Mỹ đánh Syria, phản ứng của Nga và kịch bản cuộc chiến

VietTimes -- Sáng sớm ngày 07.04.2017, hai khu trục hạm Mỹ tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk đánh vào sân bay quân sự Shayrat phía đông tỉnh Homs. Theo thông tin từ phía Syria, khoảng 15 máy bay bị hư hỏng hoặc phá hủy hoàn toàn, 6 quân nhân thiệt mạng, hàng chục dân thường thương vong.
Sân bay quân sự Syria sau cuộc tập kích bằng tên lửa Tomahawks
Sân bay quân sự Syria sau cuộc tập kích bằng tên lửa Tomahawks

Phóng viên RIA.Novosti, có mặt trên sân bay quân sự Shayrat xác nhận có 6 máy bay MIG -23 đang sửa chữa trong hầm chứa máy bay bị phá hủy, 5 chiếc còn lại trong hầm chứa nguyên vẹn, không có những cảnh tượng tàn phá khủng khiếp của hơn 50 quả tên lửa hành trình tập trung vào một sân bay quân sự không lớn.

Điều gì thực sự đã xảy ra?

Vụ tập kích ồ ạt tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk (TLAM) đánh vào một sân bay tiền phương, được không quân Syria sử dụng để yểm trợ hỏa lực cho các hoạt động chống khủng bố trên chiến trường sa mạc tỉnh Homs. Trên sân bay này, các máy bay trực thăng và cường kích chiến trường Su-25 Nga cũng thường xuyên cất hạ cánh, tiếp dầu và đạn dược cho các cuộc không kích tấn công IS trên chiến trường sa mạc Palmyra.

Lý do để tiến hành cuộc không kích này dựa trên những tuyên bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở tỉnh Idlib, cáo buộc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học trong thị trấn Khan Sheikhoun. Ngay lập tức Washington quyết định tiến hành cuộc tấn công vào quân đội Syria bỏ qua bất cứ quyết định nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Các đồng minh của Mỹ đồng loạt lên tiếng ủng hộ cuộc tấn công này của Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Francoise Hollande lập tức đưa ra những cáo buộc tổng thống Syria Bashar al-Assad, cho rằng ông Assad  "là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự leo thang của tình hình".

Đại diện cho lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, phó thủ tướng Numan Kurtulmush, nhiệt tình ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ vào Syria và kêu gọi cộng đồng quốc tế "đoàn kết lại chống lại chế độ man rợ của Assad".

Hầu hết các nước đồng minh như Israel, Ả rập Xê út, Anh cùng một số nước khác đều lên tiếng ủng hộ cuộc tấn công tên lửa của Mỹ. Trung Quốc và Indonesia thận trọng lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng vũ lực. Iran tuyên bố lên án mạnh mẽ của cuộc tấn công của Mỹ vào Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của Mỹ là hành vi của kẻ xâm lược.

Vì sao Nga không ngăn chặn được cuộc tấn công này?

Trên lý thuyết, các tổ hợp tên lửa Nga S-300 và S-400 hoàn toàn có khả năng đánh chặn những tên lửa hành trình tầm thấp này, nhưng để bảo vệ sân bay Shayrat, các hệ thống tên lửa phải được triển khai trên khu vực địa bàn sân bay. Từ căn cứ không quân Hmeymim và từ căn cứ hải quân Tartus thuộc tỉnh Latakia, S-300 và S-400 không có khả năng do tên lửa hành trình bay thấp, radar không thể đeo bám được mục tiêu vì điều kiện địa hình.

Các tổ hợp pháo – tên lửa Pantsir -1S cũng có thể bắn hạ được các tên lửa này, trong biên chế của lực lượng viễn chinh Nga và quân đội Syria đều có Pantsir –S1, nhưng các tổ hợp Pantsir-S1 Nga đang bảo vệ căn cứ sân bay và hệ thống tên lửa S-400. Thông tin về các tổ hợp tên lửa Pantsir-1 của Syria không có, không rõ hiện nay các tổ hợp của Syria hiện đang ở đâu và liệu các sĩ quan và trắc thủ phòng không Syria có đủ năng lực và trình độ cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu để bắn hạ tên lửa hành trình hay không.

Trong khi đó, Bộ quốc phòng Nga đưa ra một con số gây sốc, chỉ có 23 quả tên lửa hành trình Tomahawk đạt đến mục tiêu. 35 quả tên lửa còn lại bay đi đâu mất. Những chứng cứ còn lại trên sân bay chứng thực điều này, nhưng không có một lời giải thích hay bình luận nào. Mỹ khẳng định 58 quả tên lửa đã trúng mục tiêu. 

Đến thời điểm này, cũng không hề có bất cứ một thông tin nào về việc, liệu căn cứ sân bay Shayrat có hệ thống phòng không, tác chiến điện tử hay không? Nhưng dựa trên các video và những bức ảnh chụp được trong sân bay, có thể dự đoán rằng trên căn cứ hoàn toàn không có bất cứ một phương tiện phòng không nào.

Tương tự như tình huống đã diễn ra vào năm 2011, việc ngăn chặn đòn tấn công từ phía Mỹ vào Syria hiện nay chỉ dựa chủ yếu vào những nỗ lực ngoại giao của Nga. Nhưng trong thực tế tình hình quốc tế hiện nay và những tuyên bố hiếu chiến của các nước phương Tây, việc ngăn chặn một cuộc tấn công tương tự như vậy chỉ có thể là sự hiện diện của một nguy cơ chiến tranh cấp độ cao.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Washington đã thể hiện khả năng quyết liệt hơn nhiều trong việc sử dụng vũ lực. Nếu như vào năm 2003, chính quyền George W. Bush còn cố gắng chứng minh sự tồn tại của vũ khí hỏa học ở Iraq từ những bằng chứng giả. Tuy nhiên năm 2017, từ những cáo buộc mờ hồ chính quyền Assad, bỏ qua Liên Hiệp Quốc, bỏ qua sự nhất trí của quốc hội Mỹ, tổng thống Donald Trump đơn phương ra quyết định tấn công và chỉ dựa vào những bức ảnh của lực lượng nổi loạn.

