Để có thể xem liệu những ý kiến đánh giá nào, những phản ứng nào trước thông tin này là khách quan, đúng đắn, có tinh thần xây dựng thì phải thật sự bình tĩnh theo dõi và xác minh một cách thận trọng.
Trước hết, phải xác minh kế hoạch dự kiến này của Bộ Quốc phòng Mỹ thực chất là gì? Lực lượng tàu chiến, máy bay sẽ được điều động đến biển Đông để làm nhiệm vụ gì, ở khu vực biển cụ thể nào trên biển Đông?
Biển chung của khu vực
Theo tôi, đây là một vấn đề khá nhạy cảm và rất phức tạp trong bối cảnh hiện nay của khu vực và quốc tế, nhất là những gì đang xảy ra trên biển Đông.
Vì thế mọi phản ứng trước bất kỳ động thái nào đó đều phải thật thận trọng, phải cân nhắc kỹ càng và phải có trách nhiệm trước cộng đồng, vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế.
Biển Đông là vùng biển chung của các nước trong khu vực, không phải của riêng ai.
Ở giữa biển Đông lại có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc đánh chiếm hoàn toàn và một phần bằng vũ lực và họ đang đầu tư cải tạo, xây dựng, biến một số thực thể thành các đảo có diện tích lớn, trên đó có các đường băng sân bay hiện đại, căn cứ quân sự tấn công…; và có một số thực thể trong quần đảo Trường Sa đang do một số lực lượng khác chiếm đóng từ trước, tạo ra tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ rất phức tạp… với những toan tính khác nhau trên nhiều lĩnh vực.
Vì vậy, nếu Mỹ có kế hoạch đưa máy bay, tàu chiến vào các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia mà không được phép của các quốc gia này là hoàn toàn sai trái, sẽ phải bị lên án, bất kể động cơ việc làm của Mỹ ra sao.
Còn nếu Mỹ đưa máy bay, tàu chiến đi ngang qua vùng đặc quyền kinh tế (vùng biển và vùng trời trên đó rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở) thì không có vấn đề gì.
Vì trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia khác, có biển hay không có biển, đều “được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm nêu ở điều 87, cũng như quyền tự do sử dụng vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của công ước, nhất là trong khuôn khổ việc khai thác các tàu thuyền, phương tiện bay và dây cáp, ống dẫn ngầm” (điều 58, UNCLOS 1982).
Tất nhiên khi thực hiện các quyền này, các quốc gia không được vi phạm quyền chủ quyền của quốc gia ven biển, không lợi dụng các quyền tự do này để hoạt động phục vụ mục đích chiến tranh, đe dọa an ninh của quốc gia khác, đe dọa an ninh an toàn hàng hải, hàng không quốc tế…
Mỹ không thừa nhận cách làm của Trung Quốc
Có lẽ Mỹ đã hiểu rõ nội dung trên nên khi đề cập đến kế hoạch này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đề xuất nhiều lựa chọn, trong đó có việc điều các phi cơ và tàu quân sự trong phạm vi khoảng 22km xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cải tạo (Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên hôm qua cho biết).
“Chúng tôi đang xem xét làm thế nào để thể hiện rõ tự do hàng hải tại một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới”, quan chức này nói, đồng thời cho biết mọi lựa chọn đều cần được Nhà Trắng thông qua.
Nếu như vậy thì rõ ràng đây không phải là kế hoạch “tuần tra” như có ý kiến nhận xét, mà chỉ là “chúng tôi xem xét làm thế nào để thể hiện rõ tự do hàng hải tại một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới”.
Về phạm vi hoạt động của kế hoạch này, theo thông tin ban đầu là “khoảng 22km xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cải tạo”.
Nếu đúng như vậy thì có thể cho thấy Mỹ không thừa nhận quan điểm dùng các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa để tạo ra hiệu lực trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, cho dù Trung Quốc hiện đang cố đầu tư cải tạo biến các bãi cạn này thành đảo.
Theo tôi, quan điểm này của Mỹ là có thể chấp nhận được. Bởi vì theo quy định của UNCLOS, các đảo nhân tạo, các công trình thiết bị không có hiệu lực dùng làm cơ sở để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo quy định hiện hành, chỉ được phép có một vùng an toàn 500m xung quanh chúng.
Ngoài phạm vi an toàn này là vùng biển theo quy chế pháp lý riêng được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
Từ những phân tích nói trên, theo tôi, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi và xác định thông tin có liên quan đến kế hoạch này để có thái độ thích hợp.
Nếu nội dung kế hoạch này tuân thủ các quy định của Luật biển hiện hành và vì mục đích đảm bảo an ninh an toàn hàng hải quốc tế, vì lợi ích của cộng đồng, ngăn chặn những hành vi vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong biển Đông thì có lẽ không lý gì Việt Nam không hoan nghênh, ủng hộ.
Còn nếu kế hoạch này vi phạm các quy định như phân tích nói trên và các hoạt động được triển khai của kế hoạch này vì mục đích quân sự, xung đột, tranh giành vị thế gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực thì Việt Nam cũng như các quốc gia khác chắc chắn không thể ủng hộ, trái lại sẽ cực lực phản đối và sẽ có những biện pháp ứng phó thích hợp nhất.
Thông điệp mạnh mẽ của Washington Báo Wall Street Journal (WSJ) cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu cấp dưới xem xét nhiều khả năng. Những đề xuất của Lầu Năm Góc vẫn chưa chính thức được đệ trình lên Nhà Trắng. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết hiện nay Nhà Trắng và Lầu Năm Góc có những động thái cho thấy cả hai cơ quan này đang tính toán thực hiện những bước chắc chắn để đưa ra thông điệp với Bắc Kinh rằng việc tăng tốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa của họ đã “đi quá xa” và “cần phải dừng lại”. “Chúng tôi đang xem xét việc chứng minh tự do hàng hải như thế nào trong khu vực là điều sống còn đối với nền thương mại thế giới. Bất cứ lựa chọn nào đều cần Nhà Trắng thông qua” - Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết. Cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không đưa ra bình luận gì về thông tin trên, nhưng chắc chắn vấn đề biển Đông có thể là một trong các chủ đề chính mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đưa ra bàn luận trong chuyến thăm Trung Quốc cuối tuần này. Theo ước tính của Mỹ, Trung Quốc hiện đang tăng tốc mở rộng trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và xây dựng hai đường băng quân sự. Reuters dẫn lời một chỉ huy quân sự giấu tên của Mỹ cảnh báo việc xây dựng này nhằm giúp Bắc Kinh có thể bành trướng tuần tra trên vùng trời biển Đông, phục vụ ý đồ tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực này trong tương lai. Trong buổi họp báo ngắn trưa 13-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc “cực kỳ quan ngại” kế hoạch xem xét đưa tàu và máy bay quân sự đến các vùng biển đang có tranh chấp ở biển Đông của Bộ Quốc phòng Mỹ. |
TS TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia về biển Đông)
Theo: Tuổi Trẻ