Sáng 6/10, bệnh nhân Đào Thị Thắng (64 tuổi ở Văn Lâm- Hưng Yên) sẽ được thay khớp gối bán phần bên trái.
Trước đó 3 tuần, bệnh nhân được thay khớp gối toàn phần gối phải, bởi những tổn thương thoái hóa khớp hơn 10 năm qua khiến bệnh nhân đau đớn, liên tục gây tình trạng có dịch khớp.
Bà Thắng cho biết, bà bị viêm khớp dạng thấp từ hơn 10 năm nay dẫn đến thoái hóa khớp gối cả hai bệnh. Nhưng 3 tháng trở lại đây, khớp diễn biến rất tệ khiến mà không đi đứng được, không ngồi xổm được, khi đứng thì phải vịn.
Bà đã nhiều lần đi tiêm thuốc giảm đau vào khớp, rồi nhập viện điều trị nội khoa vì nhiều dịch gối. “Gối sưng vù, ấn vào cứ lùng nhùng, mềm vì dịch. Nếu không hút dịch 2 đầu gối căng phồng, không làm sao đi đứng được. Có lần, bác sĩ hút ra đến 10 ống dịch. Cứ đi viện về vài hôm lại có dịch, lại vào viện”, bà Thắng chia sẻ.
Hôm 27/7, bệnh nhân đến BV Bạch Mai khám trong tình trạng đau khớp gối không đi lại được. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật thay khớp gối toàn phần chân phải.
“Tôi vừa được cắt chỉ hôm qua, giờ cử động gối dễ dàng, đi lại nhẹ nhàng”, bà Thắng nói.
Sáng 6/10, bà được can thiệp thay khớp gối trái bán phần nhờ ứng dụng Robot, ca phẫu thuật đã rất thành công.
TS.BS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là một trong số hơn 50 ca được ứng dụng kỹ thuật hiện đại thay khớp gối với Robot hỗ trợ, được triển khai tại BV Bạch Mai từ tháng 6/2017 đến nay. Qua các ca phẫu thuật cho thấy ứng dụng Robot trong phẫu thuật khớp gối, nhất là phẫu thuật thay khớp gối bán phần có nhiều ưu điểm.
TS Du cho biết thêm, trong các phẫu thuật thay thế khớp thì phẫu thuật thay thế khớp gối đòi hỏi sự chính xác cao nhất vì biên độ vận động khớp lớn, trục truyền lực qua khớp không phải là trục giải phẫu thông thường, cấu trúc khớp đòi hỏi sự chính xác theo 3 chiều không gian.
“Trước đây nếu thay một nửa khớp gối bị tổn thương thì chúng ta phải thay cả khớp gối theo kỹ thuật kinh điển. Tuy nhiên từ khi có sự hỗ trợ của Robot MAKO cho phép các bác sĩ và phẫu thuật viên có thể thay khớp bán phần tức là phần bị tổn thương- “hỏng đâu thay đấy”, còn phần lành vẫn để nguyên và đảm bảo hoạt động bình thường. Làm được điều này, bởi Robot đảm bảo chính xác 2 quá trình: các lát cắt xương chính xác và cân bằng phần mềm”- TS Du cho hay.
Trong quá trình can thiệp, ất cả các thông số của khớp đều có thể điều chỉnh và quyết định ngay trong mổ. Kỹ thuật hiện đại kết hợp một cách hoàn hảo giữa kinh nghiệm của phẫu thuật viên, sự chính xác của máy móc và thực tế lâm sàng, mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
“Đừng mổ nhỏ, bóc tách phần mềm ít, loại bỏ ít tổ chức bệnh nên khả năng mất máu giảm, bệnh nhân phục hồi nhanh, bệnh nhân nằm viện ngắn chi phí điều trị cũng giảm đi, giúp bệnh nhân quay trở lại làm việc tốt nhất”, TS Du nói.
Tự ý điều trị khớp dễ để lại di chứng
TS Du khuyến cáo, người bị khớp không nên tự điều trị, không được sự tư vấn của bác sĩ để tránh để lại di chứng đáng tiếc.
Bởi các thủ thuật điều trị nội khoa hoặc can thiệp trực tiếp vào khớp cần, từ hút dịch, tiêm thuốc vào khớp… đều cần được bác sĩ chuyên khoa khám, chỉ định tránh tình trạng tổn thương khớp, nhiễm trùng, dính khớp…
Do đó, khi xuất hiện đau khớp hoặc nghi ngờ tổn thương khớp thì nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn điều trị hiệu quả, phù hợp với tình trạng bệnh. Các trường hợp đau khớp, tổn thương khớp kéo dài và điều trị nội khoa không hiệu quả sẽ được bác sĩ cơ xương khớp khám kỹ càng để xem xét khả năng điều trị nội khoa, hay cần can thiệp thay khớp.