Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 22/3, đây là động thái mới của Philippines tiếp sau tuyên bố hôm 20/3 tố cáo khoảng 220 tàu đánh cá do dân quân biển Trung Quốc điều khiển đã neo đậu từ ngày 7/3 gần bãi đá ngầm Ba Đầu trong cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines chưa phản hồi.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, văn bản kháng nghị đã được ông Hermogenes Esperon, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines đệ trình vào chiều Chủ nhật, 21/3. Ngoại trưởng Teodoro Locsin trước đó đã chỉ ra rằng nếu các tướng lĩnh quân đội đưa ra yêu cầu, ông sẽ phản đối thông qua các kênh ngoại giao và đang chờ chỉ thị từ Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Esperon và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Delfin Lorenzana.
Trước đó, Lực lượng Đặc nhiệm quốc gia về biển Tây Philippines đã đưa ra một tuyên bố nói rằng bãi san hô “Julian Felipe” (tên Philippines đặt cho Bãi Ba Đầu) “nằm trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách Batalaza, tỉnh Palawan khoảng 175 hải lý về phía Tây”, đồng thời nói “Philippines có quyền khai thác và bảo tồn, sử dụng các loại cá, dầu mỏ khí đốt thiên nhiên”. Tuyên bố cũng nói rằng thời tiết rất đẹp khi các tàu đánh cá Trung Quốc đang neo đậu tại gần bãi Ba Đầu, nhưng các tàu này không đánh cá và tất cả các đèn đều được bật sáng vào ban đêm. Tuyên bố bày tỏ lo ngại hành động của Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải.
Ngoại trưởng Teodoro Locsin nói, Philippines đã phản đối Trung Quốc tập kết 220 tàu cá ở gần bãi đá Ba Đầu (Ảnh:philstar). |
Theo VOA tối ngày 22/3, Chính phủ Philippines phát hiện hơn 200 tàu đánh cá trên một bãi đá ở Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Chính phủ Philippines bày tỏ quan ngại nhưng không phản đối ngay lập tức.
Hãng thông tấn AP đưa tin, cơ quan chính phủ Philippines giám sát khu vực tranh chấp cuối ngày thứ Bảy (20/3) cho biết, khoảng 220 tàu Trung Quốc đã thả neo tại vùng biển xung quanh Bãi đá ngầm Ba Đầu (tên tiếng Anh là Whitsun Reef) vào ngày 7/3; trên những chiếc tàu đánh cá này là dân quân biển.
Philippines gọi bãi đá này là “Julian Felipe”, một khu vực san hô nông hình chiếc boomerang nằm cách thị trấn Bataraza, tỉnh Palawan, miền Tây Philippines khoảng 175 hải lý (324 km) về phía tây. Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố rằng bãi đá này “hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Philippines có độc quyền phát triển hoặc bảo vệ bất kỳ nguồn tài nguyên nào”.
Tuyên bố cho biết do bị đánh bắt quá mức, gây tổn hại đến môi trường biển và rủi ro về an toàn hàng hải, sự xuất hiện của một số lượng lớn tàu cá Trung Quốc đã gây ra những lo ngại ở Philippines. Nhưng tuyên bố nói rằng những chiếc tàu này không đánh bắt cá khi chúng bị phát hiện.
220 tàu cá vỏ sắt Trung Quốc neo đậu dày đặc ở gần bãi Ba Đầu (Ảnh: Đông Phương). |
Hãng tin Pháp AFP đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr hôm Chủ nhật cho biết ông “đang chờ lệnh ra tay từ Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng” trước khi đưa ra phản đối ngoại giao.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm Chủ nhật đã kêu gọi Trung Quốc triệu hồi khoảng 220 tàu dân quân biển Trung Quốc, gọi sự tồn tại của các tàu này là một "hành động khiêu khích quân sự rõ ràng".
Ông Delfin Lorenzana cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xâm lược này và triệu hồi ngay lập tức những tàu này đã xâm phạm quyền lợi biển và chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi”.
Khi được phóng viên AFP yêu cầu bình luận, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời.
Mỹ trước đây đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng các tổ chức dân quân biển để "uy hiếp, ép buộc và đe dọa" các quốc gia và khu vực có chủ quyền khác ở Biển Đông. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói vào tháng 7 năm ngoái rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ nêu rõ quan điểm về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Biển Đông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Vùng nước này chứa 10% lượng cá trên thế giới và rất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Trung Quốc đã tự ý đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan cũng đã tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế năm 2016 tuyên bố rằng yêu sách chủ quyền về cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý” và Trung Quốc không được hưởng “quyền lợi có tính lịch sử” ở Biển Đông.
Các nhà phê bình đã nhiều lần chỉ ra rằng Tổng thống Philippines Duterte không thể chống lại hành vi xâm lược của Trung Quốc và đã quyết định không vội vàng buộc Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của trọng tài quốc tế.
Ông Duterte đã luôn duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2016. Duterte đã biện hộ phương thức không đối đầu của mình hai năm trước khi nói: “Khi Tập Cận Bình nói 'Tôi muốn bắt cá', ai có thể ngăn cản được ông ấy kia chứ?”.
Khi đó ông cũng nói: "Nếu tôi cử Thủy quân lục chiến đến xua đuổi ngư dân Trung Quốc, tôi đảm bảo rằng không ai trong số họ có thể sống sót trở về nhà”. Duterte còn nói ông đàm phán ngoại giao với Bắc Kinh để các ngư dân Philippines có thể quay lại ngư trường có tranh chấp, nơi họ bị người Trung Quốc xua đuổi trước đó.
Ông Duterte luôn tìm kiếm nguồn vốn cơ sở hạ tầng cũng như thương mại và đầu tư của Trung Quốc. Với sự gia tăng đáng báo động về số lượng người nhiễm COVID-19 ở Philippines, Bắc Kinh đã quyên tặng và cam kết cung cấp thêm nhiều vắc xin phòng SARS-CoV-2 cho Manila.
Bãi đá Ba Đầu trong cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhìn từ vệ tinh (Ảnh: wiki). |
Nhận định về động thái mới này của Trung Quốc, một chuyên gia nghiên cứu về tình hình Biển Đông cho rằng, nếu Trung Quốc tiến hành chiếm đóng bãi Ba Đầu trên thực tế, hành động này có thể sẽ vi phạm trực tiếp Điều 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) kí giữa Trung Quốc và ASEAN.
Điều 5 DOC viết: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự kiềm chế trong việc thực thi các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định; kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng.
Như vậy, nếu Trung Quốc tiến hành hạ đặt công trình, chẳng hạn như nhà giàn, để kiểm soát bãi đá này, thì đây sẽ là hành động rất khiêu khích, xé bỏ DOC và gây căng thẳng quan hệ với ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp.
Có vẻ như Trung Quốc hiện muốn duy trì sự kiểm soát trên thực tế đối với bãi đá này thông qua sự hiện diện của số lượng lớn tàu dân quân biển và để ngỏ khả năng chiếm đóng như một lựa chọn leo thang khi cần thiết, tùy thuộc vào tình hình quan hệ với ASEAN.