Lúa gạo và sự sa cơ của cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra giờ đây đang phải đối mặt với án tù sau khi bị nghi ngờ có liên quan đến một chương trình cung cấp gạo mập mờ.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tại Tòa án Tối cao.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tại Tòa án Tối cao.

Đó là một bài toán đơn giản đối với cựu nữ doanh nhân và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhằm chiến thắng cuộc tranh cử tháng 7/2011 và đảng Pheu Thai.Cách làm là đảm bảo giá gạo sẽ lên đến 15.000 baht (khoảng 450 USD) một tấn.

Con số này cao hơn 4.000 baht so với giá mà Đảng Dân chủ Thái Lan đã đặt và cao hơn giá thị trường gạo thế giới đến 50%. Bởi gần 40% lực lượng lao động của Thái Lan thuộc về ngành nông nghiệp và phần lớn đều trồng lúa, bà Yingluck thắng cử và chính thức nhậm chức vào ngày 10/08/2011.

Chiến lược của bà gồm 3 giai đoạn: Mua gạo từ nông dân với giá cao, lưu kho số gạo này để giảm bớt nhu cầu thế giới và đẩy giá thị trường lên, sau đó bán lại với giá cao để bù đắp chi phí ban đầu.

Lúc đó, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm lĩnh 30% thị trường quốc tế. Bà Shinawatra nghĩ rằng với thị phần lớn như vậy, bà có thể kiểm soát giá thị trường. Cho dù thiếu thông tin, ảnh hưởng của tình hình chính trị, phán đoán sai lầm hay cả ba nguyên nhân trên, kế hoạch này đã phản tác dụng. Các nước khác như Ấn Độ và Việt Nam đã vượt trên Thái Lan từ cuối năm 2011 tới năm 2013.

Trong lúc Thái Lan ngày càng trưng kho gạo nhiều, chính phủ phải xây nhiều nhà kho để chứa số hàng lớn này. Cuối năm 2013, Thái Lan đã có đến 17,5 triệu mét khối gạo và không còn nơi để chứa, trong khi chất lượng gạo dần dần không còn được tin tưởng trên thế giới. Do đó, xuất khẩu gạo đã giảm 35% trong năm 2012 và đến năm 2013, con số đã là 39% so với năm 2011.

Giá gạo được trả cho nông dân là 15.000 baht mỗi tấn cho gạo chưa xay, trong khi giá thị trường hiện này đều dành cho gạo xạy. Gạo xay có trọng lượng chỉ bằng 2/3 gạo chưa xay, do đã được loại bỏ vỏ thóc và các phần thừa khác. Vì vậy, cho dù giá gạo có thể lên đến 615 USD, giá thật của chỗ gạo chưa xay thực tế chỉ là 410 USD/tấn.

Bên cạnh đó, giá thị trường cũng bao gồm chi phí vận chuyển tới điểm bán, xay xát và giá lưu khó, qua đó tiếp tục làm giá trị của gạo chưa xay càng xuống thấp. Để thu hồi khoản ngân sách mà chính phủ Thái Lan đã sử dụng, giá của gạo xay phải lên đến mức 830 USD/tấn, trong khi giá gạo trung bình năm 2012 là 573 USD/tấn.

Vốn đã không thực tế, chương trình của bà Shinawatra đã có ảnh hưởng tiêu cực đối với ngân sách của Thái Lan. Trong năm đầu tiên, chi phí đã là 4,4 tỷ USD, tương đương với 1,2% GDP quốc gia. Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), một tổ chức độc lập, trước đó ước tính rằng chi phí trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch nằm trong khoảng từ 5,9 đến 7,1 tỷ USD.

Số liệu chính thức về tổng chi phí của chương trình hiện vẫn chưa được chính phủ công bố, nhưng con số này nằm trong khoảng 8 đến 20 tỷ USD. Ngay cả khi quan chức Thái Lan đã nương nhẹ việc tính toán số liệu, chương trình này đã tiêu tốn của Thái Lan một khoản chi phí lớn.

Dù vậy, chương trình này không thật sự quá lớn. Đã từng có rất nhiều ví dụ về việc chính phủ các nước trên thế giới đầu tư vào những dự án tiêu tốn nhiều chi phí hơn thế nhiều. Vậy thì tại sao nó lại dẫn đến việc bà Shinawatra phải từ chức?

