Quang cảnh buổi diễn ra nghi lễ truyền giáo (phải) và các nhân viên phòng dịch lấy mẫu xét nghiệm các tín đồ tham dự (Ảnh: Sinchew). |
Số người Malaysia tham dự buỗi lễ này bị bệnh được xác nhận đã là 513, chiếm hơn 60% trong số 790 trường hợp được xác nhận bị COVID-19 trên toàn quốc, trong đó một người đàn ông 34 tuổi đã tử vong.
Cuộc tụ tập thực hiện nghi lễ truyền giáo của người theo đạo Islam này, được tổ chức từ ngày 27/2 đến ngày 1/3 tại thánh đường Jamek Mosque đã đưa Malaysia trở thành một “điểm nóng” mới về dịch bệnh COVID-19 ở châu Á. Toàn bộ cuộc tụ tập cầu nguyện này có sự tham gia của 16.000 người, trong đó có 1.500 người nước ngoài. Do có quá đông người tham gia, hiện không thể xác định được ai là người mang virus đến sự kiện, vì vậy rất khó khăn trong việc xác định nguồn lây nhiễm.
Theo một danh sách được lưu hành từ các trang mạng xã hội, những người tham gia cuộc tụ tập cầu nguyện này đến từ hàng chục quốc gia bao gồm Canada, Nigeria, Ấn Độ, Australia, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam..., bao gồm cả công dân từ hai quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề ở châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc. Truyền thông mô tả hàng ngàn tín đồ Hồi giáo đã ngồi cầu nguyện bên cạnh nhau và một số ảnh tự sướng của những người tham dự cho thấy họ đã dùng bữa chung với những người khác.
Thánh đường Jamek Mosque nơi diễn ra nghi lễ truyền giáo (Ảnh: Đông Phương).
|
Những người tham gia cầu nguyện đến từ Campuchia nói, họ ăn chung đồ ăn trong một cái bát, ngồi sát bên nhau và bắt tay nhau. Một người tham gia nói: “Tại buổi lễ lớn, mọi người từ nhiều quốc gia đều tay bắt mặt mừng. Khi tôi gặp ai đó, tôi cũng bắt tay, điều đó là bình thường. Tôi không biết mình bị nhiễm bệnh từ ai”. Ông đã được xác nhận lây bệnh hôm 16/3 sau khi được xét nghiệm.
Hai người tham gia cầu nguyện khác nói rằng không có vị chức sắc nào nói về việc rửa tay, việc bùng phát dịch COVID-19 và các biện pháp phòng ngừa khác trong buổi lễ.
Carlin, một người đàn ông địa phương 44 tuổi, tham dự cuộc cầu nguyện, cũng bị xác nhận bị lây nhiễm sau đó, cho rằng chính phủ lẽ ra nên hủy bỏ hoạt động này. Ông nói: “Chúng tôi rất thất vọng. Sau khi dịch bệnh bùng phát, mọi người đổ lỗi cho chúng tôi. Điều đó thật không công bằng. Khi đó, (chính phủ) không cấm chúng tôi tụ tập. Bây giờ tôi rất lo lắng vì tôi đã bị lây bệnh. Xin hãy cầu nguyện cho tôi”. Một nhà ngoại giao Singapore cũng chỉ trích trên các trang mạng xã hội việc chính phủ Malaysia cho phép tổ chức cuộc cầu nguyện là “vô trách nhiệm”.
Buổi lễ lớn với 16 ngàn người tham dự (Ảnh: Đông Phương).
|
Tuy nhiên, pháp sư Kuzai, một giáo viên tôn giáo 34 tuổi ở Kuala Lumpur, người cũng tham dự cuộc cầu nguyện nói rằng khi buổi lễ này được tổ chức, mới chỉ có 25 trường hợp được xác nhận bị COVID-19 ở Malaysia và tình hình không mấy nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng một số người đã tham dự cuộc cầu nguyện cho đến nay vẫn từ chối việc xét nghiệm virus Corona mới, mà chỉ lựa chọn tin theo số phận của họ, hy vọng rằng Đấng Tối cao sẽ ban phước lành và bảo vệ họ.
Được biết, chính phủ và những người tổ chức cuộc cầu nguyện đã từ chối bình luận và Nhà thờ Hồi giáo Jamek Mosque, nơi diễn ra buổi lễ đã bị đóng cửa và không thể liên lạc được nữa. Hiện nay, nhiều tín đồ Hồ giáo từ nhiều quốc gia ở Đông Nam Á bao gồm Brunei, Singapore, Campuchia, Thái Lan... tham dự cuộc cầu nguyện đã được xác nhận bị lây nhiễm COVID-19. Việt Nam cũng đã phát hiện có 2 người ở tỉnh Ninh Thuận bị lây bệnh qua cuộc tụ tập này là các bệnh nhân số 61 và 67.
Tối 16/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới, bắt đầu từ ngày 18 đến 31/3, để nỗ lực kiểm soát số ca lây nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đang tăng cao.
Thủ tướng Malaysia Yassin tuyên bố phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới từ ngày 18/3 (Ảnh: Sinchew).
|
Trong một bài phát biểu phát trực tiếp trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Yassin kêu gọi: “Tôi hy vọng mọi người sẽ bình tĩnh đối phó với thách thức này. Đừng hoảng loạn, đừng lo lắng và hãy bình tĩnh. Tôi tin rằng với những biện pháp này của chính phủ, chúng ta sẽ sớm có thể chống lại sự lây lan của dịch bệnh”.
Ông Yassin cũng kêu gọi người dân tuân thủ mệnh lệnh và cam kết thực phẩm và vật tư y tế bao gồm cả khẩu trang phòng dịch sẽ được cung cấp đầy đủ.
Lệnh phong tỏa của Malaysia đã chính thức có hiệu lực từ 18/3 và áp dụng với tất cả những người đang có mặt tại đất nước này. Theo đó sẽ cấm tập trung đông người, hoãn các hoạt động thể thao, giải trí và tôn giáo. Các cơ sở kinh doanh trên cả nước đều phải đóng cửa trừ siêu thị và các cửa hàng nhu yếu phẩm cần thiết. Mọi cơ sở giáo dục gồm các nhà trẻ, mẫu giáo, các trường tiểu học, trung học, các trường đại học, cả công lập và tư nhân cùng các cơ sở đào tạo nghề, đều tạm dừng hoạt động. Tất cả cơ sở chính phủ và tư nhân đều đóng cửa, trừ những dịch vụ thiết yếu với xã hội như điện, nước, năng lượng, viễn thông, vận tải, phát thanh truyền hình, tài chính, an ninh và y tế.
Ngoài ra, các nhà thờ Hồi giáo tại Malaysia cũng sẽ tạm dừng hoạt động cầu nguyện. Các công dân nước này buộc phải kiểm tra y tế và tự cách ly 14 ngày nếu từ nước ngoài trở về; lệnh hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch đến Malaysia cũng được ban hành.