Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Trung Quốc đe dọa đáp trả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính phủ Mỹ ngày 6/12 chính thức thông báo tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chỉ trích Mỹ chính trị hóa thể thao, Bộ Ngoại giao cũng dọa sẽ đáp trả.
Chính phủ Mỹ hôm 6/12 chính thức tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 (Ảnh: Dwnews).
Chính phủ Mỹ hôm 6/12 chính thức tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 (Ảnh: Dwnews).

Mỹ tẩy chay ngoại giao nhưng cho phép các vận động viên tham dự

Ngày 6/12, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ không cử các quan chức chính phủ tới tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 do "hành động tàn bạo về nhân quyền” của Trung Quốc. Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã đe dọa sẽ có các biện pháp giáng trả đối với bất kỳ hoạt động tẩy chay ngoại giao nào.

Vào tháng trước, Tổng thống Joe Biden nói, ông đang cân nhắc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vì nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm “cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương”.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki nói tại một cuộc họp báo ngày 6/12: “Do tại Trung Quốc đang diễn ra nạn diệt chủng, tội ác chống lại loài người và các vi phạm nhân quyền khác ở Tân Cương, chính phủ Joe Biden sẽ không cử bất kỳ đại diện ngoại giao hoặc đại biểu chính thức nào tham gia Thế vận hội và Paralympics mùa đông Bắc Kinh 2022."

Bà nói thêm: “Các đại diện ngoại giao hoặc đoàn chính thức của Mỹ không thể coi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh là một điều bình thường khi Trung Quốc đang có những hành vi vi phạm nhân quyền gây sốc ở Tân Cương”. Bà chỉ ra rằng, trong vài tháng qua, một số nghị sĩ và các nhóm vận động nhân quyền đã khuyến khích chính phủ Mỹ tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vì làm như vậy sẽ không ảnh hưởng đến quyền tham dự Thế vận hội Mùa đông của các vận động viên Mỹ. Jen Psaki nói: "Các vận động viên của đội tuyển Mỹ có sự ủng hộ hết mình của chúng tôi (nếu tham dự). Chúng tôi sẽ ủng hộ họ 100% và cổ vũ cho họ từ trong nước."

Ngọn lửa thiêng của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đã được lấy từ Hy Lạp (Ảnh: Dwnews).

Ngọn lửa thiêng của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đã được lấy từ Hy Lạp (Ảnh: Dwnews).

Trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng nói, Mỹ đã trưng cầu ý kiến ​​của các đồng minh về chính sách chung đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Hiện không rõ liệu họ có đi theo hành động dẫn đầu của Mỹ hay không.

Neal Pilson, cựu chủ tịch kênh Thể thao của đài CBS, người chịu trách nhiệm giám sát giao dịch bản quyền phát sóng Thế vận hội, nói với Reuters rằng cuộc tẩy chay ngoại giao cũng khiến các công ty tài trợ Olympic rơi vào “tình thế khó xử", nhưng vấn đề quan trọng nhất đối với các nhà tài trợ là liệu đoàn thể thao Mỹ có tham gia hay không.

Khi được hỏi liệu chính quyền Joe Biden có muốn các công ty Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói với các phóng viên rằng chính phủ sẽ không chi phối hoạt động của khu vực tư nhân, nhưng các công ty nên “nhận thức đầy đủ những chuyện đã xảy ra ở Tân Cương”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington mô tả động thái của Mỹ là "thao túng chính trị" vì chính phủ Trung Quốc hiện không gửi lời mời các chính trị gia Mỹ tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết: "Trên thực tế, không ai quan tâm đến việc những người này có đến hay không. Điều này không ảnh hưởng gì đến thành công của Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022". Ông chỉ trích động thái của Mỹ là thao túng chính trị và vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Hiến chương Olympic.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ thực hiện tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 (Ảnh: CNN).

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ thực hiện tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 (Ảnh: CNN).

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng nếu Washington tiếp tục tẩy chay kiểu này, Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả kiên quyết, nhưng không nêu chi tiết về biện pháp đáp trả như thế nào. Lần tiếp theo Mỹ sẽ tổ chức Thế vận hội mùa hè ở Los Angeles vào năm 2028, điều này đã làm dấy lên lo ngại từ mọi tầng lớp xã hội rằng liệu Trung Quốc có thực hiện các biện pháp đáp trả vào thời điểm đó hay không.

Ủy ban Olympic quốc tế: Tôn trọng quyết định của Mỹ

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) dường như đã phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi từ cộng đồng quốc tế vì phớt lờ hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, nhưng tổ chức này nhắc lại rằng Thế vận hội nên “vượt ra ngoài chính trị”. Một người phát ngôn của IOC nói với Reuters: "Sự hiện diện của các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao hoàn toàn là quyết định chính trị của mỗi chính phủ, và IOC hoàn toàn tôn trọng điều này."

Bà Sarah Hirshland, Giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ, cho biết đoàn thể thao Mỹ "rất vui mừng và sẵn sàng làm cho đất nước tự hào”. Bà nói trong một tuyên bố: "Chúng tôi rất biết ơn Tổng thống và chính phủ vì sự ủng hộ kiên định của họ. Chúng tôi biết họ sẽ cổ vũ cho chúng tôi từ nhà trong Mùa đông này."

