Lục tìm trong Minh Thực Lục - Kỳ V: Lấp liếm, giả nhân, giả nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi Giao Chỉ hoàn toàn rơi vào tay giặc Minh, ngày 5 tháng 7 năm 1407 dương lịch, Minh thành tổ, vị vua thứ 3 nhà Minh ra ngay một chiếu chỉ...
Khảo cổ thành Xương Giang.
Khảo cổ thành Xương Giang.

Nhân An Nam được bình định nay ban chiếu cho thiên hạ biết

An nam vốn là đất cũ Giao Châu đã được đặt làm quân, huyện của Trung Quốc. Một thời bị luân lạc vào tập tục Man Di. Nay được dịp đáng được quét sạch ô uế lập lại quận huyện để dân được canh tân, Trẫm xét lòng dân chấp thuận lời thỉnh cầu cho đặt Ty Đô sứ Giao Chỉ, các Ty Bố chính sứ Thừa tuyên Giao Chỉ, Ty Án sát đề hình Giao Chỉ cùng các nha lại quân dân. Đặt quan chức cai trị để mở mang làm sạch yêu khí biến đổi phong tục nước man dã.

Trong nước An nam đối với kẻ cao tuổi đức lớn quan chức phải theo lễ ưu đãi. Đối với những người quan quả cô độc không nơi nương tựa thì lập viện cứu tế chẩn cấp.

Ô hô! Dương uy vũ không phải lòng ta mong muốn, diệt kẻ đứng đầu tội ác là do quần chúng đồng tình, thi hành cư xử rộng rãi cùng một lòng nhân để vĩnh viễn vui thú cảnh thái bình.

(Minh Thực Lục, NXB Hanoi Tập I Trg 207, 208)

Mồm miệng, chiếu chỉ thì nhân nghĩa thống thiết là vậy. Nhưng ngay sau đó lại có lệnh khác từ vua Minh.

Sắc dụ quan Tổng binh Thành hầu Trương Phụ, Tả tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh Thượng thư bộ binh Lưu Tuấn rằng.

Đất Giao Chỉ có nhiều người tài đức song toàn ẩn dật tại núi rừng rành kinh điển văn hay học rộng có tài hiền lương đứng đầu, nông dân hiếu đễ thông minh chính trực, kẻ thư lại có khả năng được việc thông thạo sách vở, người tập luyện binh pháp vũ nghệ trí mưu, dũng mạo khôi ngô cao lớn ăn nói lưu loát có sức vóc dũng cảm, kẻ biết thuật số âm dương rành y dược chẩn mạch. Hãy hỏi han tìm cho kỳ được dùng lễ sai khiến để mang về Kinh dùng.

(Minh Thực Lục, NXB Hanoi Tập I. trg 226)

Lệnh vua phát, ban ngày 21 tháng 6 tức ngày 25 tháng 7 năm 1407 và chỉ ít tháng sau, Tổng binh Giao Chỉ Trương Phụ cùng thuộc hạ đã nhanh nhẩu thực thi rất hiệu quả chính sách tàn bạo.

Ngày Đinh Hợi (ngày 7 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 - tức ngày 6-11- 1407) quan Tổng binh Giao Chỉ Trương Phụ tâu rằng đã thăm hỏi khắp các quân huyện Giao Chỉ để cử những người tài đức rành kinh điển giỏi văn chương học rộng tài cao thông minh chính trực lực điền hiếu đễ hiền lương đoan chính thông thạo việc quan hiểu rành binh pháp và tài nghệ các mặt gồm 9.000 người đang lục tục đến kinh đô. (Minh Thực Lục, NXB Hanoi, Tập I Trg. 237)

Minh Thực Lục không chép, hoặc chép sơ sài hoặc là ẩn tránh đi những chiếu dụ thực thi chính sách bạo tàn tận diệt văn hóa Đại Việt. Chúng tôi xin trích dẫn công trình nghiên cứu của học giả Nguyễn Huệ Chi Cuộc kháng chiên chống quân xâm lược Minh… Trong đó học giả Huệ Chi đã dẫn sách sử của chính Trung Hoa là Việt Kiệu thư.

Trong sắc chỉ 10 điều của Minh Thành Tổ gửi Tổng binh Chu Năng, bên cạnh những điều căn dặn tỉ mỉ về cách chế ngự “hoả khí” lợi hại của cha con họ Hồ, về việc tịch thu sổ sách kê khai nhân khẩu và ruộng đất, hoặc đập phá cột đồng trụ,... còn một điều đặc biệt hơn mọi điều kia: Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại [sách] ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ…một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn

Rồi trận đánh hoành tráng hào sảng của nghĩa quân Lam Sơn và cuộc thua nhục nhã của quân Minh, Liễu Thăng bị chém đầu thượng thư Hoằng Phúc trói tay để tự xin hàng, được trong Minh Thực Lục chỉ vài dòng qua quýt và đầy hơi hướng sĩ diện giả dối từ người đứng đầu thiên triều.

