Lưu Lộ, sinh năm 1989 ở Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc. Anh xuất thân trong gia đình trí thức khi cha anh làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước còn mẹ là kỹ sư trong một doanh nghiệp tư nhân. Thế nhưng, Lưu Lộ lại không thừa hưởng sự xuất sắc của bố mẹ.
Học sinh “cá biệt” của lớp
Khi Lưu Lộ bắt đầu học tiểu học, anh đặc biệt chú ý đến môn toán và bỏ qua các môn học khác. Anh ấy có thể hiểu rất nhanh các kiến thức trong sách giáo khoa mà không cần sự hướng dẫn của giáo viên. Anh say mê toán học đến nỗi khi gặp phải một bài toán khó, anh ấy lại tự nhốt mình trong phòng và nghiên cứu nó nhiều lần.
Sau này khi lên đến cấp 2, Lưu Lộ dần ý thức được tầm quan trọng của việc học và tập trung hơn. Đặc biệt, niềm say mê toán học của anh vẫn chưa hề mất đi.
Trong khi các bạn bè đồng trang lứa vẫn đang giải các bài toán trong sách giáo khoa thì anh đã bắt đầu tự học lý thuyết số. Đây là một ngành của toán học lý thuyết nghiên cứu về tính chất của số nói chung và số nguyên nói riêng. Đây là điều mà không phải học sinh cấp 2 nào cũng có thể đam mê và nắm bắt.
Bạn bè cùng lớp chia sẻ vì tò mò nên đã mượn những quyển sách Lưu Lộ đọc, thế nhưng kết quả là phải trả lại anh vì không hiểu gì.
Bạn bè, giáo viên trong lớp đều nghĩ điểm toán của anh sẽ rất cao bởi anh học nó mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, mọi thứ đều đi ngược lại suy nghĩ của số đông. Điểm Toán của nam sinh này lúc cao lúc thấp không ổn định.
Các giáo viên nói rằng kết quả làm bài của Lưu Lộ luôn đúng thế nhưng quá trình giải bài lại không phù hợp với nội dung học. Cứ như vậy, thành tích học tập của Lưu Lộ gần như "đội sổ" trong lớp.
Kế hoạch học tập rõ ràng
Ý thức được việc học của bản thân chưa tốt, năm lớp 9, anh lên kế hoạch học tập để bù đắp kiến thức thiếu sót.
Năm 2005, tham gia kỳ thi tuyển sinh cấp 3, Lưu Lộ đỗ vào một trường THPT trọng điểm địa phương với thành tích cao. Ngay khi nhận kết quả, cả gia đình và thầy cô đều bày tỏ sự ngạc nhiên, vui mừng.
Vào cấp 3, Lưu Lộ tiếp tục chỉ học mỗi Toán và không chú ý đến các môn khác. Lúc này, anh chủ yếu nghiên cứu Toán bằng sách tiếng Anh. Vừa tìm hiểu Toán, anh vừa tự học cả tiếng Anh một cách hệ thống. Kết quả, cuối kỳ điểm môn tiếng Anh của Lưu Lộ được cải thiện.
Lặp lại tình trạng cũ mặc dù kết quả làm bài luôn đúng nhưng quy trình giải đề của Lưu Lộ không phù hợp khiến điểm số của anh vẫn lẹt đẹt, không có bứt phá. Đến năm lớp 12, Lưu Lộ nhận ra, tình trạng này nếu kéo dài sẽ không thể giúp anh đỗ đại học. Anh tiếp tục vùi đầu vào ôn thi cấp tốc.
Năm 2008, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, Lưu Lộ đạt 575 điểm, đỗ vào Viện Khoa học Toán học và Công nghệ Máy tính thuộc Đại học Trung Nam. Lên đại học, anh thay đổi hoàn toàn, chủ động học hỏi, chăm chỉ làm bài và đọc sách cũng như học đều các môn.