Chi phí của chương trình này không phải là lý do chính bà Shinawatra bị lật đổ. Sự căng thẳng chính trị ở Thái Lan đã có từ gần một thập kỷ trước, khi ông Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck và cũng là cựu thủ tướng Thái Lan bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự và bị buộc tội tham nhũng. Giờ đây ông đang tỷ nạn ở nước ngoài, nếu ông trở về Thái Lan, ông sẽ phải chịu án 2 năm tù giam.

Bạo động chính trị ở Thái Lan là cảnh tượng nhiều lần xảy ra ở Thái Lan trong nhiều năm qua.

Đối thủ của bà Yingluck khẳng định bà thực tế chỉ là người đại diện cho người anh trai ở nước ngoài cũng như cho thành phần quan chức tham nhũng đã tồn tại ở Thái Lan. Một số yếu tố xảy ra từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2014 khiến bà Yingluck bị truy tố và nay bà đang đối mặt với án 10 năm tù giam.

Ngày 9/12/2013, đại diện Đảng Dân chủ đối lập trong Quốc hội Thái Lan đã tự ý bỏ ghế của mình. Điều này khiến bà Shinawatra phải giải tán quốc hội và kêu gọi thực hiện bầu cử vào tháng 2/2014.

Đảng đối lập rời Quốc hội không phải là vì chương trình gạo, mà là bởi những vấn đề nhạy cảm chính trị khác, bao gồm đạo luật nhằm xóa bỏ tội danh tham nhũng của ông Thaksin và cho phép ông về Thái Lan.

Đạo luật này được trình lên Quốc hội Thái Lan vào ngày 1/11/2013 và gây ra một cuộc biểu tình nhỏ ở Bangkok. Quốc hội đã từ chối thông qua đạo luật này vào ngày 11/11 và mặc dù đạo luật ân xá này không được thực thi, nó đã châm ngòi cho một phong trào chống chính phủ dần dần vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cùng lúc đó, một sự kiện chính trị khác đã xảy ra. Ngày 20/11/2013, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng lệnh sửa đổi đối với Hiến pháp năm 2007, trước đây là một bản nháp và được chờ để trình Nhà vua ký, không tuân theo những thủ tục đã có và nó bị coi là trái pháp luật.

Nội dung đáng nói nhất của lệnh sửa đổi này là việc họ hàng của những đại biểu quốc hội được phép trở thành nghị sĩ, qua đó làm tăng tính gia đình trị trong giới chính trị Thái Lan.

Đảng Pheu Thai đã bác bỏ quyết định của tòa án và khẳng định tính pháp lý của lệnh sửa đổi, khiến người dân xuống đường biểu tình tại Bangkok vào cuối tháng 11. Cuối cùng, bà Shinawatra buộc phải rút lại bản sửa đổi vào ngày 8/12/2013 trước khi Nhà vua phê chuẩn, nhưng điều đó không làm các đảng đối lập và người biểu tình hài lòng.

Ngày 9/12, khi Quốc hội Thái Lan không còn hoạt động, Bộ Tài chính không có quyền hạn cho phép chi trả cho chương trình gạo. Ngày 31/1/2014, chính phủ đã hoãn trả nhứng khoản tiền mà họ còn nợ các nông dân từ vụ lúa tháng 10/2013.

Trong khi những sự kiện trên đã diễn ra, Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan (NACC) đã điều tra chương trình này với ly do có dấu hiệu tham nhũng nhiều tầng và bà Shinawatra có biết những sai phạm trên. Ngày 18/2, NACC đưa ra tuyên bố buộc tội bà Shinawatra lơ là trách nhiệm trong chương trình gạo. Sự kiện này chưa thể loại bỏ bà khỏi chức vụ của mình, nhưng nó đã đặt nền móng cho sự sụp đổ của bà.

Quân đội Thái Lan tuyên bố đảo chính trên truyền hình.

