Bà hoàng kính điện thoại Chu Quần Phi: Từ lời đồn “tiểu tam” đến đối tác của Apple, Huawei

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước khi trở thành nữ hoàng kính màn hình điện thoại, Chu Quần Phi đã đối mặt với vô số tin đồn, chịu nhiều cú đâm sau lưng của đối tác và vô số chiến dịch bao vây, đàn áp của đối thủ.

Thành công trong kinh doanh, Chu Quần Phi trở thành Ủy viên toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc từ năm 2018 (Ảnh: Laoyaba).
Thành công trong kinh doanh, Chu Quần Phi trở thành Ủy viên toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc từ năm 2018 (Ảnh: Laoyaba).

"Danh cao gây đố kị, được yêu bị gièm pha"

Năm 2003, Chu Quần Phi thành lập Công ty Công nghệ Lam Tư (Lens Technology) ở Thâm Quyến. Tên tiếng Anh của ống kính là lens, “Lens” cũng là phiên âm của Lam Tư.

Lens đã giúp Chu Quần Phi thành công. Những doanh nhân quốc tế khi tìm kiếm "ống kính" trên Internet, sẽ xuất hiện Lens Technology. Vào thời điểm này, thương hiệu quốc tế Motorola sắp tung ra điện thoại di động V3 và họ đã tìm đến Chu Quần Phi.

Khi đó, công ty Lens quy mô còn nhỏ, tổng cộng chưa đến 1.000 nhân viên. Khi khách hàng biết được sự tình, có chút bất an: “Nếu sản phẩm này đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến Tổng thống của chúng tôi hoặc một người nổi tiếng khác, các vị có đủ khả năng bồi thường không?"

Chu Quần Phi không hề sợ hãi, thay vào đó bà suy nghĩ rất lâu. Để giải quyết vấn đề này, bà gần như sống trong nhà máy. Bà hướng dẫn các kỹ thuật viên tiến hành nhiều thí nghiệm khác nhau trên nguyên liệu thô bằng phương pháp trao đổi ion, kết hợp phủ kính điện thoại di động với in ấn và cuối cùng đã đột phá được nút thắt về công nghệ.

Trong ngành lúc bấy giờ, Lens Technology là công ty đầu tiên đáp ứng được yêu cầu của các công ty nước ngoài. Đơn đặt hàng này của Motorola đã trở thành “hũ vàng” đầu tiên đối với Lens Technology.

Man hinh kinh cam ung.jpg
Lens hiện vẫn là công ty hàng đầu trong lĩnh vực màn hình cảm ứng (Ảnh: Toutiao).

“Danh cao kỵ khởi, sủng cực bàng sinh” (danh cao gây đố kị, được yêu bị gièm pha), câu này xuất phát từ sách "Tăng Quảng hiền văn” mà cha đã yêu cầu Chu Quần Phi học thuộc lòng, rất đúng với hoàn cảnh lúc đó.

So với các đối thủ khác, Lens Technology chỉ là một nhà máy cỡ hạt vừng, hạt đậu sao có thể giành được đơn hàng từ thương hiệu lớn quốc tế?

Các đối thủ của Chu Quần Phi muốn hạ gục Lens chỉ sau một đêm. Nếu không tài giỏi bằng người khác thì chỉ có thể dùng “mưu hèn kế bẩn”. Họ hợp lực tìm đến nhà cung cấp Nhật Bản của Lens Technology, xúi giục yêu cầu Lens thanh toán toàn bộ tiền trước mới chuyển hàng.

Điều này hoàn toàn phá vỡ quy định của ngành là “thanh toán sau khi hoàn thành đơn hàng và nhận lại tiền cọc”. Sau nhiều lần mặc cả, nhà cung cấp Nhật Bản vẫn không chịu nhượng bộ, Chu Quần Phi phải bán nhà đất với giá thấp để lấy tiền.

Kết quả là nhà cung cấp Nhật Bản vẫn tìm đủ lý do để từ chối giao hàng. Thấy ngày giao hàng sắp đến mà nguyên liệu vẫn chưa có động tĩnh gì, Chu Quần Phi lo lắng như kiến ​​bò chảo nóng.

Bà đích thân sang Hồng Kông để tìm nhà cung cấp Nhật Bản, chỉ thiếu nước quỳ lạy. Nhà cung cấp Nhật Bản vẫn không chịu lui, họ thậm chí còn xảo trá moi được những thông số chính của sản phẩm từ miệng bà.

Dù nhà đã bán giá thấp nhưng vẫn không có sản phẩm giao cho khách. Đứng trên sân ga Hung Hom ở Hồng Kông, Chu Quần Phi đã nghĩ đến cái chết.

Voi chong Trinh Tuan Long.jpeg
Vợ chồng Trịnh Tuấn Long - Chu Quần Phi (Ảnh: Sohu).