Năm 2013, thỏa thuận về việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria đã được thực hiện hoàn toàn dưới sự chứng kiến của Liên Hiệp Quốc và từ đó đến nay, Syria không còn vũ khí hóa học cũng như các phương tiện, nhà máy để chế tạo các loại vũ khí này.

Hậu quả cuộc tấn công với tình hình Syria

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, chỉ có 23 tên lửa hành trình đánh trúng mục tiêu, 36 tên lửa khác lạc hướng và biến mất. Phía Mỹ tuyên bố 58 tên lửa đánh trúng mục tiêu, 1 tên lửa hỏng vì lý do kỹ thuật, vụ tấn công tên lửa đã đạt được hiệu quả to lớn, phá hủy hoàn toàn hạ tầng cơ sở của sân bay, kho tàng đạn dược và nhiên liệu, phá hủy hầu hết các máy bay của Syria đang nằm trên đường băng và trong hầm trú ẩn.

Nhưng theo tuyên bố của quân đội Syria, đã khắc phục hoàn toàn những hậu quả của cuộc tập kích, đường băng không bị hư hại và máy bay chiến đấu của không quân Syria đã có thể xuất kích yểm trợ hỏa lực cho quân đội chống khủng bố.

Không quân Mỹ và đồng minh tấn công Syria không phải lần đầu tiên. Cuộc tấn công gần đây nhất được cho là “nhầm lẫn” ở thành phố bị bao vây Deir ez-Zor mùa thu năm 2016 đã khiến hơn 80 binh sĩ Syria thiệt mạng. Nhờ đó, IS giành được thế chủ động trên chiến trường, dẫn đến cuộc tấn công chia cắt thành phố và sân bay quân sự Deir Ezzor đầu năm 2017. Bộ Quốc phòng Nga đã cảnh báo Mỹ về những hậu quả có thể có nếu diễn ra cuộc tấn công trên lãnh thổ Syria.

Diễn biến tình hình trên chiến trường Syria cho thấy Nga lại đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, triển khai hệ thống phòng không hiệu quả trên chiến trường Syria nhằm bảo vệ các mục tiêu then chốt, có ý nghĩa chiến lược.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 07.04.2017: "Để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng và nhạy cảm của Syria, Bộ quốc phòng Nga sẽ sớm thực hiện một loạt các biện pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hệ thống phòng không các lực lượng vũ trang Syria,".

Đây là một sứ mệnh thực sự khó khăn mà Nga phải tiến hành trong điều kiện phức tạp của chiến trường Syria. Không giống như ở Việt Nam sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, các đơn vị phòng không Syria đã nhiều năm không tác chiến, bị ảnh hưởng nặng nề của nhiều năm chiến tranh và sự không đồng nhất trong tư tưởng bảo vệ tổ quốc. Họ cũng có ý chí quyết tâm chiến đấu không cao và phải đối mặt với rất nhiều các lực lượng quân sự nước ngoài thù địch, điển hình là Israel, đã nhiều lần tiến hành các cuộc không kích vào Syria.

Một trong những hậu quả đáng sợ là: cuộc tập kích tên lửa của Mỹ theo quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy cuộc chiến Syria lên một vòng xoáy mới. Từ một quyết định không cần sự ủng hộ của quốc hội Mỹ cho đến Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, lực lượng Hồi giáo cực đoan Hay’at Tahrir Al-Sham (al-Qaeda Syria) và Ahrar al-Sham đã tìm thấy một khả năng giành chiến thắng trên chiến trường Syria.

Đó là tiến hành các cáo buộc về vũ khí hóa học với chính quyền Syria để nhận được sự yểm trợ hỏa lực đường không từ Mỹ và các quốc gia phương Tây ủng hộ, đồng thời có thể nhận được thêm vũ khí trang bị viện trợ (tên lửa chống tăng TOW, tên lửa mặt đất Grad BM-21 và thậm chí là tên lửa phòng không MANPAD) để tiến hành chiến tranh. Đồng thời cũng huy động được những kẻ có tư tưởng thù địch, vốn rất đông ở Syria và các nước lân cận, tham gia vào cuộc thánh chiến.

Bức ảnh so sánh vụ khủng bố chất độc Sarin ở Tokyo, Nhật Bản năm 1995 với vụ tấn công hóa học chất độc Sarin ở tỉnh Idlib Syria năm 2017 cho thấy sự khác biệt về việc phòng hóa, chứng minh tính giả tạo của cáo buộc từ phía lực lượng Hồi giáo cực đoan nổi dậy
Đại sứ Bolivia tại Liên hợp quốc, Sacha Llorenti quyết liệt lên án vụ tấn công tên lửa hành trình của Mỹ, so sánh với cáo buộc của cựu ngoại trưởng Mỹ  Colin Powell về vũ khí hóa học dẫn đến cuộc chiến tranh Iraq

Nhưng khủng khiếp hơn là, để làm được điều này, các chiến binh thánh chiến sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học theo mô hình mà quân đội Iraq đã tìm thấy ở IS.

Các hóa chất có nguồn gốc châu Âu vượt qua biên giới Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ để đến với chiến trường Iraq, Syria. Điều đó có nghĩa là, cuộc chiến hóa học và thảm kịch tương tự như Lybia có thể sẽ bắt đầu.

NT