Câu này có nghĩa là Kinh lộ phần nhiều theo giặc làm phản (Kinh lộ dùng để chỉ vùng mênh mông châu thổ sông Hồng giàu có nhân tài vật lực).
Người đầu hàng, hợp tác với quân Minh rất nhiều, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng, đến nỗi Toàn Thư phải than thở số người sang Minh trình diện khiến cả nước hầu như trống rỗng.
Trong khi bộ chính sử Đại Việt sử ký Toàn thư (Toàn thư) chỉ chép sơ sài về nạn Việt gian nhưng trong Minh Thực lục thì lại khác. Khá bất ngờ đã phát lộ bọn người làm phản và đám gián điệp Việt gian này với nhiều chuyện cùng chi tiết cụ thể. Chính sách chiêu hồi của giặc Minh đã phát tác nhiều hệ lụy, bi kịch.
Về những người đầu hàng nhà Minh, đầu sổ là nhóm họ Mạc. Đứng đầu là Mạc Thúy người làng Long Động, châu Nam Sách, phủ Lạng Giang (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).
Theo Lê Quý Đôn trong Đại Việt Thông Sử, Mạc Thúy là cao tổ của Mạc Đăng Dung ( người sáng lập triều Mạc sau này, năm 1527.)
Mạc Thúy đã khiến Minh Thực lục tốn nhiều bút mực do có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xâm lược Giao Chỉ của thiên triều.
Minh Thực lục ghi rõ, ngày 24 tháng 11 năm 1406 ghi nhận việc Mạc Thúy đầu hàng và hành trạng làm điệp báo. Y cúc cung tâu bẩm cung cách bố phòng trận địa của quân Hồ Quý Ly.
Các quận sông Tuyên, sông Thao, sông Đà, sông Phú Lương. Đường huyết mạch từ phủ Tam Giang, qua bờ phía nam sông Đà, núi Tản Viên, đến phía nam sông Phú Lương, qua sông Ninh đi sang phía đông đồn trại nối tiếp liên hoàn dài hơn 900 dặm; bắt hết dân các châu tại Giang Bắc trên 200 vạn, gồm nam phụ lão ấu vào, để trợ thanh thế. Phía nam sông Phú Lương đều đóng cọc gỗ để đề phòng công kích. Giặc phòng bị nghiêm nhặt tại Đông Đô, thường bày voi trận, lính tráng dọc thành; rêu rao đông đến 700 vạn.” (Minh Thực Lục, NXB Hà Nội Tập I. Trg.191)
Điều kỳ lạ là quân Minh mới đến còn dò dẫm địa hình nhưng đã mau chóng chủ động tiêu diệt các đạo quân Hồ và một số đồn binh ở các sông hiểm yếu bởi nhờ vào thông tin trinh sát tâu bẩm của Mạc Thúy!
Giữa tháng 1 năm 1407, Trương Phụ và Mộc Thạnh tấn công thành Đa Bang. Nhờ vào thông tin của Mạc Thúy mà kỵ binh Minh dưới quyền Tướng Chu Quảng đã có những tấm vải vẽ hình cọp để dọa voi Đại Ngu. Kế sách và bí quyết giản đơn ấy mà quân Minh tràn vào Đa Bang rồi tiến chiếm Đông đô.
Hạ tuần tháng 1 năm 1407, Hồ Nguyên Trừng phản công trên sông Lỗ nhưng đại bại. Nói về trận phản công này, ghi chép ngày 26 tháng 1 năm 1407 của Minh Thực lục như sau:
Giặc (quân Hồ - NV) nghe tin thành Đa Bang bị chiếm, bèn đốt phá cung thất kho tàng tại đây, rồi chạy ra biển. Bọn giặc dựa vào vùng đất tại núi Thiên Kiện, đưa quân từ sông Sinh Quyết, Đàm Xá đánh vào quân ta. Quan Tổng binh Trương Phụ sai Đô đốc Hoàng Trung mấy lần đánh bại giặc. Do vậy các huyện của hai châu Tuyên Giang, Thao Giang thuộc lộ Tam Giang lần lượt đến cửa quân xin hàng. (Minh Thực lục, NXB Hanoi Tập I. Trg. 198)
Phối hợp với chính sách tái lập nhà Trần của vua Minh, chính Mạc Thúy đã kích động phong trào quay lưng lại với họ Hồ tại trung châu. Khi đồng bằng sông Hồng trù phú, giàu nhân lực ngảnh mặt, thậm chí chống lại, vận mệnh triều Hồ xem như đã được định đoạt.