Đúng lúc bà đang chán sống, cô con gái gọi điện hỏi: “Bao giờ mẹ về ăn cơm?”. Khi đó Chu Quần Phi mới tỉnh táo lại. Bà vẫn còn một cô con gái, một gia đình và hàng ngàn nhân viên đang chờ bà trả lương để nuôi sống gia đình. Nếu bà chết, điều gì sẽ xảy ra với những người còn sống? "Ta phải quay về", Chu Quần Phi đành gạt bỏ ý nghĩ tự tử.

Trở lại Lens, Chu Quần Phi và các đồng nghiệp đã tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu thô mới. Sau khi tìm kiếm trên khắp thế giới thông qua các mối quan hệ, cuối cùng họ đã phát hiện một công ty ở Thụy Sĩ có thể cung cấp nguyên liệu thô thay thế.

Vì đối tác ở Thụy Sĩ phải vượt qua được chứng nhận của khách hàng mới được sử dụng, Chu Quần Phi không hiểu tiếng Anh và công ty không có người phiên dịch nên bà không thể xin được chứng nhận.

Chu Quần Phi lập tức kêu cứu, viết một email có tên "LS119" gửi tất cả những người mà bà biết tại Motorola “LS” là tên viết tắt của Lens (Lansi), còn 119 là số báo cháy của Trung Quốc.

Bà viết bằng tiếng Trung về những khó khăn đang gặp phải. Bức thư kêu cứu này đã giúp Lens có được chứng nhận của khách hàng trong thời gian ngắn nhất. Nhà máy đang ngừng hoạt động cuối cùng đã trở lại trạng thái bận rộn.

Lens Technology đã vượt qua khủng hoảng như cá chép hóa rồng. Sau khi ra mắt, điện thoại di động Motorola V3 đã trở thành sản phẩm cực kỳ được ưa chuộng trên toàn thế giới, với tổng số 100 triệu chiếc được bán ra.

Kể từ đó, tầm ảnh hưởng và mức độ phổ biến quốc tế của Lens Technology đã tăng lên nhiều lần và các thương hiệu quốc tế lớn đã tìm đến hợp tác.

Chu Quan Phi va Tim Cock.jpeg
Chu Quần Phi có quan hệ tốt đẹp với ông chủ Apple Tim Cock (Ảnh: Sohu).

Apple và Lens hợp tác và thành công

Sau khi có được cả danh và lợi, Chu Quần Phi vẫn giữ thái độ khiêm tốn, không thích bị phỏng vấn và cũng không mặn mà với việc mua sắm các thương hiệu nổi tiếng. Ngay cả khi quần áo chuyển màu do giặt nhiều, bà vẫn có thể mặc được trong 5 năm.

Khi đã thành đạt, Chu Quần Phi muốn quay về mở nhà máy ở thành phố Tương Hương quê hương, nhưng lãnh đạo ở đây không mặn mà, bỏ lỡ cơ hội làm ăn nên bà đành tìm đến thành phố Lưu Dương bên cạnh.

Theo một giáo viên ở trường cũ của Chu Quần Phi, các lãnh đạo chính quyền thành phố Tương Hương vào thời điểm đó đã phạm sai lầm chết người khi thấy Chu Quần Phi lưng đeo ba lô du lịch và mặc quần jean, trông không giống có vẻ một bà chủ lớn.

Thành phố Lưu Dương đã không bỏ lỡ “cơ hội làm giàu trời cho” này. Năm 2006, Lens Technology xây dựng một nhà máy ở Lưu Dương và đưa vào sản xuất sau ba năm. Sau đó, Lens Technology Co., Ltd. được đăng ký và thành lập, trụ sở chính được đặt tại Lưu Dương.

Vào thời điểm đó, trong số 6 nhà máy của Lens Technology, nhà máy ở thành phố Lưu Dương có diện tích lớn nhất. Năm 2014, nhà máy đã mang lại khoản thu nhập tài chính 1,5 tỉ NDT cho thành phố và tạo việc làm cho 50.000 người. “Chính quyền thành phố Tương Hương tức đến mức gần như hộc máu”, một giáo viên ở trường cũ của Chu Quần Phi nói đùa.

Cùng năm đó, Lens Technology trở thành nhà cung cấp cho Nokia và thậm chí các thương hiệu Nhật Bản như Sharp và Sony cũng nối nhau trở thành khách hàng.Lens Technology đã hoàn toàn trở thành người dẫn đầu trong ngành.

chu-quan-phi.jpg
Chu Quần Phi trở thành tấm gương vượt khó vươn lên được truyền thông ca ngợi.

Tuy nhiên, chính Apple mới thực sự đưa Lens lên đỉnh cao. Năm 2007, Apple hy vọng viết lại quy tắc của ngành công nghiệp điện thoại thông minh với công nghệ cảm ứng đa điểm của mình. Nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu thiết kế. Chiếc điện thoại di động này có yêu cầu cực kỳ cao về độ nhạy qua màn hình và các thông số khác. Các OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) Nhật Bản và Đài Loan họ từng hợp tác trước đây đều không thể sản xuất được.

