Mỹ tấn công tên lửa Syria: Nga vỡ mộng, không nể mặt Trung Quốc

Vụ tấn công của Mỹ được phát động trong vòng chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, trong khi trước đây ông Barack Obama chần chừ suốt trong năm 2013 và rốt cuộc từ chối can thiệp quân sự. Việc biểu dương sức mạnh này không chỉ nhắm vào tổng thống Syria Bashar Al Assad, mà còn răn đe Iran và Triều Tiên, Les Echos (Pháp) nhận định.
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahaw tấn công căn cứ không quân Syria hôm 7/4
Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahaw tấn công căn cứ không quân Syria hôm 7/4

Sự kiện Mỹ bất ngờ phát động đòn tấn công tên lửa vào Syria là chủ đề được hầu như tất cả các báo Pháp bàn luận. Khi tấn công Syria, tổng thống Mỹ đã đảo lộn thế trận tại Syria. Không chỉ khiến tổng thống Nga Vladimir Putin giận dữ, ông Donald Trump còn gây khó xử cho vị khách mời Tập Cận Bình.

Les Echos nhận định, tổng thống Mỹ đã từ bỏ chủ trương cô lập, ít nhất là trong lúc này và cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đưa xuống hàng thứ yếu.

Ai cũng thấy rằng ông Donald Trump hoàn toàn trái ngược với người tiền nhiệm Barack Obama. Vụ tấn công của Mỹ được tổ chức trong vòng chưa đầy 48 tiếng đồng hồ, trong khi trước đây ông Barack Obama chần chừ suốt nhiều tuần lễ về cách thức trừng phạt cáo buộc tấn công hóa học của Assad mùa hè 2013, và rốt cuộc từ chối can thiệp quân sự. Việc biểu dương sức mạnh này không chỉ nhắm vào tổng thống Syria Bashar Al Assad, mà còn nhằm vào Iran và Triều Tiên.

Tuy vụ tấn công đầu tiên nhắm vào chính quyền Damas chỉ ở mức độ khiêm tốn, nhưng đây là bước ngoặt đối với tổng thống Donald Trump. Chuyên gia Marc Lynch của trường đại học George Washington cho rằng việc ông Trump thay đổi ý kiến nhanh như vậy cho thấy ông dễ bị ảnh hưởng. Sự kiện này cũng làm lung lay chủ trương «Nước Mỹ trước hết» đã góp phần làm nên chiến thắng của ông Trump. Lâu nay ông vẫn chủ trương chống IS mới là chính, sự ra đi của ông Assad chỉ là phụ.

Tuy nhiên, báo Pháp cũng đặt câu hỏi phải chăng vụ biểu dương sức mạnh vừa qua còn có mục đích nữa là làm quên đi những thất bại trong đối nội: cải cách Obamacare, những nghi ngờ về quan hệ với Nga. Về phương diện này, việc tấn công Syria đã đảo ngược thế cờ cho ông Trump.

Chuyên gia François Heisbourg, cố vấn giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cho rằng vụ tấn công cũng cho thấy ông Trump không muốn lao vào chiến tranh. Washington cũng không thực sự muốn phá hủy đường băng vì có thể sửa chữa nhanh, nên phải không kích mỗi 48 giờ. Mỹ cũng chừa các trực thăng Nga gần đó ra.

Theo ông Heisbourg, quan hệ Mỹ-Nga vẫn trong vòng kiểm soát, Kremlin sẽ không phản ứng quá mạnh. Le Monde cho biết quân đội Nga tại chỗ được thông báo trước, nhưng đã không sử dụng hệ thống phòng không để đối phó, trong khi có sẵn các hệ thống phòng không S-300 và S-400 ở căn cứ Hmeimim, Tartus.

Ngược lại, với nhân tố quan trọng thứ hai là Trung Quốc lại đáng ngại hơn. Ông Trump quyết định tấn công Syria ngay trong lúc ông Tập Cận Bình đang ở Washington, không hề nể mặt ông Tập - một điều cấm kỵ đối với người châu Á.

Le Monde ghi nhận, Trung Quốc vốn theo Nga đã sử dụng 6/7 lần quyền phủ quyết về Syria, lần này tỏ ra hòa dịu bất thường, có lẽ do sự hiện diện của ông Tập Cận Bình ở Florida. Chuyên gia Heisbourg nhận định vụ không kích như một sự cảnh báo Bắc Kinh về vấn đề Bình Nhưỡng, sẽ đè nặng lên quan hệ Mỹ-Trung sau này. Ông nhắc nhở đừng quên những nguy hiểm chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên lẫn Biển Đông, đặc biệt là tham vọng của Bắc Kinh trên vùng biển quan trọng này.

