Luật Hải cảnh (Kỳ 1): "Cuộc chiến không khói súng" của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trao đổi riêng với VietTimes, Giáo sư Carl Thayer cho rằng tác động của Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là nguy hiểm đối với cục diện Biển Đông hiện nay và là vỏ bọc pháp lý để sử dụng vũ lực.

Trong vài năm qua, đã có nhiều căng thẳng và đụng độ xảy ra trên Biển Đông giữa lực lượng này với các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Trong vài năm qua, đã có nhiều căng thẳng và đụng độ xảy ra trên Biển Đông giữa lực lượng này với các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Trao đổi với VietTimes, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng đây là một bước đi nguy hiểm mới của Bắc Kinh trong cuộc chiến giành quyền độc chiếm Biển Đông, đặt điểm nóng này vào nguy cơ xảy ra xung đột.

Bước leo thang trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông

Theo ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Hoa Kỳ), quy định này thực ra không phải là điều bất thường vì các lực lượng hải cảnh của hầu hết các nước trên thế giới cũng đều được phép sử dụng vũ lực trong vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

Vấn đề của luật này là ở chỗ nó bao trùm lên tất cả các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, có nghĩa là toàn bộ Biển Đông, vốn hoàn toàn phi pháp.

Chuyên gia Greg Poling thực sự lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) được hợp pháp hoá quyền sử dụng vũ khí. Ảnh: CSIS

Chuyên gia Greg Poling thực sự lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) được hợp pháp hoá quyền sử dụng vũ khí. Ảnh: CSIS

“Các quy tắc mới được áp dụng cho vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, nhưng như cách hành xử lâu nay, Bắc Kinh né tránh mô tả chi tiết các vùng biển nào.

Nói cách khác, từ đó, các “tàu chấp pháp” của Trung Quốc sẽ được sử dụng vũ khí ở bất cứ khu vực nào, vào bất cứ lúc nào mà họ cho là cần thiết, như ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, rồi sau đó lại tự biện minh để hợp thức hóa hành động”, ông Poling giải thích với VietTimes.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng tác động của Luật Hải cảnh mới khá nguy hiểm đối với cục diện Biển Đông hiện nay bởi Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực nằm trong đường chín đoạn, ngang nhiên đi ngược lại với luật pháp quốc tế.

Đường chín đoạn này bao trọn toàn bộ các đảo và bãi đá trên Biển Đông hiện nay đang nằm dưới sự quản lý của Việt Nam, Philippines và Malaysia, cũng như đối với Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Với bộ luật này, Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) được trao quyền sử dụng vũ lực để trục xuất các tàu quân sự nước ngoài, phá huỷ các công trình do những nước này xây dựng hàng thập niên trước. Luật thậm chí còn cho phép CCG ngăn chặn việc sửa chữa hay xây mới các cơ sở, bắt giữ và thẩm vấn các thuyền viên.

Lâu nay, Trung Quốc khá thận trọng tránh sử dụng các tàu quân sự thân xám của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Thay vì thế, Bắc Kinh thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền biển thông qua lực lượng tàu hải giám thân trắng, tàu đánh cá có vũ trang của lực lượng dân quân biển và ngư dân.

Trong vài năm qua, đã có nhiều căng thẳng và đụng độ xảy ra trên Biển Đông giữa lực lượng này với các tàu chấp pháp của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia.

“Bộ luật Hải cảnh mới cung cấp vỏ bọc pháp lý cho lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực và phá huỷ các công trình của các nước xây dựng trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc quyền tài phán của mình.

Do các tàu của CCG lớn hơn và được vũ trang tốt hơn, Bắc Kinh hi vọng sẽ đẩy lùi được các tàu chấp pháp của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng muốn tạo cơ sở pháp lý để biện minh cho hành động sử dụng vũ lực khi cần của mình”, Giáo sư Thayer nói với VietTimes.

Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng tác động của Luật Hải cảnh mới khá nguy hiểm đối với cục diện Biển Đông hiện nay. Ảnh: NVCC

Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng tác động của Luật Hải cảnh mới khá nguy hiểm đối với cục diện Biển Đông hiện nay. Ảnh: NVCC

Luật Hải cảnh mới là một minh chứng điển hình cho cái gọi là cuộc chiến tranh pháp lý mà Trung Quốc theo đuổi ở Biển Đông. Kể từ năm 2003, Trung Quốc bắt đầu khởi động “ba cuộc chiến” – cuộc chiến về mặt công luận, cuộc chiến tâm lý và cuộc chiến pháp lý để bảo vệ cái họ gọi là “lợi ích quốc gia”.

“Bắc Kinh đã và sẽ liên tục điều chỉnh các luật quốc nội để tăng cường cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên Biển Đông. Thời điểm thông qua bộ luật này có thể được giải thích bởi sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông suốt từ năm 2019 đến nay, điển hình là cuộc đối đầu với Việt Nam ở Bãi Tư Chính và với Malaysia ở bãi cạn Luconia vào năm 2020”, Giáo sư Carl Thayer nhận xét.

Rủi ro bạo lực từ những “hung thần” trên Biển Đông

Dành nhiều năm theo dõi và nghiên cứu các hoạt động của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc trên Biển Đông, chuyên gia Greg Poling thực sự lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột bạo lực khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) được hợp pháp hoá quyền sử dụng vũ khí.

Theo Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS (Hoa Kỳ), trong vài năm trở lại đây, các tàu hải giám hiện diện liên tục và dày đặc ở Biển Đông, can thiệp trắng trợn vào các hoạt động hợp pháp của các nước tuyên bố chủ quyền khác cũng như gây sức ép lên các lực lượng chấp pháp đang đồn trú trên các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.

Tháng 5 năm 2019, tàu hải giám Trung Quốc đã quấy nhiễu suốt hai tuần quanh giàn khoan của công ty Shell ở bãi cạn Luconia, thuộc chủ quyền của Malaysia.

Đối với Việt Nam, các hoạt động quấy nhiễu của CCG thậm chí còn leo thang lên một mức mới. Sau khi rời vùng biển Malaysia vào cuối tháng 5 năm 2019, tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng biển Việt Nam và bắt đầu khiêu khích các tàu chấp pháp Việt Nam trong suốt một tháng.

“Bắc Kinh đã và sẽ liên tục điều chỉnh các luật quốc nội để tăng cường cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên Biển Đông. Ảnh: ngư dân cung cấp

“Bắc Kinh đã và sẽ liên tục điều chỉnh các luật quốc nội để tăng cường cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên Biển Đông. Ảnh: ngư dân cung cấp

Giữa tháng 6, tàu hải giám Trung Quốc quấy nhiễu giàn khoan của công ty Rosneft (Nga) đang tiến hành thăm dò giếng khoan mới ở tây bắc bãi Tư Chính. Sử dụng cách thức tương tự như đối với Malaysia, các tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên tiếp cận giàn khoan và đáng lo ngại hơn khi thường xuyên tiến sát một cách mất an toàn quanh các tàu chở dầu, khí chạy giữa Vũng Tàu và giàn khoan này.

“Xét bối cảnh các tàu hải giám Trung Quốc đã hành xử hết sức hung hăng với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, như cố tình đâm vào tàu thuyền và gây nguy cơ đụng độ trong thời gian qua, Luật Hải cảnh mới thực chất chỉ trao thêm cho họ một công cụ nữa trong trò chơi cưỡng ép, đe doạ và bắt nạt ở Biển Đông”, ông Poling giải thích.

Đối với ngư dân của các nước trong khu vực, giờ đây họ sẽ phải đương đầu với mối đe doạ thường trực rằng các tàu Trung Quốc có thể nổ súng nhằm vào họ ngay cả khi họ đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia mình.

Thậm chí, ngay cả các tàu quân sự của các nước này cũng có thể bị tấn công khi đang thực thi những nhiệm vụ bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của mình.

Hậu quả là, ngư dân, các công ty thăm dò và khai thác dầu khí, vì e sợ nguy cơ bạo lực, có thể bắt đầu tránh xa những khu vực mà họ biết tàu Trung Quốc đang hoạt động. Cuối cùng, sẽ chỉ có các tàu chấp pháp của các nước có tuyên bố chủ quyền còn hoạt động ở các khu vực này. Và họ sẽ bị bao vây bởi các tàu Trung Quốc.

Các hòn đảo và bãi đá mà các nước này đang nắm giữ cũng sẽ bị bao vây bởi các tàu Trung Quốc có thể nổ súng bất kì lúc nào. Đó sẽ là một viễn cảnh vô cùng tồi tệ, ông Poling cảnh báo.

Cuộc chiến không khói súng?

Phó Đô đốc Yoji Koda, nguyên Tổng tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, cho biết đối với Việt Nam, cũng như Nhật Bản, tình huống nguy hiểm nhất không phải là việc Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí như luật này cho phép. Thay vào đó, việc Trung Quốc sử dụng luật pháp như một yếu tố chính trong “cuộc chiến pháp lý” để mở rộng lãnh thổ của mình một cách “hòa bình” mới là vấn đề thực sự.

Ông Koda lấy ví dụ: Khi có một cuộc đối đầu trực diện giữa các tàu tuần duyên Việt Nam và tàu hải giám Trung Quốc. Nếu tàu Việt Nam, dù miễn cưỡng, rút lui khỏi khu vực đó, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể gửi quân đến chiếm đóng một cách “hoà bình” bãi ngầm tranh chấp lâu nay mà không cần phải sử dụng vũ khí hay lực lượng quân sự. Nhờ vậy, Trung Quốc thực hiện được các mục tiêu quốc gia của mình.

“Những gì Trung Quốc muốn làm là biến luật pháp trong nước trở thành một công cụ để giải quyết các tranh chấp quốc tế có lợi cho mình, nhờ đó, xác lập các mục tiêu quốc gia của Bắc Kinh”.

Tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm trên biển Đông. Ảnh ngư dân cung cấp.

Tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm trên biển Đông. Ảnh ngư dân cung cấp.

Colin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cũng đưa ra lập luận tương tự.

Theo ông Koh, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc giống như một sự cảnh cáo đầy ngụ ý đối với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông khi tìm cách thách thức các hành động của Trung Quốc hoặc thực thi các biện pháp mà Bắc Kinh cho là đi ngược lại lợi ích quốc gia của mình.

Trớ trêu thay, khi đó, trách nhiệm được đặt thẳng lên vai các bên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông để tránh khiêu khích Trung Quốc, ngay cả khi các hành động đó là các biện pháp hợp pháp được thực hiện theo các quyền và nghĩa vụ được ghi trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển(UNCLOS).

Ví dụ như, các bên ASEAN sẽ bị tước quyền thăm dò và khai thác các nguồn năng lượng cũng như các hoạt động đánh bắt cá trong các vùng đặc quyền kinh tế của họ.

“Điều này đặc biệt đúng với những thành viên ASEAN muốn tránh leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Luật mới có thể buộc họ phải suy nghĩ lại về việc thực hiện các hành động hợp pháp. Khi các nước này tự kiềm chế để tránh mọi sự cố có khả năng dẫn đến đụng độ với Trung Quốc, họ đã trao cho Trung Quốc lợi thế cửa trên”, ông Koh nhận xét.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng ngay cả khi các bên ASEAN chọn cách bỏ qua luật hải cảnh mới này thì nguy cơ kích động phản ứng vượt tầm kiểm soát từ Bắc Kinh vẫn luôn hiện hữu.

(còn tiếp)