Tên lửa Trung Quốc tại Trường Sa có phải lời thách đấu?
VietTimes -- Nhà phân tích Robert E. McCoy của National Interests cho rằng việc Trung Quốc xóa bỏ lời hứa năm 2015 rằng sẽ không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời đưa tên lửa ra những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng, bồi đắp phi pháp có nghĩa là Trung Quốc đang thách đấu với cả thế giới.
Theo báo Mỹ, Biển Đông đang có nguy cơ trở thành một lòng chảo xung đột và Trung Quốc thì đang nhóm lửa cho xung đột đó. Bằng cách tuyên bố trái phép chủ quyền trên 90% Biển Đông, Bắc Kinh đang vi phạm chủ quyền của rất nhiều nước trong khu vực, những đất nước có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và hải phận bị xâm phạm.
Trung Quốc lần đầu tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông thông qua cái gọi là "đường 9 đoạn" vào đầu những năm 1950. Dù có rất nhiều lời phản đối của các nước bao gồm cả Mỹ, nhưng không có hành động thiết thực nào được thực thi trong nhiều năm. Có thể, tại thời điểm đó không ai coi những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc là vấn đề nghiêm trọng.
Tên lửa hành trình YJ-12 hiện đã được Trung Quốc đưa ra Biển Đông.
Năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc, không có một cơ chế nào được thúc đẩy để đảm bảo Trung Quốc phục tùng phán quyết trên. Tuy nhiên, tất cả những ai đang dõi theo bước đi của Bắc Kinh hiểu rằng sự việc sẽ không chỉ dừng ở đó. Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm đóng trái phép nhiều bãi đá, đảo lớn - nhỏ trên Biển Đông. Sau đó, Bắc Kinh đã bồi đắp, cải tạo phi pháp những bãi đá này thành đảo nhân tạo.
Từng bước một, Trung Quốc sử dụng chiến lược tằm ăn rỗi và cuối cùng đã xây dựng trái phép những đường băng trên các đảo nhân tạo. Gần đây, máy bay chở hàng của Trung Quốc đã mang những thiết bị quân sự và các vật liệu hậu cần liên quan lên các đảo để hỗ trợ toàn thời gian cho việc chiếm đóng phi pháp. Dù bước đi này của Trung Quốc khiến rất nhiều người sốc, tên lửa và radar là một sự bổ sung hậu cần cho các máy bay chiến đấu để giúp Bắc Kinh củng cố những tuyên bố chủ quyền trái phép của mình trong khu vực.
Chiến lược đặt trước sự đã rồi
Đầu năm nay, người được chỉ định sẽ là chỉ huy sắp tới của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã công bố hiện tại Trung Quốc đã kiểm soát Biển Đông. Ông đã không cường điệu hóa tình hình. Mỹ và toàn bộ thế giới đặc biệt là các nước xung quanh Biển Đông đều bị ảnh hưởng và phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc.
Dù Washington và Australia đã đưa tàu chiến ra khu vực chung trong hoạt động Tuần tra vì tự do hàng hải FONOP nhưng hành động này hoàn toàn chưa có hiệu quả trong việc dừng các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện tại, có thể đã quá muộn để hành động. Việc Trung Quốc rút khỏi những tiền đồn quân sự để củng cố tuyên bố chủ quyền trái phép của mình trên Biển Đông là điều khó hình dung.
Những tên lửa đất đối không SAM và tên hành trình, tên lửa đạn đạo chống hạm cùng với các thiết bị giám sát, radar điều khiển hỏa lực đã được Trung Quốc triển khai trái phép trên đảo nhân tạo. SAM tạo ra mối đe dọa cho các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu, còn tên lửa ACBM để chống lại những cuộc tấn công từ trên không hay tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến. Tấn công những tiền đồn này giờ là một thách thức về mặt quân sự.
Tên lửa HQ-9 đất đối không.
Ngoài ra, Trung Quốc còn mở một mặt trận khác trong vấn đề này để củng cố vị thế của mình. Rõ ràng, Bắc Kinh đang sử dụng mưu mẹo về ngôn ngữ như phương thức để có được sự ủng hộ cho những tuyên bố trái phép của mình. Nếu Trung Quốc có thể dụ cả thế giới dùng những từ ngữ mà họ lựa chọn để không chống lại địa vị trung tâm của họ và không gây ra rủi ro mất đi thị trường thương mại lớn thì sẽ tốt hơn rất nhiều đối với Bắc Kinh... Bắc Kinh có ý định làm hệt như vậy với Biển Đông.
Giữ nguyên hiện trạng hay là biến cố khai mào chiến tranh?
Các học giả đã đưa ra rất nhiều bình luận về hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông nhưng không ai chỉ rõ vấn đề. Sự thụ động của Washington và nhiều nước trong khu vực đã khiến Trung Quốc đang thúc đẩy tham vọng kiểm soát con đường thông thương kinh tế trên biển (SLOC) chiếm 1/3 giao thương hàng hải trên thế giới.
Đá Vành Khăn ở khu vực quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp, cải tạo trái phép.
Không một ai đối mặt với thực tế: cách duy nhất để Bắc Kinh làm theo phán quyết của tòa La Haye là quân sự. Nhưng đây cũng là một điều khó thực hiện vì Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mọi nghị quyết cho phép một đội quân quốc tế trục xuất Trung Quốc khỏi những hòn đảo mà họ tuyên bố chủ quyền trái phép là việc khó có thể xảy ra.
Điều này khiến Bộ Tứ (Đối thoại An ninh 4 bên) - Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ phải có biện pháp khác. Nhưng họ sẽ làm gì vẫn là những câu hỏi mở?
Tại sao Mỹ và hiện tại là Úc đang giảm vai trò của việc tuần tra vì tự do hàng hải FONOP trong khu vực và tuyên bố họ chỉ ra khơi như thường lệ? Liệu những việc làm bất chấp luật quốc tế của Trung Quốc chỉ là lời nói hay Bắc Kinh đang chuẩn bị tinh thần cho "những cuộc chiến"? Liệu Mỹ, Bộ Tứ và các nước ASEAN có muốn chiến đấu vì tự do của Biển Đông và những khu vực đặc quyền kinh tế bị Bắc Kinh xâm phạm? Liệu rất cả mọi bên đều đang sợ xảy ra một cuộc xung đột quân sự và đành sẽ nhường bước trước Bắc Kinh mà không làm gì?
Theo National Interest, Trung Quốc đang chế nhạo những công ước và điều luật quốc tế bằng cách từ chối thực hiện phán quyết của tòa La Haye và "đe nẹt" các nước khác trong khu vực thông qua một loạt những hành động khiêu khích nghiêm trọng. Bằng cách quân sự hóa trái phép những thực thể địa lý chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc đã vứt bỏ lời thề của mình năm 2015 và đang thách đấu các nước. Liệu Mỹ và các đồng minh của mình sẽ đối phó Bắc Kinh thế nào?