biến hiện nay, đặc biệt là trên Facebook, thường truy cập vào microphone của khách hàng nhằm nghe lén nội dung trao đổi để rồi hiển thị quảng cáo dựa trên đoạn hội thoại của họ. Nhưng với trường hợp của Facebook, hãng thậm chí còn chẳng cần làm điều đó vì mạng xã hội đã có sẵn một kho dữ liệu cực lớn và những thứ đó đôi khi còn giá trị hơn những gì bạn nói chuyện bằng miệng với nhau.

Theo ICTNews

http://ictnews.vn/game/nguoi-dung-bi-nghe-len-qua-hang-tram-game-di-dong-163224.ict