Theo đài truyền hình KCNA, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp theo dõi và chỉ đạo cuộc phóng thử nghiệm này. Chủ tịch Kim nhấn mạnh, quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã kết thúc thắng lợi.
Ngày 30.11.2017 tại New York diễn ra cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ, thảo luận những biện pháp nhằm gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Các chuyên gia tin rằng, mọi biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên đều vô nghĩa. Washington hiểu rất rõ rằng: Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng tên lửa.
Đêm ngày 29.11.2017, Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới, được gọi là Hwasong-15. Những thông số được phía Bình Những tuyên bố cho thấy, tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân đến tối thiểu một nửa lãnh thổ Mỹ và hoàn toàn có khả năng đặt Mỹ vào vùng tấn công hiệu quả của tên lửa hạt nhân chiến lược này.
Quả tên lửa thử nghiệm được phóng lên vào hồi 02:47 giờ địa phương, Theo tuyên bố của Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, tên lửa bay khoảng 53 phút, đạt độ cao khoảng 4.475 km, tầm xa 960 km từ điểm phóng, rơi xuống vùng nước đặc quyền kinh tế Nhật Bản, cách bờ biển phía bắc quận Aomori 230 km. Cùng với vụ phóng tên lửa này còn có một số vụ phóng tên lửa khác, nhưng đó là những tên lửa tầm ngắn, không gây được sự chú ý của thế giới.
Khởi điểm ban đầu, các chuyên gia tên lửa cho rằng, Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong - 14. Nhưng quỹ đạo đường đạn cho thấy, hoàn toàn có khả năng Triều Tiên đang thử nghiệm một tên lửa hoàn toàn mới.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Những vấn đề địa chính trị Nga, tiến sĩ Khoa học Quân sự Konstantin Sivkov khẳng định, CHDCND Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa mới nhằm mục đích cảnh báo Mỹ, châu Âu và Úc. Tên lửa này không nhằm đe dọa các nước láng giềng.
Theo ông: "Khi bay theo quỹ đạo tối ưu, tên lửa này có thể đạt đến phạm vi tầm bắn là 12.000 km. Điều đó có nghĩa là, toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của Triều Tiên. Vũ khí này không gây nguy hiểm trực tiếp cho các nước láng giềng do có vùng chết rất lớn, đạt đến 2.500 km. Khu vực này bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hwasong - 14, được thử nghiệm 2 lần, ngày 04 và 28.07. 2017, cũng là những tên lửa đạn đạn ICBM, nhưng có tầm bắn gần hơn. Ngày 04.07, tên lửa đạt độ cao 2.800 km, khoảng cách từ điểm phóng đạt 933 km. Ngày 28.07, tên lửa chỉ đạt độ cao 2.300 km, tầm bắn 1.000 km.
Như vậy, với Hwasong – 14 khi bắn trên quỹ đạo tối ưu sẽ đạt được khoảng cách 5.600–5.800 km đến 6.700–8.000 km. Trong cả 2 trường hợp Hwasong – 14 xa nhất là đến Alaska, gần hơn là đến Hawaii và Seattle.
Những tính toán này đã được khẳng định bởi hoạt động của những cơ quan phòng thủ dân sự trên quần đảo Hawaii mùa hè năm 2017. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh lạnh, người Mỹ bắt đầu kiểm tra hệ thống còi báo động và cung cấp cho mọi người những hướng dẫn hành động khi diễn ra cuộc tấn công hạt nhân.
Nhưng thông số kỹ thuật của tên lửa, tạm gọi là Hwasong – 15 cho thấy một sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ tên lửa Triều Tiên, mặc dù các chuyên gia tên lửa phương Tây đưa ra những dự đoán hoặc là khá hoài nghi, hoặc kích động, ví dụ như có thể đây chỉ là một phiên bản Hwasong – 14 nâng cấp tăng tầm, hoặc là đã tháo bỏ đầu đạn để có thể bay được cao hơn, nhưng trên cơ sở những gì đạt được, có thể dự kiến Hwasong -15 có tầm bắn gần nhất là 10.000 km, tầm bắn xa nhất là 13.000 km.
Điều đó có nghĩa là tên lửa thừa khả năng tấn công một nửa lãnh thổ nước Mỹ, từ phía bắc đến phía tây theo trục thành phố Detroit đến Oklahoma. Trong điều kiện tốt hơn là toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, bao gồm cả vùng bờ biển Đại Tây Dương.
Trong phạm vi tấn công tối thiểu tên lửa ICBM Triều Tiên, không chỉ là các thành phố khổng lồ của Mỹ, mà còn là một phần quan trọng các căn cứ quân sự của các lực lượng chiến lược Mỹ nằm trong tầm bắn. Ngay cả những tính toán hoài nghi nhất cũng buộc phải thừa nhận, Hwasong -15 có thể tấn công căn cứ Kitsap thuộc bang Washington, khu vực đồn trú thường xuyên của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio. Tệ hơn là tất cả các căn cứ hải quân Mỹ trên bờ biển Thái Bình Dương, bao gồm cả San Diego đều nằm trong khu vực bị tấn công.
Trong vùng tấn công của ICBM Hwasong -15 là ba căn cứ tên lửa liên lục địa phóng từ hầm ngầm Minuteman III, triển khai tại các bang Wyoming, Montana và North Dakota. Như vậy, bằng cuộc thử nghiệm tên lửa này, CHDCND Triều Tiên đã chứng minh được khả năng không chỉ tiến hành các cuộc phản kích (bằng tên lửa ICBM) vào các thành phố lớn của Mỹ mà còn có thể đánh tê liệt các lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ trong điều kiện khởi đầu một cuộc tấn công.
Tất nhiên, với những thành tựu lớn về công nghệ tên lửa – mặc dù các nhà bình luận phương Tây đề cập đến khả năng số lượng ít ỏi tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cũng như khả năng đưa đầu đạn hạt nhân vào trong tên lửa, ngay cả chính quyền của tổng thống Donald Trump sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi tiến hành một hoạt động quân sự nào đó để thực hiện cái gọi là “bão lửa và sự thịnh nộ” như ông đã tuyên bố. Quốc hội và người dân Mỹ hoàn toàn không thể yên tâm khi đặt mạng sống của hàng triệu người dân vào tuyên bố về cái gọi là “Hwasong -15 - công cụ tuyên tuyền duy nhất của Bình Nhưỡng” nếu bùng phát xung đột.