Tờ Tokyo Shimbun Nhật Bản ngày 31/10 cho hay Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung san Suu kyi bắt đầu tiến hành chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 1/11/2016 và sẽ tổ chức hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Sau khi Mỹ dỡ bỏ toàn diện trừng phạt đối với Myanmar vào tháng 10 vừa qua, Myanmar đã thu hút sự chú ý cao với tư cách là điểm đến đầu tư, nhưng tiến triển xây dựng hạ tầng cơ sở chậm chạp, tình hình kinh tế không chuyển biến tốt.
Dự tính, bà Aung san Suu kyi sẽ tìm kiếm viện trợ mới trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, chuyến thăm trước của bà tới Nhật Bản cách nay đã 3 năm.
Vào hạ tuần tháng 10/2016, khi tham dự một hội nghị kinh tế tại Thủ đô Naypyidaw của Myanmar, bà Aung san Suu kyi thẳng thắn thừa nhận tình hình kinh tế Myanmar không được khởi sắc. Bà nói: "Việc chuyển giao chính quyền đã nửa năm, kinh tế trong nước vẫn chưa được cải thiện như dự kiến".
Myanmar có khoảng 52 triệu người, nguồn lao động dồi dào, người dân chịu khó. Được lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Myanmar đã được coi là "vùng đất hoang cuối cùng của châu Á".
Trong thời đại chính quyền quân sự, đầu tư đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt tăng trưởng lớn.
Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), trong giai đoạn từ năm 1989 - 2015, trong đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Myanmar có 18 tỷ USD đến từ Trung Quốc, chiếm 28%, ngoài ra còn có 3,4 tỷ USD đến từ Hàn Quốc, chiếm trên 5%. Nhưng, đầu tư đến từ Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 600 triệu USD, chiếm không đến 1%.
Sau khi khởi động tiến trình dân chủ hóa vào năm 2011, Mỹ và các nước phương Tây từng bước dỡ bỏ trừng phạt đối với Myanmar, các doanh nghiệp Nhật Bản mới liên tục tiến quân vào thị trường Myanmar, nhưng không thể phủ nhận chậm chân xa so với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang sử dụng hình thức "nhà nước và nhân dân cùng làm" để thúc đẩy xây dựng Đặc khu kinh tế Thilawa ở đông nam Rangoon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Điện lực và hạ tầng cảng được thúc đẩy theo phương thức cho vay đồng yên, một phần dự án đã bắt đầu vận hành kinh doanh vào tháng 9/2015.
Trong đặc khu kinh tế này áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế pháp nhân, hiện đã có 79 công ty trong đó có ngành điện cơ đã quyết định đến đặc khu này, trong đó có 39 công ty Nhật Bản.
Có một giám đốc doanh nghiệp cho rằng, có bằng chứng cho thấy, các doanh nghiệp càng sớm đến đây càng dễ được nước đối tượng đầu tư biết rõ. Nhưng cũng có doanh nghiệp ở đây phàn nàn rằng cho dù ở trong đặc khu cũng tồn tại các vấn đề như "thường xuyên mất điện, tỷ lệ đi vào sản xuất không đủ".
Cán bộ quản lý của một doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô Nhật Bản chỉ ra: "Mặc dù giá nhân công thấp hơn các nước xung quanh, nhưng các vật liệu không thể mua được ở Myanmar, buộc phải lệ thuộc vào nhập khẩu, đầu tư ở Myanmar khó có thể thu hồi vốn trong ngắn hạn, phải nhìn về lâu dài".
Ngoài ra, tờ Sankei Shimbun Nhật Bản ngày 31/10 cũng có bài viết cho hay, Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar, bà Aung san Suu kyi sẽ đến thăm Nhật Bản từ ngày 1/11/2016.
Trong bối cảnh các vấn đề quan trọng như kinh tế chưa có khởi sắc và đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số đều đứng trước thời điểm quan trọng, dự tính chuyến thăm lần này sẽ yêu cầu Nhật Bản cung cấp nhiều viện trợ hơn.
Lần trước, bà Aung san Suu kyi đến thăm Nhật Bản là vào tháng 4/2013, khi đó bà thuộc đảng đối lập ở Myanmar. Lần này, bà đến thăm Nhật Bản lần đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo thực sự sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2015.
Trước đó, bà đã đến thăm các nước như Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Ấn Độ. Tháng 9/2016, trong thời gian tham dự các hội nghị Đông Á ở Lào, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã có cuộc hội đàm với bà Aung san Suu kyi.
Do đa số người dân Myanmar vẫn còn nghèo đói, nhiệm vụ cấp bách là phát triển kinh tế. Do đó, đối với Myanmar, sự viện trợ của Nhật Bản là không thể thiếu.
Hiện nay, đã có tới 300 doaonh nghiệp Nhật Bản đến Myanmar làm ăn. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, dự tính cũng sẽ đề cập đến ý nghĩa quan trọng của hợp tác quốc phòng. Hai nước còn có kế hoạch tiến hành tham vấn chung của cả chính quyền và người dân về các vấn đề như thúc đẩy đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực.
Kể từ khi chính quyền mới ở Myanmar lên cầm quyền vào cuối tháng 3 năm nay, bà Aung san Suu kyi luôn nỗ lực tránh đối đầu với phía quân đội, ưu tiên ổn định vận hành chính quyền, về mặt ngoại giao cũng tập trung "ưu tiên kinh tế".
Tháng 8/2016, bà Aung san Suu kyi thăm Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar. Ngoài ra, trong thời gian thăm Mỹ vào tháng 9/2016, bà cũng đã thành công trong việc thuyết phục Mỹ dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.
Mặt khác, trong vấn đề dân tộc thiểu số xung đột nhiều năm với chính phủ quân sự, tháng 8/2016, bà còn triệu tập hội nghị hòa bình quy mô lớn, nhưng khu vực biên giới đến nay vẫn không ngừng xảy ra xung đột.
Từ năm 1978 trở đi, các tập đoàn Nhật Bản đã bắt đầu cung cấp viện trợ cho khu vực bị thiệt hại bởi xung đột, liên tục tham gia vào tiến trình hòa bình ở Myanmar.