New York Times: Trung Quốc sử dụng số lượng lớn tàu dân quân nhằm kiểm soát Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các tàu dân quân Trung Quốc núp bóng đánh cá vờ neo đậu tránh bão ở các bãi đá trên Biển Đông như những vị khách không chịu rời đi và ngày càng nhiều hơn. Quân đội Philippines phản đối mạnh mẽ điều này.
Tàu Trung Quốc neo đậu thành các cụm ở vùng biển gần bãi Ba Đầu (Ảnh: MAXAR/AP).
Tàu Trung Quốc neo đậu thành các cụm ở vùng biển gần bãi Ba Đầu (Ảnh: MAXAR/AP).

Cách đây không lâu, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông bằng việc xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp. Giờ đây, sách lược mới của Bắc Kinh là cho số lượng lớn tàu đánh cá neo đậu trong vùng biển tranh chấp, bất chấp ​​các quốc gia khác xua đuổi.

Tờ New York Times hôm Chủ nhật (4/4) đưa tin, Trung Quốc làm như thế để đạt được những mục tiêu họ không thể đạt được bằng ngoại giao hay luật pháp quốc tế; ở một mức độ nào đó, cách làm này dường như có hiệu quả.

Bài báo của New York Times cho biết, Greg Poling, người đứng đầu Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã nói về quan điểm của mình. Ông nói: “Bắc Kinh nhận thức rõ rằng nếu họ sử dụng sự cưỡng ép và áp lực trong một thời gian đủ dài, họ có thể buộc những người Đông Nam Á rời đi”.

Ông Polling nói rằng thủ đoạn như vậy là “rất nham hiểm”.

Greg Poling, người đứng đầu Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á: thủ đoạn của Trung Quốc rất nham hiểm (Ảnh: The Diplomat).

Greg Poling, người đứng đầu Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á: thủ đoạn của Trung Quốc rất nham hiểm (Ảnh: The Diplomat).

Bài báo nói rằng các hành động của Trung Quốc phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của nước này dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Họ có thể thăm dò chính quyền Joe Biden và các quốc gia láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông, những quốc gia ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế và việc cung cấp vắc xin COVID-19 của Trung Quốc.

Một ngày trong tháng 3, 220 chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đã neo đậu tại rạn san hô Ba Đầu để tránh bão. Hành động này của Bắc Kinh đã gây nên phản đối của Việt Nam và Philippines, hai nước cũng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông - Delfin Lorenzana gọi động thái của Trung Quốc là “một hành động khiêu khích rõ ràng”. Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ trích Trung Quốc vi phạm chủ quyền và yêu cầu các tàu này rời đi.

Theo New York Times, các hình ảnh vệ tinh do Công ty Maxar Technologies ở bang Colorado chụp cho thấy một số tàu đã rời đi trong tuần qua, nhưng một số lượng lớn vẫn ở lại đó. Theo hình ảnh vệ tinh và các quan chức Philippines, các tàu khác đã di chuyển đến các rạn san hô khác chỉ cách đó vài dặm. Có tới 45 tàu Trung Quốc đã tập trung ở gần đảo Thị Tứ do Philippine kiểm soát nằm cách bãi Ba Đầu (Whitsundays Reef) 100 dặm về phía bắc.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy rõ rất nhiều tàu Trung Quốc tập kết ở Ba Đầu (Ảnh: MAXAR/AP).

Hình ảnh vệ tinh cho thấy rõ rất nhiều tàu Trung Quốc tập kết ở Ba Đầu (Ảnh: MAXAR/AP).

Theo New York Times, việc tập trung tàu này của Bắc Kinh đã làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực và có thể trở thành điểm đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, giống như Đài Loan. Mỹ chưa nêu rõ quan điểm của mình về tranh chấp Biển Đông, nhưng đã phê phán sách lược mang tính xâm lược của Trung Quốc ở đây, trong đó có việc quân sự hóa các căn cứ. Trong những năm gần đây, Mỹ đã điều động các tàu hải quân tới tuần tra định kỳ để thách thức cái gọi là quyền hạn chế mọi hoạt động quân sự của Trung Quốc. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, đã có ba chuyến tuần tra như vậy.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã bày tỏ ủng hộ Philippines trước sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc. Ông viết trong một bản tweet: "Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ các đồng minh của mình và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

New York Times đưa tin rằng việc tập kết nhiều tàu ​​như vậy làm nổi bật sự xói mòn thêm quyền kiểm soát của Philippines đối với vùng biển tranh chấp, điều này có thể trở thành vấn đề đối với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Những người chỉ trích nói, việc Trung Quốc coi thường các tuyên bố chủ quyền của Philippines phản ánh thất bại của những nỗ lực của ông Duterte trong việc lấy lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (Ảnh: Philstar).

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (Ảnh: Philstar).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 5/4, việc tàu dân quân Trung Quốc tiếp tục tập trung tại bãi Ba Đầu và các đảo, bãi khác mà Philippines tuyên bố chủ quyền đã khiến nội bộ giới lãnh đạo nước này “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mạnh mẽ chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở bãi đá ngầm Ba Đầu (Whitsun), trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Lochen lại ca ngợi “Tình hữu nghị giữa Philippines và Trung Quốc là vững chắc không thể phá vỡ”.

Đa Chiều ngày 5/4 đưa tin, ông Lorenzana nói trong một tuyên bố vào ngày 4/4: “Sự hiện diện liên tục của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực này cho thấy họ có ý định chiếm thêm (khu vực) ở biển Tây Philippines”. Đây là tuyên bố nghiêm khắc thứ hai trong vòng hai ngày mà Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đưa ra, liên tục yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi bãi đá ngầm Ba Đầu.

