Mỹ tấn công Syria: Hậu quả tương tự cuộc xâm lược Iraq, Afghanistan

Mỹ đe dọa sẽ có thêm hành động quân sự tại Syria. Tình hình căng thẳng sẽ còn gia tăng và lây lan hơn nữa, trong tương lai có thể sẽ có những hậu quả nguy hiểm và không thể đảo ngược, giống như những gì đã xảy ra sau cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003, vào Afghanistan năm 2001.
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahaw tấn công căn cứ quân đội Syria
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahaw tấn công căn cứ quân đội Syria

Nhà chức trách Iran đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân Syria, kênh truyền hình Press TV cho biết.

Cố vấn Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Iran tại Syria trong giai đoạn 1998-2003, ông Hossein Sheikholeslam nói về quan điểm của mình trên Sputnik:

"Không nghi ngờ gì, Iran lên án hành động của Mỹ. Những cuộc tấn công đã được lên kế hoạch trước trong khuôn khổ một âm mưu. Sau tất cả, sân bay Al-Shayrat là căn cứ quân sự chính của quân đội Syria. Từ sân bay này, mấy tuần trước, lực lượng phòng không Syria đã bắn vào máy bay chiến đấu Israel trong vùng trời của Syria. Sân bay Al-Shayrat là một trong những bàn đạp chính trong cuộc chiến chống những kẻ khủng bố.

Nếu như cáo buộc của Mỹ về cuộc tấn công vũ khí hóa học là đúng, trước khi tấn công, Mỹ phải chờ kết quả điều tra của Ủy ban đặc biệt mà Nga và một số thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu phải thành lập. Tuy nhiên, Mỹ không quan tâm đến việc điều tra, họ tuyên bố phán quyết của mình và tiến hành cuộc tấn công. Đây là bằng chứng rõ ràng về một âm mưu mà đơn giản là cần thiết trong trường hợp này, khi những kẻ khủng bố đã ngã lòng. Các chiến binh sẽ bị đánh bại”, ông Sheikholeslam cho biết.

Ông Hossein Sheikholeslam khẳng định rằng thật đáng tiếc, một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ đang có quan điếm khá lạ lùng. Họ cần phải đưa ra lời giải thích, làm thế nào mà vũ khí hóa học từ Iraq đã đến được Idlib (Syria), vì trước đây Chính phủ đã trình bày một bản báo cáo toàn diện tại Liên Hợp Quốc và OPCW về tình trạng kho vũ khí hóa học. Như mọi người đều biết, Idlib giáp với tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình hình căng thẳng sẽ còn gia tăng và lây lan hơn nữa, trong tương lai có thể sẽ có những hậu quả nguy hiểm và không thể đảo ngược, giống như những gì đã xảy ra sau cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003, vào Afghanistan năm 2001. Cho đến nay người ta vẫn đang phải chịu hậu quả của các cuộc xâm lược đó. Chủ nghĩa khủng bố là hậu quả của các hành động trái phép, trái với Điều lệ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống một nước có chủ quyền, thành viên của Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cảnh báo Washington có thể không dừng lại sau đòn tên lửa tấn công căn cứ quân sự của Syria. "Chúng tôi đã chuẩn bị để hành động thêm, nhưng chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không cần thiết", CBS News dẫn lời bà Nikki Haley hôm 7/4 nói tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Theo bà Haley, sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hoá học của Syria hôm 4/4, Washington không thể chậm trễ tiến hành không kích căn cứ của Damascus. Bà Haley nhấn mạnh trong khi chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng vũ khí hoá học, Iran và Nga cũng gánh "trách nhiệm nặng nề" trong việc ủng hộ tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đại sứ Mỹ nhắc lại rằng Nga được cho là người bảo đảm tất cả các vũ khí hoá học đã được đưa ra khỏi Syria theo thoả thuận hồi 2013.

Bà Haley nêu khả năng rằng có thể Nga cho phép các vũ khí này còn ở lại Syria, Mátxcơva có thể "thiếu năng lực" trong việc đưa vũ khí ra khỏi Damascus hoặc có thể chính quyền của ông Assad lừa Nga, nói không còn vũ khí trong khi vẫn dự trữ chúng ở các căn cứ quân sự.

"Thế giới đang chờ Nga hành động có trách nhiệm ở Syria", bà Haley nói. Ông Vladimir Safronkov, Phó đại sứ Nga tại LHQ đáp trả với chỉ trích mạnh mẽ điều ông gọi là "sự vi phạm luật quốc tế rõ ràng và hành động gây hấn" của Mỹ, với những hậu quả cho an ninh khu vực và quốc tế có thể "cực kỳ nghiêm trọng".