Sau nhiều thăng trầm, Apple đã tìm đến Lens Technology lúc này đã khác xưa. Vào thời điểm này, Lens đã tích lũy được một số lượng lớn bằng sáng chế công nghệ và thiết bị, đồng thời công nghệ khắc CNC của họ là độc nhất trên thế giới.

Với sự trợ giúp của Lens, Apple đã giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng. Cuối cùng, dòng điện thoại di động iPhone đã mở ra một kỷ nguyên mới.

Sự hợp tác này đã đưa Chu Quần Phi lên ngôi "Nữ hoàng màn hình thủy tinh".cVừa đạt được cả danh lẫn lợi, Chu Quần Phi cũng mở ra mùa xuân tình yêu thứ hai. Bà kết hôn với đối tác kinh doanh Trịnh Tuấn Long, người trẻ hơn bà một tuổi.

Năm 2009, doanh thu của Lens chỉ đạt 890 triệu NDT, 6 năm sau đã tăng vọt lên 17,2 tỉ NDT. Thành tích ấn tượng này không tách khỏi sự tin tưởng của Apple đối với Lens. Từ iPhone thế hệ đầu tiên cho đến iPhone 6 plus, họ đều có toàn quyền sử dụng màn hình kính điện thoại di động do Lens sản xuất.

Apple và Lens đã đạt được thành công chung, điều này cũng dẫn đến việc Lens được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến ngày 18/3/2015, viết lại lịch sử GEM.

Chu Quần Phi thay thế Dương Huệ Nghiên của Country Garden, trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc thế hệ mới.

Nha may o Luu Duong.jpg
Nhà máy của Lens xây dựng ở thành phố Lưu Dương (Ảnh: Toutiao).

Cô gái làm công trở thành bà chủ

Trong Top 10 danh sách phụ nữ làm giàu tự thân toàn cầu của Hurun năm 2015, có tới 7 nữ tỉ phú Trung Quốc. Chu Quần Phi 45 tuổi đứng đầu với tài sản 50 tỉ NDT.

Bà không còn là cô gái làm công thất sủng ngày xưa nữa mà là bà chủ nổi tiếng trong danh sách những người giàu có. Hiện nay, ngoài Iphone, khách hàng của Lens còn có Huawei, Samsung, Xiaomi, Vivo, Oppo…

Trong những năm gần đây, Chu Quần Phi đã tăng cường nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới và triển khai trong lĩnh vực ô tô thông minh và thiết bị đeo thông minh AR/VR. Các khách hàng ô tô của công ty bao gồm Tesla, NIO, Ideal, BYD, Xpeng, Wuling…, đồng thời địa bàn kinh doanh của công ty đã mở rộng ra nước ngoài.

Cùng lúc đó, một tin đồn tràn lan, phá hỏng câu chuyện đầy cảm hứng của Chu Quần Phi. Một số người lan truyền tin đồn rằng bà đã đánh cắp công nghệ và tài năng của người chủ cũ để tự mình khởi nghiệp, gọi cô là kẻ vô ơn, thực sự đáng ghét; những người khác lại tung tin đồn rằng cô lên được vị trí này nhờ làm “tiểu tam”.

"Nếu thật sự lúc đó tôi như vậy, liệu tôi có phải vất vả như thế không?" - rất ấm ức nhưng Chu Quần Phi vẫn giữ lý trí. Bà cho rằng trước những lời lẽ thế tục mọi người đều yếu đuối, chỉ cần gia đình tin tưởng là đủ.

Bà phớt lờ những tin đồn và tiếp tục làm việc chăm chỉ trong ngành. Tháng 3/2022, có tất cả 262 phụ nữ giữ vị trí chủ tịch của các công ty niêm yết A-share và các công ty do nữ chủ tịch điều hành đã tạo ra giá trị thị trường là 3,38 nghìn tỉ NDT. Lens Technology nằm trong danh sách với giá trị thị trường là 67,639 tỉ NDT.

60% trong số 262 phụ nữ này có bằng thạc sĩ trở lên. Là một người chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở, Chu Quần Phi có vẻ lạc lõng. Nhưng cùng năm 2022, bà được bình chọn là người phụ nữ có ảnh hưởng mạnh nhất Trung Quốc. Từ 2018, bà trở thành Ủy viên toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc.

Từ cô bé nuôi lợn ở làng miền núi đến làm công nhân ở Thâm Quyến và giờ là "Nữ hoàng kính điện thoại", Chu Quần Phi đã phải trả mức giá mà người bình thường không thể tưởng tượng được.

“Nữ hoàng kính màn hình điện thoại” được tạo ra như thế nào? Đó là vô số tin đồn, cú đâm sau lưng của đối tác, vô số chiến dịch bao vây và đàn áp của đối thủ…Nhưng Chu Quần Phi không bị mắc kẹt trong vũng lầy, cũng không bị đánh bại. Bằng sự cần cù học hỏi và vươn lên không ngừng, bà đã vượt lên và thành công.

(Theo Toutiao)