Mỹ đưa cụm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan vào Biển Đông

VietTimes -- Ngày 6/8, chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ USS Ronald Reagan đã đi qua Biển Đông trên đường đến Manila, thủ đô của Philippines. Thiếu tướng Karl Thomas, chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công này nói, sự có mặt của lực lượng quân đội Mỹ sẽ giúp đảm bảo an ninh và sự ổn định cần thiết cho các bên khác nhau tiến hành đối thoại ngoại giao và giải quyết tranh chấp.
Cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan vào Biển Đông trong thời điểm nhạy cảm
Cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan vào Biển Đông trong thời điểm nhạy cảm

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, khi trả lời các nhà báo, Thiếu tướng Karl Thomas nói: “Hiện nay đã có luật quốc tế rất hoàn hảo, đó là sự bảo đảm của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tôi cho rằng, điều chúng tôi mong muốn là mọi người có thể tuân thủ luật pháp quốc tế và sự hiện diện của chúng tôi ở đây giúp thúc đẩy sự giao tiếp giữa các bên. Chúng tôi tự xác định vị trí của mình không phải là quân đội đứng bên lề. Chúng tôi cho rằng tất cả các bên đều nên tuân thủ luật pháp quốc tế. Sự có mặt của chúng tôi cho phép chúng tôi cung cấp sự ổn định và an ninh cần thiết cho cuộc thảo luận”.  

Đa Chiều dẫn nguồn hãng tin AP, hôm 6/8 quân đội Mỹ đã cho máy bay chở các quan chức, sĩ quan quân đội Philippines và các phóng viên báo chí xuống tàu sân bay này khi đó đang trên đường tới thăm Manila mang theo  70 chiếc máy bay chiến đấu siêu âm F-18, máy bay trinh sát và trực thăng,

Tướng Karl Thomas, Chỉ huy cụm tàu sân bay tấn công USS Ronal Reagan trả lời các nhà báo trên tàu
Tướng Karl Thomas, Chỉ huy cụm tàu sân bay tấn công USS Ronal Reagan trả lời các nhà báo trên tàu

Biển Đông là một tuyến vận chuyển đường biển quốc tế quan trọng và chứa đựng nhiều tài nguyên phong phú. Trung Quốc đã đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích của Biển Đông. Vào tháng 7 năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế Hague đã ra phán quyết trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Tòa phán quyết những yêu sách về chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra căn cứ vào lịch sử của họ là không có cơ sở pháp luật và kết luận: đòi hỏi của Trung Quốc về vùng biển họ tranh chấp với Philippines và yêu sách của họ về quyền lợi biển dựa trên cái gọi là “Đường 9 đoạn” và vùng biển liên quan cùng các hoạt động lấp biển tạo đảo tại các bãi san hô ở Trường Sa là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Sau đó, Trung Quốc tuyên bố phán quyết này là “không có hiệu quả và không ràng buộc” và bày tỏ phía Trung Quốc “không chấp nhận cũng không thừa nhận” phán quyết này.

Những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã thường xuyên tiến hành các “hành động tự do hàng hải” trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ Mark Esper hôm 4/8 khi tham dự Hội nghị cấp bộ trưởng Mỹ - Australia đã nhắc lại lập trường của Mỹ trong việc thực hiện “hành động tự do hàng hải”. Ông nói, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động hàng hải, hàng không tại bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”.

Các máy bay chiến đấu siêu âm F-18 trên tàu USS Ronald Reagan
Các máy bay chiến đấu siêu âm F-18 trên tàu USS Ronald Reagan

Hồi tháng 7/2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đề nghị Mỹ có thể đưa toàn bộ Hạm đội 7 tới Biển Đông. Ngoài ra, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo hôm 5/8 đã tiết lộ với thế giới bên ngoài rằng Tổng thống Duterte sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tương lai gần để thảo luận về vụ kiện trọng tài Biển Đông.

Hạm đội 7 trực thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đóng tại cảng Yokosuka thuộc thành phố Yokosuka,có mấy chục chiến hạm,mấy trăm máy bay và mấy chục ngàn binh sĩ. Chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan thuộc biên chế Hạm đội 7.

Hồi trung tuần tháng 6/2019, cụm chiến đấu tàu sân bay USS Ronald Reagan đã cùng tàu đổ bộ trực thăng JS Izumo của hải quân Nhật tiến hành cuộc diễn tập chung trong 3 ngày trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bày tỏ hy vọng Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội
Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ Mark Esper bày tỏ hy vọng Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội

Ngoài ra, trong một động thái có liên quan, ngày 2/8, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF Treaty). Trong thời gian ở Sydney, ông Esper cũng nói ông hy vọng Mỹ có thể triển khai các tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Có nhiều suy đoán rằng Australia có thể được yêu cầu bố trí các tên lửa này, nhưng Thủ tướng Australia Scott Morrison đã phủ nhận điều này. Hôm 5/8, ông Morrison cho biết phía Australia không nhận được yêu cầu nào như vậy và hứa rằng nếu nhận được yêu cầu như thế trong tương lai, Australia cũng sẽ từ chối. Trung Quốc đe dọa “sẽ không ngồi yên” và sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trong khu vực. Chiều ngày 6/8, bà Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ quốc gia nào gây rắc rối ngay trước cửa nhà mình. Chúng tôi sẽ đưa ra mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo các lợi ích an ninh quốc gia của mình”.

Dư luận quốc tế và khu vực lưu ý, việc cụm chiến đấu tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan tới Biển Đông diễn ra vào thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bùng phát trở lại với những diễn biến mới và quân đội Trung Quốc công bố tiến hành một loạt các cuộc tập trận ở phía Nam đảo Hải Nam và trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ đang chiếm giữ trái phép.