Mark Zuckerberg đã phải thừa nhận rằng thông tin giả mạo sẽ tồn tại như "một phần tất yếu" của Facebook. |
Tin tức giả mạo và nạn phân biệt chủng tộc luôn là vấn đề "nhức nhối" trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube… dù mỗi mạng xã hội áp dụng những biện pháp khác nhau nhưng dường như vẫn không thể nào loại bỏ hoàn toàn được các nội dung độc hại này.
Mới đây, CEO Mark Zuckerberg đã phải thừa nhận một "sự thật đắng cay" rằng các tin tức giả mạo, nội dung phân biệt chủng tộc… sẽ luôn luôn tồn tại trên Facebook "như một điều tất yếu".
Theo đó, hai lãnh đạo cao cấp của Facebook là Mark Zuckerberg và Adam Mosseri (người đứng đầu mạng xã hội Instagram tại Facebook) vừa có một buổi thảo luận về những giải pháp nhằm chống lại thông tin sai lệch và nạn phân biệt chủng tộc trên hai nền tảng Facebook và Instagram.
Tại buổi thảo luận này, cả Mark Zuckerberg lẫn Adam Mosseri đã cùng thống nhất một quan điểm rằng hai nền tảng Facebook và Instagram sẽ không bao giờ loại bỏ hoàn toàn được các nội dung độc hại.
"Nó cũng khá giống như việc tội phạm tồn tại trong thành phố, không thể làm giải quyết triệt để được vấn đề này", Mark Zuckerberg bình luận. "Nếu cảnh sát không thể loại bỏ hoàn toàn tội phạm, bạn không thể kết luận rằng cảnh sát đang thất bại".
"Các sở cảnh sát sẽ làm tốt công việc giúp ngăn chặn và nắm bắt điều tồi tệ khi nó xảy ra để giữ cho thiệt hại ở mức tối thiểu, thúc đẩy xu hướng theo chiều tích cực và luôn đi trước các vấn đề khác", Mark Zuckerberg bình luận, ám chỉ việc Facebook sẽ không thể nào loại bỏ hoàn toàn các nội dung độc hại, mà chỉ có thể tìm cách làm giảm sự ảnh hưởng của những nội dung đó.
Adam Mosseri cũng đồng tình với quan điểm mà Mark Zuckerberg đưa ra. Mosseri khẳng định rằng nạn phân biệt chủng tộc sẽ không có chỗ đứng trên Instagram, vốn thuộc sở hữu của Facebook, nhưng để loại bỏ hoàn toàn các nội dung này là điều gần như không thể. Dù vậy, Mosseri cho biết Instagram sẽ làm mọi thứ cần thiết để hạn chế các nội dung phân biệt chủng tộc và ngôn từ thù địch xuống đến mức thấp nhất có thể, đồng thời cung cấp những công cụ để các nạn nhân bị phân biệt chủng tộc có thể tự bảo vệ chính họ.
Những thừa nhận của Mark Zuckerberg và Adam Mosseri cho thấy việc điều hành và kiểm soát nội dung trên những nền tảng mạng xã hội với hàng tỷ người dùng là điều không dễ dàng gì, nhất là khi Facebook và Instagram có lượng người dùng trải dài khắp các châu lục, tôn giáo... nên các vấn đề nhạy cảm, phân biệt chủng tộc là điều khó có thể tránh khỏi. Dù vậy, là người đứng đầu, Mark Zuckerberg vẫn là người phải chịu trách nhiệm cho việc không thể kiểm soát được các nội dung độc hại được lan truyền và phát tán trên sản phẩm của mình.
Theo Dân trí