Hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể giúp Trung Quốc nâng cấp các sản phẩm tương lai của họ lên trình độ các hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ. Luận thuyết này đang được bàn tán ồn ào trên các blog Trung Quốc.
Ngày 13/4/2015, Tổng giám đốc Rosoboronoexport, ông Anatoly Isaikin đã xác nhận, Trung Quốc đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf. Trong khi vào tháng 11/2014, các quan chức Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự còn bác bỏ tin tức về việc ký hợp đồng bán 4 tiểu đoàn S-400 cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, có những yếu tố kiềm chế sự lạc quan quá mức từ thông tin này. Một mặt, việc bán các hệ thống tên lửa phòng không tối tân cho Trung Quốc là một cơ hội tuyệt vời để củng cố tính chất chiến lược trong quan hệ Nga-Trung. Điều đặc biệt bức thiết từ góc độ đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Nga và chính sách “chuyển hướng sang phía Đông” của nước này tại thời điểm đối đầu gia tăng với phương Tây.
Mặt khác, 2 tỷ USD thu thập từ thương vụ sẽ không phải thừa đối với ngân sách đang khó khăn của Nga. Nhưng điều ai cũng biết là công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong những thập niên gần đây đã chứng tỏ tài nghệ sao chép bậc thầy trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.
Sputnik International News mới đâu đã đăng bài báo, trong đó có nêu ý kiến của các nhà bình luận khẳng định: sắp tới, các hệ thống S-400 mua của Nga sẽ bị sao chép hàng loạt giả dạng sản phẩm nội địa của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Các công nghệ sử dụng trong Triumf sẽ được nghiên cứu cặn kẽ để áp dụng cho 3 hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa tương lai của Trung Quốc. Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc nghiên cứu chế tạo các phương tiện phòng không/phòng thủ tên lửa như HQ-29, HQ-26 và НQ-19.
HQ-29 sao chép các công nghệ của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung của Mỹ là MIM-104F Patriot РАС-3 với các tên lửa chống tên lửa tương tự như MIM-104F. HQ-26 được trang bị loại tên lửa do các kỹ sư Trung Quốc “cách tân” tương tự tên lửa phòng không có điều khiển SM-3 của Mỹ có khả năng phóng từ bệ phóng thẳng đứng. Có tin sắp tới các tên lửa này sẽ được đưa vào trang bị cho các tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Còn HQ-19 tương tự như hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động THAAD của Mỹ.
Không loại trừ, các hệ thống S-400 sẽ đóng góp không ít công nghệ vào quá trình hiện đại hóa và hoàn thiện các hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên của Trung Quốc. Như vậy, nước Nga đang mạo hiểu tạo ra một đối thủ đáng gờm trên thị trường vũ khí. Lúc đó thì khoản tiền 2 tỷ USD kiếm được sẽ chỉ là những đồng xu lẻ so với lợi nhuận kếch xù đánh mất đi.
Người Trung Quốc có thể sao chép tất cả những gì lọt vào tay họ, Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) Aleksandr Khramchkhin nói.
- Đấy là chuyện hiển nhiên. Nhưng khó nói là các hệ thống tương tự làm ra sẽ hoàn thiện về kỹ thuật đến đâu bởi vì đó là thông tin được giấu kín nên không thể kiểm tra các thông tin này.
Svobodnaya Pressa (SP): Báo chí Trung Quốc đưa tin rằng, việc thử nghiệm bay tên lửa tầm xa cho hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới HQ-29 đã được tiến hành, còn việc triển khai các tiểu đoàn để phòng không mục tiêu được ấn định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12. HQ-29 dường như có một tên lửa giống như MIM-104F của hệ thống Patriot РАС-3 của Mỹ, trong phần đầu tên lửa có lắp hơn 100 động cơ mini để hiệu chỉnh đường bay…
- Thông tin này khó xác nhận, cũng như khó bác bỏ. Tôi nhắc lại là nó gần với loại tương tự như thế nào, đó là câu hỏi mà chỉ chính người Trung Quốc mới biết câu trả lời bởi vì, ngoài các chuyên gia quân sự của họ ra, bất luận thế nào cũng chẳng có ai được quyền tiếp cận các cuộc thử nghiệm các hệ thống đó.
SP: Nếu phỏng đoán rằng, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có khả năng sao chép tên lửa phòng không có điều khiển SM-3 thì điều đó có nghĩa là họ có cái gì đó giống như hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu Aegis ư?
- Các tàu khu trục lớp 052C và 052D bị gọi là các hàng nhái của Trung Quốc sao chép tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ trang bị hệ thống Aegis bởi vì cũng có các hệ thống tên lửa phòng không và hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu được phát triển dựa trên hệ thống TAVITA của Thomson-CSF, Pháp, cộng với bệ phóng tên lửa thẳng đứng. Còn việc radar và hệ thống chỉ huy chiến đấu của họ giống với của Mỹ đến mức nào thì lại là chuyện khác, nhưng đây lại là một câu hỏi tu từ nữa.
Theo VND