Phát ngôn của Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp đúng vào thời điểm tại Việt Nam phát sinh 19 người dương tính với virus Corona, nâng con số người bị nhiễm lên tới con số 113.
Góc nhìn CLB
Theo lý giải của ông Húp, dịch Covid-19 khiến V-League phải dừng lại và chưa rõ thời điểm đá lại như thế, các CLB đều phát sinh nhiều chi phí tốn kém. Nếu vẫn tiếp tục nhỡ một cầu thủ nhiễm Covid-19 thì rất nguy hiểm cho đồng đội, cho các đội bóng khác. Một sư lo lắng không thừa khi hàng loạt CLB bóng đá châu Âu đã có HLV và cầu thủ dính virus, thậm chí có người đã qua đời.
Phần lớn các liên đoàn bóng đá khu vực mới tạm hoãn giải vô địch, chưa nước nào hủy giải. Ảnh AT
|
Thoạt nhìn, ý kiến của Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp là lối đi hợp lý cho V.League trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” này. Nhưng ngẫm lại, đó cũng chỉ là góc nhìn của một ông sếp cấp CLB, không đại diện cho toàn cục.
Trước hết là một thành viên của FIFA, nên VFF và VPF không thể tự mình đưa ra các quyết định không gắn với sân cỏ khu vực và thế giới. Bóng đá Việt Nam còn 2 nhiệm vụ lớn là tham thi đấu vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020, nếu dừng V.League thì ông Park Hang-seo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Liệu rồi các CLB TP.HCM và Than Quảng Ninh sẽ đá như thế nào tại AFC Cup 2020 nếu V.League bị dừng?
Xét về bình diện quốc tế, ngay cả UEFA quyết định hoãn EURO 2020 sang mùa hè năm sau các liên đoàn bóng đá thành viên vẫn chưa thông báo hủy giải. Họ vẫn đưa ra các phương án để tổ chức Champions League và UEFA League của mùa giải. Nếu chỉ nhìn sự việc đơn giản như CLB Quảng Nam thì các nhà quản lý bóng đá châu Âu đã không phải đau đầu bấy lâu. Chỉ cần 1 tờ A4 là quyết định xong mọi vấn đề, kê gối ngủ ngon.
Ngay cả sự kiện lớn như Olimpic Tokyo 2020 tại Nhật Bản vẫn được IOC quyết tâm tổ chức vào cuối tháng 7 năm nay thì mới thấy cần bình tĩnh nhìn nhận sự việc khách quan, theo hướng tích cực.
Góc toàn cục
Không chỉ Liên đoàn bóng đá Việt Nam mà bất cứ liên đoàn bóng đá quốc gia nào trên thế giới đều không thể đơn phương đưa ra các quyết định lúc này. Điều này lý giải vì sao tại các quốc gia như Italia, Tây Ban Nhà, Đức…và trước đó là Trung Quốc, Hàn Quốc người ta chỉ mới tạm dừng giải nghe ngóng. Đây chính là những quốc gia đang bị Covid-19 hoành hành dữ dội, nhưng cả BHL, cầu thủ vẫn chống chọi với căn bệnh một cách tích cực mà không nghĩ đến tình huống đóng cửa sân mùa giải này.
Đá bóng trong sân không có khán giả đang là giải pháp nhiều nước thực hiện. Ảnh Getty
|
Về kinh tế, việc dừng V.League một giải đấu được cho là tốn kém 800-1.000 tỷ đồng/năm phải được cân nhắc và đồng thuận của 14 CLB. Đơn giản vì nó sẽ liên quan đến việc mưu sinh của hàng trăm HLV, cầu thủ và hàng ngàn người liên quan? Rồi các hợp đồng tài trợ, phương án duy trì phong độ cho các cầu thủ…
Là môn thể thao Vua, bóng đá còn được hàng triệu người hâm mộ Việt Nam quan tâm. Việc hủy giải V.League chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của cổ động viên nói riêng và xã hội nói chung, một vấn đề mà không chỉ BTC V.League có thể quyết định được.
Với bóng đá, mọi chuyện đều có thể xẩy ra, điều đó có nghĩa là rất có thể, vào một ngày xấu trời V.League có thể bị hủy, nhưng chắc chắn đó phải là phương án cuối cùng. Bởi nói cho cùng việc bóng vẫn lăn, đèn vẫn sáng trong dịp dịch Covid-19, dù không có khán giả đến sân vẫn tạo nên động lực và niềm vui cho người dân vào khả năng đẩy lùi virus Corona của Việt Nam và cộng đồng.
V.League 2020 không thể bị khai tử. Chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ thế, nhiều CLB sẽ mong thế! Tuần này VPF sẽ có buổi làm việc với các CLB và người ta hy vọng vào một quyết định chuẩn xác.