Quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Win Myint cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền trong hôm đầu tuần, ngày 1/2, lên nắm quyền lực trong một cuộc đảo chính xảy ra vào thời điểm chưa đầy 10 năm sau khi họ trao lại quyền lực cho chính phủ dân sự.
Quân đội Myanmar nói rằng họ thực hiện các vụ bắt giữ trên nhằm phản ứng trước tình trạng gian lận trong kỳ tổng tuyển cử tổ chức tháng 11 năm ngoái, mà kết quả là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng.
Một tuyên bố được kênh truyền hình quân đội phát đi nói rằng Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing giờ chịu trách nhiệm điều hành đất nước Myanmar và rằng tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng trong 1 năm.
“Với tình hình mà chúng ta đang chứng kiến, chúng tôi phải đưa ra luận điểm rằng quân đội đang thực hiện một cuộc đảo chính” – Myo Nyunt, phát ngôn viên của đảng NLD, nói với hãng AFP trong hôm đầu tuần.
Trước diễn biến trên, nhiều quốc gia, tổ chức và nhà quan sát trên thế giới đã đưa ra phản ứng của mình.
Myanmar
Thant Myint-U, một sử gia Myanmar, cho rằng “nhiều cánh cửa vừa mở ra một tương lai rất khác”.
“Tôi có một cảm giác đáng buồn rằng không ai sẽ thực sự kiểm soát được điều sẽ xảy ra sắp tới” – ông viết trên Twitter – “Và nên nhớ rằng Myanmar là một quốc gia đầy rẫy vũ khí, chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm tôn giáo và thiểu số”.
Australia
Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã thể hiện sự quan ngại sâu sắc “trước nhiều báo cáo rằng quân đội Myanmar một lần nữa tìm cách chiếm quyền ở Myanmar và đã bắt giữ Cố vấn nhà nước Daw Aung San Suu Kyi và Chủ tịch U Win Myint”.
“Chúng tôi kêu gọi quân đội tôn trọng luật pháp, giải quyết các tranh chấp thông qua cơ chế luật pháp và lập tức trả tự do cho tất cả lãnh đạo dân sự và những người đã bị bắt giữ một cách phi pháp” – Ngoại trưởng Payne nói.
Mỹ
Một phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Washington “báo động” bởi các báo cáo về việc quân đội Myanmar “có những hành động gây xói mòn tiến trình chuyển dịch dân chủ ở nước này” cùng vụ bắt giữ bà Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự khác.
“Mỹ phản đối mọi âm mưu làm thay đổi kết quả của kỳ bầu cử mới đây hoặc ảnh hưởng tới tiến trình dân chủ của Myanmar, và sẽ có hành động nhằm vào những người chịu trách nhiệm nếu như những hành động đó không được đảo ngược” – Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng, nói trong một tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony J Blinken cũng thể hiện “quan ngại sâu sắc” trong một tuyên bố và hối thúc quân đội Myanmar “đảo ngược” hành động của họ ngay tức thì.
“Chúng tôi kêu gọi các tướng lĩnh quân đội Myanmar trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ và lãnh đạo xã hội dân sự và tôn trọng ý chí của người dân Myanmar, như đã được thể hiện trong kỳ bầu cử dân chủ ngày 8/11. Mỹ đứng về phía người dân Myanmar và nguyện vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển của họ” – ông Blinken nói.
Liên hợp quốc
Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký LHQ, “cực lực lên án” vụ bắt giữ các lãnh đạo dân sư của Myanmar ngay trước thềm kỳ họp khai mạc Quốc hội mới của nước này.
Ông cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc liên quan tới tuyên bố chuyển giao tất cả quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp cho quân đội”, và thêm rằng: “Những diễn biến này đã gây ra đòn giáng tới các cuộc cải cách dân chủ ở Myanmar”.
Singapore
Bộ Ngoại giao Singapore đã kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar kiềm chế.
“Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến mới nhất ở Myanmar. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ kiềm chế, duy trì đối thoại, và làm việc hướng tới một kết quả tích cực và hòa bình” – Bộ Ngoại giao Singapore nói trong một tuyên bố.