Theo Bộ Y tế Hoa Kỳ, việc thiếu ngủ sẽ dẫn đến huyết áp cao và các bệnh tim mạch, các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và các vấn đề liên quan đến cân nặng như béo phì và đái tháo đường. Các khuyến cáo chung khuyên người lớn nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Theo NIH, sẽ mất khoảng 20% thời gian đầu của mỗi giấc ngủ để đi vào giấc ngủ sâu.
Sau hai giai đoạn ngủ chợp mắt, trong đó cơ thể đang dần dần chuyển sang trạng thái ngủ, giấc ngủ sâu sẽ đến. Giai đoạn thứ ba của giấc ngủ đi kèm với các sóng não chậm, mắt và cơ sẽ không hoạt động nữa. Những người đi vào giấc ngủ sâu rất khó thức dậy.
Cách để có được giấc ngủ sâu hơn là cải thiện giấc ngủ nói chung. Có rất nhiều cách để đi vào một giấc ngủ sâu, một trong số đó là tạo thói quen để tăng cường giấc ngủ, có nghĩa là đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối, ngay cả khi không có việc gì để thức dậy vào ngày hôm sau.
Tránh xa những chất kích thích có trong cà phê, thuốc lá, nước có ga, đèn sáng và ăn đêm cũng có thể giúp ích cho giấc ngủ của bạn. Bạn nên tập thể dục thường xuyên vào mỗi buổi sáng và tạo thói quen thư giãn vào ban đêm, như uống trà thảo dược hoặc ngồi thiền.
Thêm vào đó, hãy đảm bảo rằng căn phòng của bạn có ánh sáng, nhiệt độ và âm thanh phù hợp. Những yếu tố đó sẽ làm cho bạn đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Nhiều người hay có thói quen nghe nhạc khi ngủ nhưng nếu âm lượng quá to sẽ khiến việc ngủ trở nên khó khăn.
Nhiều chuyên gia khuyên bạn nên bỏ việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng và máy tính trước khi đi ngủ để ngủ ngon hơn. Màn hình phát ra ánh sáng màu xanh có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học và làm mất giấc ngủ của bạn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ mất nhiều thời gian đi sâu vào giấc ngủ, ngủ ít hơn hay ít hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng điều này để ngủ nhiều. Có thể là ngủ quá nhiều sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường!