Những tiến bộ về y học đang diễn ra từng ngày, từng giờ, và có vẻ như đạo đức y khoa đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo kịp những sự tiến bộ ấy. Ví dụ mới nhất (và có lẽ là đáng lo ngại nhất) chính là niềm khát khao mãnh liệt thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên trên thế giới của bác sĩ phẫu thuật người Ý Sergio Canavero. Và trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 17/11, Canavero khẳng định mình đã đạt được thành tựu đáng kinh ngạc đó, dù mới chỉ là trên một xác chết chứ không phải là một bệnh nhân còn sống.
Theo trang tin BGR, Canavero, người đã hợp tác với một bác sĩ Trung Quốc tên là Xiaoping Ren sau khi bị đuổi khỏi giới y khoa cả ở Mỹ và Châu Âu, tuyên bố ca phẫu thuật kéo dài 18 giờ đồng hồ, và nhóm của ông đã thành công trong việc cấy ghép đầu người và gắn lại toàn bộ các cơ quan thiết yếu - như cổ họng, khí quản, thực quản và xương sống. Bước tiếp theo? Thử nghiệm trên một người vẫn còn sống.
Trước đây, ông Canavero từng đưa ra những chi tiết về các công đoạn phẫu thuật cũng như sự khác biệt giữa thực hiện cấy ghép trên xác chết với trên một người còn sống. Ông và nhóm của mình dự kiến ca phẫu thuật trên người sống sẽ phải kéo dài ít nhất là 24 giờ đồng hồ, và việc giữ cho cơ thể bệnh nhân không bị chết não khỏe mạnh trong khi cấy ghép chiếc đầu mới sẽ vô cùng phức tạp.
"Chủ tịch Tập Cận Bình muốn "phục hưng" Trung Quốc. Ông ấy muốn đất nước mình trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Tôi tin rằng ông ấy đang thực hiện điều đó," ông Canavero giải thích, đồng thời lưu ý rằng ông không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện ca phẫu thuật ở Trung Quốc, sau khi bị phần còn lại của thế giới coi là "kẻ điên". "Không có bất kì viện hoặc trung tâm y tế nào của Mỹ theo đuổi điều này, và không đời nào chính phủ Mỹ ủng hộ nó".
Trong quá khứ, nhóm của ông Canavero đã từng thực hiện nhiều ca phẫu thuật tương tự trên các loài gặm nhấm, thậm chí cả những động vật lớn hơn như chó, nhưng thực hiện cấy ghép đầu trên người vẫn còn sống là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tuy nhiên, có một phần nhỏ trong cộng đồng y tế cho rằng họ không thấy sự khác biệt giữa cấy ghép đầu với cấy ghép tay hay mặt, vốn đã gây rất nhiều tranh cãi ở thời điểm chúng mới được thực hiện. Nếu ông Canavero thực sự có thể thành công – và tránh được những nguy hiểm của việc ghép nối dây thần kinh để đem lại một cơ thể thực sự cho người nhận – ông có thể được tôn sùng như một thiên tài. Nhưng nếu không thì…
http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2329759/mot-bac-si-nguoi-y-tuyen-bo-da-thuc-hien-phau-thuat-ghep-dau-nguoi-thanh-cong