Năm thứ 2 đại học, Lưu Lộ biết đến Logic Toán học, đặc biệt là Toán học Nghịch đảo. Vì quan tâm vấn đề này, anh quyết định tự học và nghiên cứu chuyên sâu. Trong giây phút bộc phát, Lưu Lộ nói: "Tôi muốn trở thành người đầu tiên trên thế giới giải quyết vấn đề này".
Ngay sau đó, anh bắt đầu dành nhiều thời gian nghiên cứu lý thuyết Toán học liên quan. Sau thời gian nghiên cứu, đột nhiên nảy ra ý tưởng nên Lưu Lộ đã viết một bài báo liên quan đến lý thuyết đã suy luận dưới sự hướng dẫn của nhà Toán học Hầu Chấn Đỉnh.
Lưu Lộ trình bày nội dung bài nghiên cứu bằng tiếng Anh và gửi đến Tạp chí The Journal of Symbolic Logic.
Sau một tháng kể từ ngày gửi bài, anh nhận được phản hồi từ GS Dennis Hansberger - nhà Toán học người Mỹ, chuyên gia nghiên cứu Lý thuyết số và Tổ hợp. Trong thư ông bày tỏ: "Bản thân là người nghiên cứu Phỏng đoán Seetapun, nhưng tôi chưa bao giờ chứng minh thành công".
Ông nhận định, nghiên cứu của Lưu Lộ giải quyết được vấn đề Toán học quan trọng mà chưa ai làm được trong hơn 2 thập kỷ. Thậm chí, GS Hansberger còn đưa nghiên cứu của Lưu Lộ cho các nhà khoa học khác thẩm định. Họ đều cho rằng, nghiên cứu này giải quyết thành công Phỏng đoán Seetapun.
Năm 2012, Lưu Lộ được mời đến tham gia Hội nghị Học thuật Logic Toán học tổ chức tại Đại học Chicago (Mỹ). Với tư cách là tác giả bài nghiên cứu, Lưu Lộ trình bày báo cáo dài 40 phút và nhận được sự nhất trí từ 12 chuyên gia hàng đầu có mặt tại hội nghị.
23 tuổi trở thành giáo sư
Lưu Lộ gây bất ngờ khi gặt hái những thành công khi mới là sinh viên năm cuối của trường đại học. Để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu của Lưu Lộ, 3 học giả Lâm Quần, Lý Bang Hà và Đinh Hạ Huề của Viện Khoa học Trung Quốc đã viết thư gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nước này, chấp thuận trường hợp ngoại lệ của Lưu Lộ, cấp thẳng bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Năm 2012, Đại học Trung Nam Trung Quốc quyết định bổ nhiệm Lưu Lộ làm giáo sư. Ở tuổi 23, anh trở thành một trong những giáo sư Toán học trẻ nhất Trung Quốc thời điểm đó.
Trở thành GS trẻ tuổi của trường, Đại học Trung Nam cho phép Lưu Lộ tham gia giảng dạy chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Đồng thời, anh còn là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Toán học Hầu Chấn Đỉnh thuộc Đại học Trung Nam.
Đến nay, sau 12 năm, GS Lưu Lộ vẫn gắn bó với công việc giảng dạy tại Đại học Trung Nam. Ngoài ra, anh còn tập trung vào nghiên cứu Toán học ứng dụng.
Trên thực tế, ngoài toán học ra anh còn rất quan tâm đến vật lý. Tuy nhiên, anh đã cân nhắc và cảm thấy rằng việc nghiên cứu vật lý cần rất nhiều thời gian và tiền bạc, do cần phải làm rất nhiều thí nghiệm.
Ngoài ra, Lưu Lộ cũng thích tâm lý học, vì vậy khi anh ấy còn học trung học, anh ấy đã thiết kế một bộ thí nghiệm tâm lý về nhận thức.
Bà hoàng kính điện thoại Chu Quần Phi: Từ lời đồn “tiểu tam” đến đối tác của Apple, Huawei
"Chiến thần" livestream Trung Quốc gây sốc khi đóng thuế 320 tỉ đồng từ bán hàng trực tuyến
Theo Zhihu