Riêng cánh quân phía đông bắc của Hồ Đỗ, Hồ Xạ cũng phải rút lui sau trận quyết chiến với Vương Hữu và Liễu Tông. Toàn thư chỉ viết vắn tắt việc Đỗ, Xạ rút bỏ Bình Than về hợp binh với Hồ Nguyên Trừng ở cửa Muộn. Nhưng nếu không có Minh Thực lục miêu tả trận đánh tại vùng này thì hậu thế không thể biết được đây là trận mang yếu tố quyết định nhất của chiến dịch chinh Nam do Trương Phụ cầm đầu.
Ghi chép ngày 8 tháng 2 năm 1407 trong Minh Thực lục.
Chém 37.390 thủ cấp, bắt giết Đoàn phó là Đinh Bộ Khúc, giặc (quân nhà Hồ, NV) tan rã. Tướng giặc Hồ Đỗ, tụ thuyền tại sông Bình Than thua chạy đến sông cửa Muộn, tịch thu hết thuyền bè.
Hiệu quả giết chóc rất lớn. Quân chính quy nhà Hồ bị bật gốc kéo theo sự sụp đổ của hệ thống cai trị. Minh Thực lục ghi chép tỷ mỉ tin tình báo về hoạt động quân Hồ do Mạc Thủy và bè đảng cung cấp. Người Minh ghi lại tên các tướng Hồ hi sinh mà sử Việt đã bỏ qua.
Ngày 17 tháng 4 năm 1407, Mạc Thúy, Doãn Bái và nhóm bô lão 1.120 người từ Bắc Giang và các phủ khác, từ An Việt và các huyện khác đến gặp chỉ huy quân Minh. Nguyên văn phát biểu của Mạc Thúy.
“ An Nam vốn là đất cũ của Trung Quốc, sau đó bị chôn vùi vào tục Man Di, không được nghe dạy dỗ lễ nghĩa. Nay may mắn được Thánh triều tảo trừ hung nghiệt hân hạnh không kể xiết; xin được duy trì trở lại quận huyện cũ, ngõ hầu sửa đổi tục man di, vĩnh viễn thấm nhuần thánh hóa.” (Minh Thực lục, NXB Hanoi, Tập I Trg 201)
Một nhân vật Việt gian lợi hại nữa là Bùi Bá Kỳ.
Trong cuốn Thơ văn Lý Trần tập 3 (NXB Khoa học xã hội, 1978 do Đào Phương Bình, Trần Lê Sáng, Nguyễn Đức Vân… dịch) trang 669, người viết bài này đã gặp bài thơ Thướng Minh đế thi (Thơ dâng lên vua nhà Minh) gồm 2 bài (kỳ nhất, kỳ nhị) của Bùi Bá Kỳ lời lẽ ý tứ cũng thường thường. Bài thướng thư đế Minh được trích từ Toàn thư.
Bây giờ giở Minh Thực lục, bất ngờ thấy nội dung cả hai bài thơ của Bùi Bá Kỳ được các nhà chép sử nhà Minh chế biến thành… văn xuôi và gộp lại cả trong Cáo nạn biểu! Khá khen cho sử quan nhà Minh, ý chừng cảm thấy thể thơ đường luật ở dạng… thẩn ấy nên đã mạnh tay biên tập?!
“Cáo nạn biểu” (tờ biểu cáo nạn) viết gì?
Lời lẽ trong cáo nạn biểu đến tay vua Minh đã được trau chuốt lại bởi đám quan văn ở Kim Lăng? Xin trích.
Bồi thần An Nam là Bùi Bá Kỳ xin cáo cấp.
“Gia đình thần đời đời thờ họ Trần nước An Nam, cha ông thần là quan Đại phu, chết vì việc nước. Mẹ thần thuộc dòng thân cận tôn thất họ Trần.