Nếu những sự kiện này vẫn chưa đủ, một cuộc “đảo chính về luật pháp” diễn ra vào ngày 7/5/2014 về cơ bản đã khiến bà Shinawatra không còn là Thủ tướng nữa. Điều này có liên quan đến việc ông Thawil Pliensri, từng là người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia, bị thay thế bằng anh rể của cựu Thủ tướng là Potjaman Shinawatra. Tòa án Tối cao phán quyết rằng hành động này là lạm dụng chức vụ, bởi ông Pliensri chưa từng có sai phạm gì khi đương chức.

Rõ ràng là rất nhiều sự kiện đã dẫn đến cuộc biểu tình và sự bất ổn về chính trị ở Thái Lan. Nói tóm lại, chúng bao gồm đạo luật chiêu an cho anh trai Thaksin của bà Yingluck, bác bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao đối với văn bản sửa đổi hiến pháp có thể dẫn đến gia đình trị và không đúng luật, việc thay thế ông Pliensri bằng anh rể của bà, và việc bà Yingluck đã bỏ quên trách nhiệm đối với các nông dân mà chính phủ đang nợ tiền theo chương trình gạo.

Tất cả đã dẫn đến cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào ngày 22/05/2014, khiến toàn bộ chính phủ bị lật đổ và đưa tướng Prayuth Chanocha lên nắm quyền cho đến thời điểm hiện tại. Ngoại trừ chương trình gạo, tất cả những vấn đề mà bà Shinawatra phải đối mặt đều có thể được dự đoán trước, bởi tất cả đều được dựng nên bởi những người hoặc những đoàn thể không mấy thiện cảm với nhà Shinawatra.

Thất bại của chương trình gạo và việc không thể chi trả cho nông dân đã thổi bùng phong trào phản đối mà phần lớn đều là những người đã bỏ phiếu cho bà Shinawatra.

Mặc dù cuộc đảo chính và lật đổ bà Shinawatra được bắt nguồn từ nhiều sự kiện, tuy nhiên chương trình gạo sẽ có hại nhiều nhất đối với sự nghiệp chính trị và sự tự do của bà trong tương lai.

Ngày 23/01/2015, Hội đồng Lập hiến Quốc gia Thái Lan (NLA), được sự ủng hộ của quân đội, đã buộc tội bà với số phiếu 190 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Quyết định này đã khiến bà bị cấm tham gia các hoạt động chính trị ở Thái Lan trong vòng 5 năm tới.

Không những vậy, bà Shinawatra còn phải đối mặt với một phiên tòa xét xử vào ngày 19/5 vừa qua vì những thất bại của chương trình gạo. Nếu được tuyên là có tội, bà phải đối mặt với 10 năm tù giam. Phiên tòa này gồm 9 thành viên trước đây đã tuyên án ông Thaksin, và những người ủng hộ bà Shinawatra đã phủ nhận sự hợp pháp của phiên tòa này.

Bà Yingluck Shinawatra có quan hệ tốt với Mỹ.

Phần lớn các nhà phân tích đều tin rằng bà Shinawatra sẽ bị tuyên là có tội. Nếu bà phải nhận án tù 10 năm, tình hình chính trị sẽ còn biến động. Phe ủng hộ bà sẽ tập trung và gây ra bạo lực ở Thái Lan, trong khi bà Shinawatra ngồi từ và trở thành biểu tượng đấu tranh của họ.

Hơn nữa, điều này cũng có thể gây ra những căng thẳng với Mỹ, một đồng minh lớn của Thái Lan trước đó tuyên bố rằng việc khởi tố bà Yingluck là có động cơ chính trị.

Nếu như bản án quá nặng, những người ủng hộ bà Shinawatra ở phía Bắc và Đông Bắc sẽ biểu tình và nói rằng quân đội đã hành động vượt cấp.

Bất kỳ cuộc xung đột vào thời điểm này không những đe dọa an ninh đối với Thái Lan mà còn đánh đổ hình ảnh đất nước mà quân đội đã xây dựng, rằng Thái Lan là một nơi an toàn và ổn định, thu hút khách du lịch và đầu tư nước ngoài. Nếu bản án quá nhẹ, bà Shinawatra có thể kêu gọi những người ủng hộ ông Thaksin và bà trước thềm cuộc tranh cử năm 2016.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Infonet