Nhiều vận động viên Mỹ cho rằng nếu cấm họ tham gia Thế vận hội là không công bằng. Một số nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc không cử quan chức tới Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh nói, việc cử hành quốc ca ở Bắc Kinh khi người Mỹ giành được huy chương là có lợi cho Mỹ. Mặc dù một số nhà lập pháp nổi tiếng của Đảng Cộng hòa chỉ trích ông Biden vì đã không tẩy chay hoàn toàn Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, nhưng Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney, người từng lãnh đạo Thế vận hội Mùa đông 2002 ở thành phố Salt Lake, nói rằng ông Biden đã lựa chọn đúng đắn. Chủ tịch Hạ viện của đảng Dân chủ Nancy Pelosi cho biết bà hoan nghênh quyết định của chính quyền.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney ủng hộ quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh của Tổng thống Joe Biden (Ảnh: AP).

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney ủng hộ quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh của Tổng thống Joe Biden (Ảnh: AP).

Các nhóm nhân quyền hoan nghênh các hành động của chính quyền Joe Biden, nhưng cho rằng Washington có thể làm nhiều hơn nữa để truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng đối với Trung Quốc, động thái của ông Biden không quá đe dọa đến Thế vận hội, vì đây là vấn đề nảy sinh từ việc Bắc Kinh đe dọa có các biện pháp đáp trả. Bà Lisa Delpy Neirotti, phó giáo sư quản lý thể thao tại Học viện Kinh doanh Đại học George Washington, cho biết: "Nếu bỏ mặc, (không cử quan chức tham dự Thế vận hội Mùa đông) thực ra không phải là tin tức. Dù sao, chúng ta thường không cử các phái đoàn chính phủ lớn đi tham dự Thế vận hội, nhất là lại trong đại dịch COVID-19."

Phản ứng của các nước

Để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc có kế hoạch hạn chế nghiêm ngặt số lượng khán giả vào xem Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh không có ý định mời các chính trị gia phương Tây, những người đe dọa tẩy chay Thế vận hội Mùa đông tới. Tổng thống Nga Putin là nhà lãnh đạo nước ngoài duy nhất chấp nhận lời mời của Trung Quốc.

Trước đó, báo chí đưa tin Australia và Vương quốc Anh cũng đang cân nhắc xem có nên tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh ở một mức độ nào đó hay không. Stefano Sannino, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), cho biết hôm thứ Sáu (3/12) rằng việc tẩy chay là vấn đề của từng quốc gia thành viên, không phải là chính sách đối ngoại chung của EU.

Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nói rằng chính phủ Trung Quốc có các lựa chọn để đáp trả, chẳng hạn như hạn chế đối thoại song phương, trì hoãn thị thực hoặc hạn chế phạm vi hoạt động của các đoàn vận động viên và nhà báo tại Thế vận hội.

Sau khi Mỹ tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand đều đã bày tỏ quan điểm của mình.

Theo Hãng thông tấn Jiji Nhật Bản, ngày 7/12, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ tự quyết định có cử đại diện ngoại giao tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 hay không.

Thủ tướng Fumio Kishida: Nhật Bản đang cân nhắc để quyết định có cử đại diện tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 hay không (Ảnh: Jiji).

Thủ tướng Fumio Kishida: Nhật Bản đang cân nhắc để quyết định có cử đại diện tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 hay không (Ảnh: Jiji).

Ông Kishida nói: "Phản ứng của chúng tôi là xem xét một cách toàn diện ý nghĩa của Thế vận hội (Mùa đông Bắc Kinh) và tầm quan trọng của nền ngoại giao của đất nước chúng tôi và đưa ra đánh giá của riêng chúng tôi từ góc độ lợi ích quốc gia. Đây là thái độ cơ bản của chúng tôi."

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroichi Matsuno cũng nói tại cuộc họp báo: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ đưa ra nhận định của riêng mình sau khi xem xét các tình huống khác nhau vào thời điểm thích hợp. Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra."

Theo Đài quốc gia TVNZ của New Zealand, ngày 7/12, Phó Thủ tướng Grant Robertson đã tuyên bố rằng do dịch COVID-19, New Zealand sẽ không cử đại diện ngoại giao cấp bộ trưởng tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Khi được hỏi về quan điểm của New Zealand sau khi Mỹ tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, ông Robertson nói với các phóng viên tại Quốc hội: “Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không cử các quan chức cấp bộ (tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh).”

Robertson nói rằng có một loạt các yếu tố, nhưng chúng chủ yếu liên quan đến dịch COVID-19. Quyết định của New Zealand đã được thông báo cho Trung Quốc vào tháng 10.

Ông nhấn mạnh rằng New Zealand trước đây đã nêu vấn đề nhân quyền với Trung Quốc và đã quyết định không tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Hãng tin Anh Reuters đưa tin, người phát ngôn Chính phủ Australia ngày 7/12 cho biết Australia vẫn chưa quyết định có cử các quan chức chính phủ tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh hay không.

Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố Australia sẽ xem xét có áp dụng các biện pháp tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh về mặt ngoại giao hay không.

Bộ Ngoại giao Canada đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 6/12: "Canada vô cùng lo lắng trước những báo cáo đáng lo ngại về những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Chúng tôi đã được Mỹ thông báo về quyết định này và chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với các đối tác và đồng minh của mình.”

Theo Washington Post dẫn lời các quan chức Anh, chính phủ Anh vẫn chưa quyết định có tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh về mặt ngoại giao hay không. Vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các ngoại trưởng G7 sẽ diễn ra vào cuối tuần này.