Xin bạn đọc thưởng lãm cái đoạn kịch tính trong Minh Thực Lục.

… Ngày hôm nay Thượng thư bộ Công Hoằng Phúc người phụ trách Ty Bố chính Giao chỉ về tới Long Châu (Lê Lợi tha cho về - NV)

Sau khi Liễu Thăng bị giết, Phúc vội vã quay về. Khi đến ải Chi Lăng Phúc bị quân phòng thủ Lê Lợi bắt. Phúc muốn tự tử nhưng quân phòng thủ quỳ lạy trước mặt Phúc hết sức can ngăn.

Thưa ngài, ngài là cha mẹ của dân Giao, dân Giao nghển cổ trông ngóng cha mẹ sao ngài lại tự sát.

Lê Lợi được tin này bèn nói, Triều đình sai người đến cai trị Giao Chỉ. Nếu tất cả mọi người đều như Thượng thư Hoàng thì dân được sống yên không cần phải binh đao.

Lê Lợi (nguyên bản là Y) lập tức sai người đến bảo vệ Phúc, đối đãi hậu lễ và nói rằng.

Sẽ đưa ngài trở về triều đình ngay!

Sau đó sai viên đầu mục Nguyễn Phu dùng lễ đưa Hoằng Phúc sang biên cảnh!

(Minh Thực Lục. NXB Hanoi, Tập II. Trg, 184).

Ải Chi Lăng.

Ải Chi Lăng.

Dám chắc bạn đọc nước Nam không khỏi phì cười trước những lời lẽ ngô nghê sai lạc sĩ diện kiểu nói lấy được bất chấp sự thật lịch sử ấy! Nghĩa quân Lam Sơn phục kích ải Chi Lăng của Lê Lợi đợi giặc mà lại quỳ lạy trước đầu sỏ của tướng giặc gọi hắn là cha mẹ dân mình như vậy sao? May sao đã có những trang của chính sử nước nhà là cuốn Toàn Thư miêu tả khá chi tiết trận Hoàng Phúc đầu hàng ở trận Xương Giang và những dòng khoát đạt trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi Đô đốc Thôi Tụ lê gối xin dâng tờ tạ tội/Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.

Bình tâm chút thôi, có thể lấy ra trong Minh thực lục những thứ ngụy tạo trí trá ấy!

Cũng cần nhắc lại sự thật lịch sử. Thành Xương Giang do nhà Minh lập ra năm 1420. Toàn bộ khu vực thành rộng 26ha. Chân thành xây bằng đá hộc, gạch vồ rộng 16m. Tường thành đắp đất dày, bề mặt thành rộng 6- 7m. Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện binh oanh liệt ngày 3/11/1427, đập tan hơn hàng vạn viện binh của quân Minh. Từ cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành hãm thành Xương Giang, tướng Trần Nguyên Hãn được bổ sung để chỉ huy các đợt công thành. Ông đã cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào trong thành, rồi tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của toán quân đã lọt được vào nội thành giặc. Đến ngày 28/9/1427, sau hơn 9 tháng vây hãm, thành Xương Giang bị hạ, 10 ngày trước khi viện binh của giặc Minh kéo vào nước ta.

Từ Đông Quan, tướng giặc là Hoàng Phúc và Thôi Tụ đã vội vàng thu thập quân lương tiến về Xương Giang trong khi chưa biết thành đã bị hạ. Giữa cánh đồng Xương Giang, giặc Minh bị bao vây chặt bốn bề buộc chúng tiến thoái lưỡng nan. Ngày 3/11/1427, quân Lam Sơn tổ chức đợt tổng tấn công. Sau một ngày chiến đấu, nghĩa quân đã giành được thắng lợi giòn giã, bắt sống tại trận Thôi Tụ, Hoàng Phúc.

Kết quả này là một trong những nhân tố quan trọng khiến Vương Thông ở thành Đông Quan phải chấp nhận nghị hòa. Ngày 22/11/1427, Lê Lợi cùng Tổng binh Vương Thông mở hội thề ở thành Đông Đô. Ngày 22/12/1427, quân Minh rút quân về nước.

Sự thật là vậy. Chỉ có một. Nói như khẩu khí người phát ngôn thời nay là không thể bàn cãi!

Còn tiếp...