Les Echos cho rằng sự đối địch hoặc hòa hoãn của bộ ba các nhà lãnh đạo Donald Trump, Vladimir Putin và Tập Cận Bình sẽ phác họa bộ mặt thế giới trong những thập niên đầu của thế kỷ 21.

Ba nhân vật được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến sự vận động của thế giới
Ba chính khách được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến sự vận động của thế giới

Điểm chung của ba nhà lãnh đạo này là chủ nghĩa dân tộc. «Giấc mơ Trung Hoa» của ông Tập Cận Bình là một sự pha trộn giữa cải cách và tình thần dân tộc chủ nghĩa. «Chủ nghĩa ái quốc» của ông Putin nhằm tái lập quyền lực mạnh ở Matxcơva, tăng cường ảnh hưởng Nga trên thế giới, còn ông Donald Trump nêu cao khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết».

Nhưng theo báo Pháp, ngồi vào Nhà Trắng chưa được bao lâu ông Trump đã mặc vào bộ áo thủ lĩnh chiến tranh. Riêng với Trung Quốc, về mặt quân sự chưa chắc Bắc Kinh dễ dàng chịu chấp nhận các lý lẽ của Mỹ về việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, và mối đe dọa xung đột ở Biển Đông vẫn luôn hiện hữu. Theo báo Pháp, việc liên tục thay đổi chủ trương cho thấy với chính quyền mới của ông Trump, nguy cơ căng thẳng hiển hiện ở cả ba góc của tam giác Mỹ-Nga-Trung.

Về quan hệ với Nga, Les Echos cho rằng ông Putin vốn trông cậy vào sự hỗ trợ của tổng thống Mỹ để được phương Tây dỡ bỏ trừng phạt, nay sẽ phải chờ đợi lâu.

Các báo Nga lâu nay vẫn vẽ lên một quan hệ hứa hẹn giữa hai ông Trump và Putin trong năm 2017. Một bước tiến đầu tiên trong quan hệ quốc tế mà ông Putin hứa hẹn với dư luận Nga và những người hâm mộ ông ở phương Tây. Nhưng kỳ vọng ấy đã không biến thành hiện thực. Sau khi Mỹ phóng tên lửa vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, ông Putin đã tố cáo Mỹ «tấn công một quốc gia có chủ quyền» và xem đó là "hành động xâm lược".

Từ khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ, truyền thông Nga thường nhắc đến ông, người đã ca ngợi ông Putin là «nhà lãnh đạo mạnh mẽ» nhiệt tình này gần đây đã nguội đi. Tướng Michael Flynn, người chủ trương bỏ cấm vận Nga gần đây buộc phải từ chức. Còn tổng thống Trump trong bài diễn văn đầu tiên trước quốc hội, khi nói về việc tìm kiếm các đối tác mới cho Mỹ, đã không nhắc đến Nga. Còn Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thì đánh giá Nga là «nguy hiểm».

Sau khi dằn mặt Assad ở Syria bằng đòn tấn công tên lửa, sự kiện cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ hướng về bán đảo Triều Tiên cũng khiến dư luận rất chú ý. Dư luận dấy lên câu hỏi liệu Triều Tiên sẽ là mục tiêu sắp tới của Mỹ hay không?

Libération dẫn báo cáo của Stratfor năm 2016 cho biết, Mỹ có đủ phương tiện quân sự (máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, tàu ngầm, khu trục hạm) để bắn đi trên 600 tên lửa và bom thông minh, ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Tuy nhiên, trận bão lửa này có thể làm Hàn Quốc và Nhật Bản gánh chịu nguy hiểm vì Triều Tiên sở hữu các xe cơ giới có thể phóng tên lửa, khó thể phát hiện.

Giáo sư Carl Schuster, trường đại học Hawai Pacifique nhận định, về mặt quân sự tất cả đều khả thi, tuy nhiên cần cân nhắc giữa được và mất. Theo NBC, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ mới đây đã đề xuất với tổng thống Donald Trump một số hướng. Thứ nhất, có thể đưa vũ khí hạt nhân Mỹ đến Hàn Quốc lần đầu tiên từ 25 năm qua, việc này sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Thứ hai, cố gắng ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và những quan chức chịu trách nhiệm về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Hướng thứ ba là điều lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Hàn xâm nhập vào Triều Tiên để phá hoại các cơ sở hạ tầng chiến lược.

Theo giới quan sát, hiện nay tất cả khả năng đều để ngỏ, và ông Trump đã từng cảnh cáo nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì Mỹ sẽ hành động. Một số người cho rằng đây chỉ là lời nói suông. Nhưng đòn tập kích tên lửa Tomahawk bất ngờ vào Syria đã khiến những lời đe dọa của Donald Trump trở nên đáng tin.