NATO hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ "trọn gói"

Các thành viên NATO hôm 18-12 đồng ý gửi máy bay và tàu đến Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường hệ thống phòng không của Ankara ở khu vực biên giới với Syria.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp tại trụ sở của Liên minh ở Brussels - Bỉ hôm 30-11. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp tại trụ sở của Liên minh ở Brussels - Bỉ hôm 30-11. Ảnh: Reuters

Một số nhà ngoại giao nói với Reuters rằng động thái kể trên nhằm tránh cho "máy bay Nga bị bắn hạ thêm”. Các đặc phái viên của NATO đã thông qua kế hoạch và đang xem xét sẽ gửi tàu và máy bay nào tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định đây hoàn toàn là một biện pháp tự vệ. “Chúng tôi nhất trí cung cấp gói hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh xảy ra bất ổn tại khu vực” – ông Stoltenberg nói.

Các nhà ngoại giao NATO và các chuyên gia quân sự cho biết lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ đủ mạnh để không cần trợ giúp nhưng họ vẫn gửi máy bay và tàu để đảm bảo không lặp lại sự cố ngày 24-11, trong đó 1 máy bay Su-24 của Moscow bị Ankara bắn hạ gần biên giới Syria.

Có thông tin NATO sẽ gửi máy bay trinh sát AWACS và máy bay tuần tra trên biển. Còn tàu do Đức và Đan Mạch cung cấp từ phía Đông Địa Trung Hải, nơi chúng đang tham gia một cuộc tập trận.

Theo Reuters, máy bay AWACS có tầm hoạt động trong bán kính hơn 400 km và trao đổi thông tin thông qua các liên kết dữ liệu kỹ thuật số với chỉ huy căn cứ trên mặt đất, trên không và trên biển.

Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng đồng ý mở rộng thời hạn triển khai tên lửa đất – đối - không Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống này có khả năng triệt hạ tên lửa bắn từ lãnh thổ Syria.

Các nhà ngoại giao NATO đang lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ hung hăng và tình hình có thể leo thang sau khi Nga chuyển hệ thống tên lửa phòng không S-400 có tầm bắn 400 km vào Syria, diệt được cả tên lửa và máy bay. Đồng thời, Moscow nâng cấp phi đội chiến đấu cơ bằng thế hệ SU-34.

“Chúng tôi lo ngại về hoạt động xây dựng quân đội trong khu vực” – ông Stoltenberg cho biết. “Hy vọng NATO sẽ giữ trật tự được vùng trời như đã làm ở khu vực Baltics mà không để xảy ra sự cố và tai nạn”.

 P.Nghĩa - Theo Reuters, NLĐ