Trong một tuyên bố ngày 3/4, ông Lorenzana đề cập rằng thời tiết đã được cải thiện và vẫn còn 44 tàu đánh cá của Trung Quốc “ở lì trên rạn san hô Ba Đầu không chịu dời đi. Tôi không phải là kẻ ngốc. Hiện nay chúng đang ở bãi Panatag (hay Scaborough, Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và rạn san hô Panganiban (đá Vành Khăn, Trung Quốc gọi là Mỹ Tế)”.

Bản tweet với giọng điệu phê phán Trung Quốc mạnh mẽ của ông Lorenzana (Ảnh chụp qua màn hình).

Bản tweet với giọng điệu phê phán Trung Quốc mạnh mẽ của ông Lorenzana (Ảnh chụp qua màn hình).

Ông Lorenzana cũng chỉ ra rằng sự hiện diện liên tục của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của họ nhằm chiếm thêm các đảo và đá ngầm ở biển Tây Philippines. Họ đã từng làm điều này trước đây ở Bãi cạn Panatag (Hoàng Nham) và đá Vành Khăn (Mischief Reef), ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Philippines và các quyền theo luật pháp quốc tế.

Lorenzana ngày 4/4 tuyên bố: "Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hoàn toàn phớt lờ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là một bên tham gia. Điều này khiến mọi người bị sốc. Yêu sách ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc không có bất cứ sự thật và cơ sở pháp lý nào. Điều này cùng với cái gọi là chủ trương lịch sử, đã bị tòa trọng tài bác bỏ một cách rõ ràng và vô điều kiện. Chủ trương của Philippines là có căn cứ, nhưng yêu sách của Trung Quốc thì không”.

Ông cũng nói: "Trung Quốc nên tôn trọng chủ quyền của Philippines và quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình. Điều này được xác định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và được xác nhận bằng một phán quyết trọng tài".

Tàu dân quân Trung Quốc ở gần bãi Ba Đầu hôm 21/3 (Ảnh: AP).

Tàu dân quân Trung Quốc ở gần bãi Ba Đầu hôm 21/3 (Ảnh: AP).

Ông cũng nhấn mạnh rằng với tư cách là một bên tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc không nên tham gia vào các hoạt động can thiệp vào hòa bình và an ninh quốc tế và khu vực.

Philippines mới đây thông báo rằng vào ngày 7/3 khoảng 220 tàu Trung Quốc đã thả neo tại bãi đá ngầm Ba Đầu và Bộ Ngoại giao Philippines đã phản kháng Trung Quốc. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 25/3 cũng đã triệu tập ông Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), đại sứ Trung Quốc tại Philippines, tới để bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng các tàu này là tàu đánh cá, không phải tàu dân quân và trú tại bãi đá ngầm Ba Đầu để tránh thời tiết xấu. Nhưng Lorenzana bày tỏ không tin tưởng. Ông nói: “Tôi không phải là một kẻ ngốc!”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines hôm 3/4 đáp trả rằng nhận xét của ông Lorenzana về việc tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu ở Ba Đầu là “khó hiểu” và đốc thúc các nhà chức trách Philippines “tránh phát biểu những lời lẽ thiếu chuyên nghiệp kích động cảm xúc phi lý trí”.

Sứ quán Trung Quốc tuyên bố: “Đá ngầm Ngưu Ách (tức Ba Đầu) là một phần của quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) của Trung Quốc. Từ lâu, các tàu cá Trung Quốc đã đánh bắt ở vùng biển gần bãi đá ngầm này. Việc tàu cá Trung Quốc đánh cá trong khu vực này và ẩn náu ở đó khi thời tiết xấu là chuyện bình thường. Không ai có quyền nói thế này thế khác về loại hoạt động này”.

Bài xã luận ngày 5/4 của mạng Thời báo Hoàn cầu nói “Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng việc tập trung tàu đánh cá trên bãi đá ngầm Ngưu Ách (tức đá Ba Đầu) là để tránh gió. Đây không chỉ là sự thật, mà thực tế Trung Quốc và Philippines đã có giao tiếp ngoại giao đầy đủ về vấn đề này. Vị Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đang "giả vờ ngu ngốc". Tại sao tàu đánh cá Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển Ngưu Ách? Đây là ngư trường ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc, từ nhiều năm qua vẫn thế, đến năm 2021 không có gì bất thường. Điểm bất thường duy nhất là quân đội Philippines vô cớ gây chuyện và coi trạng thái bình thường là một ‘trường hợp khẩn cấp’ để thổi phồng, cường điệu”.

Một cụm tàu Trung Quốc neo đậu gần Ba Đầu (Ảnh: MAXAR/AP).

Một cụm tàu Trung Quốc neo đậu gần Ba Đầu (Ảnh: MAXAR/AP).

Bài xã luận của mạng Thời báo Hoàn cầu cũng cảnh báo, "Chúng tôi muốn cảnh báo một số lực lượng nhất định ở Philippines: la lối và diễn kịch xung quanh vụ việc ở bãi Ngưu Ách rồi thôi, đừng có hành động mạo hiểm, quá khích, vì nếu như thế, Philippines chắc chắn sẽ bị thiệt, thúc đẩy các cuộc phiêu lưu mạo hiểm họ chắc chắn sẽ bị nhận cú tát cho những gì họ làm”.

Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) chú ý đến việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Lochin tại Phúc Kiến vào ngày 2/4. Ông Lochin cảm ơn Trung Quốc đã giúp Philippines chống lại đại dịch COVID-19, đồng thời mong muốn đẩy nhanh quá trình tham vấn về "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" và cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh rằng "Tình hữu nghị Philippines-Trung Quốc là không thể phá vỡ và Philippines dốc sức thúc đẩy sự phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ Philippines - Trung Quốc".