Mới đây nghe tin Hoàng thượng lên ngôi báu, mở mang sự cai trị ra muôn nơi, nên muốn được phơi bày gan ruột…
Trải qua nhiều gian nan nguy hiểm, đến được biên giới. Giả mạo cùng với lái buôn khiêng vác hàng hóa, tháng 4 năm nay đến phủ Tư Minh, Quảng Tây. Được quan ty đưa đón và may mắn được chiêm bái Hoàng thượng.
… Thần trong lòng khích động vì điều nghĩa, mạo muội tâu lên Thiên tử xin ban rộng lòng nhân. Thần tình nguyện cầm cung nỏ đi dẫn đường biểu dương uy trời, Được như vậy ắt nơi phiên di xa xôi này rất đội ơn thánh đức, cung kính triều cống, vĩnh viễn làm phiên dậu bên ngoài. Kính xin bệ hạ thương xót”.
Chuyện chưa dừng ở đấy.
Sau đó chưa đến một tháng, gia nô cũ của Trần Tông, một hào trưởng vùng biên giới Chiêm Thành, xưng tên Trần Thiêm Bình (Minh Thực Lục ghi là Trần Thiên Bình), mạo danh là cháu nội Trần Nghệ Tông đến Kim Lăng qua ngõ Lão Qua-Vân Nam cũng để xin binh phạt Hồ.
Tháng 5/1406 vua Minh Thành Tổ cử Tổng Đốc Quảng Tây là Hàn Quang làm tướng quân cùng Hoàng Trung làm phó tướng chỉ huy 5 vạn quân hộ tống Việt gian Trần Thiêm Bình qua ngả Ải Chi Lăng để làm cái việc cõng rắn cắn gà nhà. Thiêm Bình trước đó cho rằng chỉ 5.000 quân Minh hộ tống là đủ không cần đến 5 vạn để họ Hồ qui phục vì dân chúng sẽ tự động nổi lên!?
Khi đội quân áp tải Thiêm Bình về làm vua Giao Chỉ bị thất bại (năm 1406) hoàng đế Minh mới dùng lại Bá Kỳ, cho theo quân đội viễn chinh về Nam, ban cấp đai mão.Cánh quân của Việt gian Trần Thiêm Bình cờ rong trống mở rầm rộ qua Ải Chi Lăng (thời đó có tên là Kê Lăng) Trấn giữ cửa Ải khi ấy là tướng Hồ Xạ. chỉ huy quân Thánh Dực của nhà Hồ đã dùng phục binh và dựa thế hiểm yếu của cửa Ải đã tung quân đánh cho giặc Minh một trận thất điên bát đảo. Tướng Minh là Tiết Nham bị giết. Tướng Hoàng Trung không sao thoát ra được khỏi cửa ải đành viết thư xin hàng và xin giao nộp tên Việt gian Trần Thiêm Bình!
Minh Thực lục chép, ngày 18 tháng 5 năm Vĩnh Lạc IV (4/6/1406) : Ban mũ và dây đai cho người An Nam đã quy phụ là Bùi Bá Kỳ. Mệnh theo đại quân Nam chinh.
Trở lại tên Việt gian Mạc Thúy, cũng cần nói thêm, thời gian ở Kim Lăng ngoài quà thưởng bằng bạc, tiền giấy và lụa, Vua Minh còn đặc biệt tặng nhóm bầy tôi của Mạc Thúy một bài thơ do chính vua sáng tác. Vinh dự cho họ Mạc như thế là tột đỉnh theo quan niệm Trung Hoa.
Nhưng sự nghiệp phục vụ Đại Minh của Mạc Thúy không kéo dài được lâu. Không thấy Minh Thực lục chép gì về số phận tên Việt gian bán nước Mạc Thúy. Nhưng Theo Toàn Thư, Mạc Thúy chết trong cuộc hành quân đánh dẹp Nông Văn Lịch, thủ lĩnh nhóm người nói tiếng Thái ở Lạng Sơn.
Nông văn Lịch ở Lạng Sơn tụ tập quân lính chiếm giữ đất ấy, chẹn lấp đường đi lại của người Minh, giết bắt vô số. Tham chính Mạc Thúy từng đem quân tiến sâu vào đất ấy, bị trúng tên thuốc độc mà chết.
Như vậy, Mạc Thúy chết khoảng cuối năm 1411 hoặc đầu năm 1412.
Còn tiếp...
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu