Máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc thực hiện chuyến bay chung, động thái khiêu khích nhóm Bộ Tứ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Đây rõ ràng là một động thái khiêu khích, sự việc diễn ra cùng với thời điểm tổ chức hội nghị nhóm Bộ Tứ", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi chia sẻ.
Máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc thực hiện chuyến bay chung, động thái khiêu khích nhóm Bộ Tứ (Ảnh: Business Insider)
Máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc thực hiện chuyến bay chung, động thái khiêu khích nhóm Bộ Tứ (Ảnh: Business Insider)

Ít nhất 6 máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đã tiến hành một chuyến bay chung trên Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương vào hôm thứ Ba. Hành động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong mối quan hệ của Nga và Trung Quốc đối với các nước láng giềng và đặc biệt là Mỹ.

Chuyến bay chung là cuộc tập trận đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Nga chính thức mở ra các cuộc tấn công vào Ukraine vào ngày 24/2.

Nó diễn ra ngay sau khi tổng thống mới của Hàn Quốc nhậm chức vào ngày 10 tháng 5 và khi Tổng thống Joe Biden kết thúc chuyến công du tới châu Á. Trong chuyến đi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như với các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ.

"Đây rõ ràng là một động thái khiêu khích, sự việc diễn ra cùng với thời điểm tổ chức hội nghị nhóm Bộ Tứ", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với các phóng viên hôm thứ Ba.

Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Quad ở Tokyo, ngày 24/5/2022 (Ảnh: Business Insider)

Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Quad ở Tokyo, ngày 24/5/2022 (Ảnh: Business Insider)

Các máy bay ném bom đã bay về phía Biển Nhật Bản, được gọi là Biển Đông ở Hàn Quốc, nơi chúng tiếp tục bay với máy bay ném bom Tu-95 của Nga và máy bay chiến đấu của cả hai nước. Seoul cho biết 4 máy bay quân sự của Trung Quốc và 2 máy bay quân sự của Nga đã được phát hiện trên Biển Hoa Đông vào buổi chiều.

Các máy bay chiến đấu Hàn Quốc cũng đã tiến hành "các bước chiến thuật" để sẵn sàng đáp trả, Seoul cho biết. Tuy nhiên, các máy bay của Nga và Trung Quốc đã không đi vào không phận lãnh thổ của nước này.

Kishi cho biết hai máy bay ném bom của Trung Quốc đã bay từ Biển Hoa Đông về phía Biển Nhật Bản, tại đây chúng bay cùng với hai máy bay của Nga và cùng bay về phía Biển Hoa Đông. Một cặp máy bay khác của Trung Quốc sau đó đã tham gia cùng các máy bay ném bom của Nga và bay về phía Tây Thái Bình Dương. Một máy bay trinh sát của Nga cũng bay xuống vùng biển Nhật Bản về phía nam.

Kishi cho biết không có máy bay nào đi vào không phận Nhật Bản, nhưng Tokyo đã điều các máy bay chiến đấu để sẵn sàng đáp trả.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi chuyến bay chung là một phần của "kế hoạch hợp tác quân sự hàng năm." Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay chiến đấu Su-30SM đã hỗ trợ máy bay ném bom Tu-95 và H-6K trong cuộc tuần tra kéo dài 13 giờ và "máy bay của cả hai nước hoạt động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật pháp quốc tế."

Các chuyến bay phản ánh mối quan hệ Trung Quốc-Nga đang ngày càng trở nên chặt chẽ trong những năm gần đây, bao gồm việc tổ chức các cuộc tập trận chung trên bộ, trên biển và trên không. Các máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã thực hiện các chuyến bay tương tự trên cùng khu vực vào các năm 2019, 2020 và 2021.

Bản đồ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về các chuyến bay quân sự của Nga và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản vào ngày 24/5/2022 (Ảnh: Business Insider)

Bản đồ của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về các chuyến bay quân sự của Nga và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản vào ngày 24/5/2022 (Ảnh: Business Insider)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết sau chuyến bay vào tháng 11/2021 rằng đây là các hoạt động nhằm "phát triển hơn nữa mối quan hệ phối hợp đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga" và không nhắm vào "bất kỳ bên thứ ba nào."

Vào đầu tháng Hai, Nga và Trung Quốc đã phát đi những thông điệp rằng "tình hữu nghị" của họ là "không có giới hạn" và "không có lĩnh vực hợp tác" nào bị hạn chế. Đây là tuyên bố chung được đưa ra sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình diễn ra.

Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích phản ứng của phương Tây đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là "quan điểm của một nhà độc tài" và nói rằng Moscow sẽ tập trung vào việc mở rộng quan hệ với Trung Quốc "nhanh hơn nữa." Khi được hỏi về bình luận của ông Lavrov, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết quan hệ Trung Quốc-Nga "đã chịu đựng được thử thách mới về bối cảnh quốc tế đang thay đổi" và "sẽ không bị ảnh hưởng bởi những người khác."

Trao đổi chuyên môn và khí tài quân sự, phần lớn từ Nga sang Trung Quốc, là đặc điểm chính trong mối quan hệ của họ. Các quan chức Mỹ cho biết Moscow đã yêu cầu sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc trong cuộc chiến ở Ukraine nhưng chưa thấy các dấu hiệu mà Bắc Kinh cung cấp.

Nhưng các chuyến bay chung diễn ra mới đây cho thấy Trung Quốc vẫn sẵn sàng "liên kết chặt chẽ" với Nga, một quan chức chính quyền Biden nói với tờ Reuters hôm thứ Ba.

Quan chức này cho biết: "Trung Quốc không rời xa Nga. Thay vào đó, cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc sẵn sàng giúp Nga bảo vệ phía đông trong khi Nga chiến đấu ở phía tây".

Theo Business Insider