Anh Khang Nguyễn, một thương gia ở TP.HCM cho biết, chiều tối 9/1, một cô gái có dáng người nhỏ con, cao khoảng 1m50, đến nhà anh tại đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 để mua chiếc iPhone X 64GB. Cô gái sau khi kiểm tra máy và reset đã đồng ý mua chiếc điện thoại trên với giá 15,3 triệu đồng. Cô muốn thanh toán bằng cách chuyển khoản từ ngân hàng ACB.
Anh Khang Nguyễn đã cho số tài khoản ở ABbank. Người nữ khách hàng đã thực hiện thao tác trên điện thoại của mình, sau đó chụp lại màn hình chuyển khoản cho anh Khang xem. Lúc đó, do đến giờ đón con, và do sơ suất không kiểm tra kỹ nên anh đã giao máy cho cô gái.
Màn hình chuyển tiền mà cô gái cho anh Khang Nguyễn xem
|
Đến khi đón con về, kiểm tra lại tài khoản thì anh Khang chưa thấy tiền được chuyển vào. Anh đã liên lạc lại thì người nữ khách hàng khẳng định đã chuyển tiền rồi. Các hôm sau đó, anh liên tục gọi điện thì cô ta đã chặn số, chặn cả nhắn tin qua Facebook và Zalo. Sau khi nhờ công an điều tra thì anh đã tìm được nhà cô gái theo hộ khẩu, nhưng căn nhà đó đã bán từ tháng 10/2018.
Nhìn lại tấm ảnh chuyển khoản mà cô gái đưa cho anh Khang Nguyễn xem, nếu tinh mắt có thể nhìn thấy ở phía dưới, phần Trạng thái có dòng chữ "Giao dịch đang được Ngân hàng xử lý". Rõ ràng, kẻ lừa đảo đã lợi dụng khoảng thời gian ngân hàng đang xử lý giao dịch để hủy việc chuyển tiền. Vậy rốt cuộc cô ta đã làm như thế nào?
Các kiểu lừa chuyển tiền online
- Những kẻ lừa đảo sẽ đi mua hàng vào cuối ngày. Khi đó, việc chuyển tiền liên ngân hàng tiền sẽ không đi ngay được, hoặc ở trạng thái chờ, hoặc được lên danh sách chuyển. Ngân hàng vẫn báo tin nhắn OTP và lên trạng thái giao dịch.
Lúc này, người nhận tiền cần phải để ý dòng trạng thái giao dịch. Nếu nó báo "đang được xử lý" giống như trường hợp của anh Khang Nguyễn thì chắc chắn là tiền chưa chuyển vào tài khoản. Còn nếu nó báo chuyển thành công thì vẫn có khả năng người nhận bị lừa, đó là vì kẻ lừa đảo đã sử dụng một mẹo sau đây:
- Kẻ lừa đảo sẽ gõ thừa 1 số, hoặc thay đổi 1 số của tài khoản. Ngoài ra có thể thay đổi chữ I bằng chữ L, hoặc sửa chữ O thành số 0. Mục đích là để khi chuyển tiền liên ngân hàng, khi không đúng tên hoặc không đúng số tài khoản thì tiền sẽ không được chuyển đi, dù lúc đó tài khoản chuyển đi vẫn báo Chuyển thành công và trừ tiền. Nhưng sáng hôm sau ngân hàng sẽ chuyển lại tiền cho chủ tài khoản chuyển đi (tài khoản của kẻ lừa đảo) vì sai thông tin. Đây chính là lý do vì sao máy báo chuyển thành công nhưng người nhận lại không nhận được tiền.
Hình ảnh cô gái lừa đảo được anh Khang Nguyễn chia sẻ trên mạng
|
Như vậy, để không bị lừa đảo theo hình thức này thì người bán phải kiểm tra tài khoản trên chính điện thoại của mình. Chỉ khi nào nhận được tin nhắn thông báo tiền đã vào tài khoản thì lúc đó mới thực hiện việc trao đổi hàng hóa.