Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 9/9 dẫn hãng tin CNN Mỹ gần đây cho hay tàu sân bay mới nhất USS Gerald R. Ford CVN-78 có chi phí chế tạo 13 tỷ USD của Hải quân Mỹ do "độ tin cậy kém", sẽ tiếp tục trì hoãn đi vào hoạt động đến năm 2017.
Trên thực tế, thời gian đi vào hoạt động của siêu tàu sân bay này đã nhiều lần trì hoãn, đến nay đã trì hoãn 2 năm so với kế hoạch ban đầu - đưa vào hoạt động vào tháng 9/2014.
Là siêu tàu sân bay có thiết kế tiên tiến nhất trên thế giới, so với tàu sân bay lớp Nimitz, tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã được nâng cấp rất lớn trên nhiều phương diện.
Trước hết là về hệ thống động cơ, tàu sân bay lớp Ford sử dụng 2 lò phản ứng hạt nhân mới lần lượt có công suất là 104 megawatt và 96 megawatt, tổng công suất đạt 200 megawatt, hệ thống động cơ cao hơn 1/4 so với lớp Nimitz, khả năng cung cấp điện tăng gấp 3 lần, từ đó đã đáp ứng nhu cầu điện của các trang bị mới như hệ thống phóng điện từ, radar sóng ngắn đôi, pháo điện từ và vũ khí laser.
Thứ hai là về hệ thống dò tìm, radar sóng ngắn đôi của tàu sân bay lớp Ford có thể đồng thời vận hành với hai loại tần số, từ đó có thể phân biệt có hiệu quả máy bay và tên lửa khi bay ở tầng trời thấp, tăng mạnh khả năng phòng thủ tự thân.
Cuối cùng là về sức chiến đấu đường không, do đã sử dụng rất nhiều công nghệ mới về phóng máy bay, đường băng và thiết kế đảo tàu, tỷ lệ điều động máy bay của tàu lớp Ford tăng mạnh, từ nhiều nhất 160 lượt chiếc/ngày tăng lên 220 lượt chiếc/ngày.
Hơn nữa, không chỉ có thể phóng máy bay chiến đấu hạng nặng, mà còn có thể phóng nhiều loại máy bay không người lái. Điều này làm cho khả năng tác chiến đường không của tàu sân bay này có bước nhảy về chất.
Để thích ứng với vận dụng tác chiến của tàu sân bay thế hệ tiếp theo với đại diện là tàu sân bay lớp Ford, Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu phương thức sử dụng tàu sân bay mới.
Tháng 10/2015, Viện nghiên cứu Hudson Mỹ đã công bố báo cáo nghiên cứu "Vót nhọn ngọn giáo: tàu sân bay, lực lượng liên hợp và xung đột hiện đại".
Báo cáo đã phân tích điểm yếu của cụm tấn công tàu sân bay Quân đội Mỹ hiện nay và vấn đề sử dụng sáng tạo và nâng cấp năng lực tiếp theo, đề xuất: đối mặt với mối đe dọa chống can thiệp/chống tiếp cận ở khu vực Tây Thái Bình Dương, tàu sân bay mới có thể thực hiện chiến tranh du kích trên biển "tấn công kiểu mạch xung" và nhiều loại phương thức mới về vận dụng tác chiến tàu sân bay như triển khai phân tán nhiều tàu sân bay để thực hiện tác chiến thống nhất nhiều cụm tấn công tàu sân bay. Đây là phương thức sử dụng tàu sân bay lớp Ford sắp biên chế.
Mỹ đặt kỳ vọng vào tàu sân bay lớp Ford, nhưng tàu sân bay lớp này đầu tiên mang tên USS Gerald R. Ford lại nhiều lần bị trì hoãn bàn giao. Điều này chủ yếu có 2 nguyên nhân sau:
Một là vấn đề nan giải công nghệ khó đạt được đột phá. Chính vì đã sử dụng quá nhiều công nghệ mới, tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ "khó tiêu hóa" được trong ngắn hạn.
Trong bản ghi nhớ công bố ngày 28/6, Michael Gilmore, Cục trưởng Cục thử nghiệm và đánh giá tác chiến, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tàu sân bay gặp khó khăn trên các phương diện như phóng và thu máy bay chiến đấu, vận chuyển vũ khí, tiến hành điều khiển bay và tự vệ.
Michael Gilmore cho biết: "Bốn hệ thống này liên quan đến lĩnh vực chính của tác chiến bay, trừ phi những vấn đề này được giải quyết, nếu không chúng sẽ hạn chế rất lớn khả năng tác chiến của CVN-78".
Hai là ngân sách vượt kế hoạch nghiêm trọng. Muốn giải quyết một loạt vấn đề khó khăn công nghệ này thì phải không ngừng đầu tư tiền của, trong khi đó trong quá trình chế tạo tàu USS Gerald R. Ford đã nhiều lần bổ sung ngân sách, xem ra nó giống như một chiếc "thùng không đáy".
Đối với vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng: "Trong tình hình bổ sung 2,3 tỷ USD chi phí bay, làm cho hao phí của tàu sân bay lên tới gần 13 tỷ USD, người nộp thuế cần biết CVN-78 lúc nào có thể bàn giao, trong chương trình còn tồn tại bao nhiêu rủi ro nghiên cứu phát triển, nếu tiếp tục đầu tư bổ sung thì ai phải chịu trách nhiệm".
Tàu sân bay lớp Ford chậm bàn giao cũng đã gây ảnh hưởng nhất định đến chiến lược quân sự của Mỹ. Về ngắn hạn, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu hiện đang tiến hành của Quân đội Mỹ có nhu cầu không ngừng gia tăng đối với tàu sân bay. Việc tàu sân bay mới chậm đi vào hoạt động sẽ kéo dài tiến trình hành động tấn công IS triển khai ở khu vực Trung Đông.
Về lâu dài, chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ chắc chắn cần đến sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tài sản mang tính chiến lược như tàu sân bay lớp Ford.
Trong tình hình thiếu sự hỗ trợ này, sự "cân bằng" sẽ không đạt được hiệu quả dự kiến. Đặc biệt là trong quá trình Mỹ can thiệp vào vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông hiện nay có thể nhìn thấy vị thế, vai trò của tàu sân bay vẫn hết sức quan trọng.