Long thành lão nhân Nguyễn Văn Bách: Vừa khuyết một gộc chữ Hà thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Long thành lão nhân Nguyễn Văn Bách là cây đại thụ trong nền Thư pháp Việt Nam, được biết đến với tên hiệu “Long Thành lão nhân”, người đã viết 3 chữ Văn Miếu Môn trên cổng Tam Quan Văn Miếu Quốc Tử Giám. 
Long thành lão nhân Nguyễn Văn Bách là một cây đại thụ trong nền Thư pháp Việt Nam được biết đên với tên hiệu “Long Thành lão nhân”, là người đã viết 3 chữ Văn Miếu Môn trên cổng Tam Quan Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cụ Tinh thông y học, một đời bốc thuốc cứu người, uyên thâm Hán học, đã dịch nhiều tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Trãi, Ngô Quang Bích, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là người đã để lại bút tích của những công trình văn hóa quan trọng nhất của đất nước.
Long thành lão nhân Nguyễn Văn Bách là một cây đại thụ trong nền Thư pháp Việt Nam được biết đên với tên hiệu “Long Thành lão nhân”, là người đã viết 3 chữ Văn Miếu Môn trên cổng Tam Quan Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cụ Tinh thông y học, một đời bốc thuốc cứu người, uyên thâm Hán học, đã dịch nhiều tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Trãi, Ngô Quang Bích, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là người đã để lại bút tích của những công trình văn hóa quan trọng nhất của đất nước.

Tiết hanh hao cữ đầu đông trời trong, nắng dịu. Sau những nhịp sải chân quanh Hồ Hoàn Kiếm thư thả rẽ vào cái ngách nhỏ của phố Tràng Tiền gần đó. Lui sâu hơn tí, sải chừng hai chục bước rồi dừng lại trước cái cửa con trổ ra lối đi bên phải.

Không! Chẳng bao giờ còn có thể lặp lại thói quen thương kính ấy nữa. Cụ lang Bách, gốc thụ mộc làng thư pháp, một gộc chữ Hà thành vừa về cõi thiếu ba tuổi nữa là chẵn trăm!

Tôi biết và quen cụ Bách là năm xa, nhà văn Đỗ Chu đưa tới. Nhác thấy cái cử chỉ là lạ khép nép, kính cẩn của Đỗ Chu tiên sinh vốn ngang tàng phóng túng, chợt nhớ ra câu thì thào của lão.

“Không sợ sái mà nói rằng, nước Nam ta bây giờ những đấng mà thông cả nho, y, lý số như cụ Nguyễn Văn Bách 75 tuổi ở ngõ 53 Tràng Tiền này chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay”.

Căn phòng tầng trệt chỉ hơn mười lăm mét vuông. Đỗ Chu vanh vách cặp đối của chủ nhân treo trên tường theo lối thảo “sương kính”.

Thê tức hữu chi nhàn tích lậu. Danh linh phi tướng tại cao thâm” (Cành đậu nho nhỏ cũng nói lên sự đầy đủ uấn súc. Không cứ tại nơi cao sang mà nhìn nhận đánh giá sự cao thấp mọn hèn.

Nhón chân qua mấy bậc thang lờ mờ thì chợt một vầng sáng dịu òa ra đột ngột. Một phòng thì chưa hẳn nhưng hiển hiện một không gian con con tĩnh tại. Ánh sáng từ cửa sổ mở rộng có gộc nguyệt quế đặt chỗ ban công đang độ mãn khai đưa vào không gian tĩnh lặng một thứ hương cao khiết.

Chủ nhân đang tĩnh tọa trên một vuông chiếu và trầm mặc trước một vuông chữ. Thoắt khác hẳn với vẻ xởi lởi mặn chuyện cùng cung cách thân gần như đương trích đoạn sự tương đắc của cụ Bách với nhà văn danh tiếng này?

Một quá vãng như được hồi cố lại trong câu chuyện chủ, khách.

“Không sợ sái mà nói rằng, nước Nam ta bây giờ những đấng mà thông cả nho, y, lý số như cụ Nguyễn Văn Bách 75 tuổi ở ngõ 53 Tràng Tiền này chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay”- Nhà văn Đỗ Chu.

“Không sợ sái mà nói rằng, nước Nam ta bây giờ những đấng mà thông cả nho, y, lý số như cụ Nguyễn Văn Bách 75 tuổi ở ngõ 53 Tràng Tiền này chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay”- Nhà văn Đỗ Chu.

Cụ Bách có cụ cố năm Tân Dậu (1861) đỗ cử nhân. Một thời gian làm tri huyện Trực Ninh Bình Lục, cụ cố sau này từ quan rồi theo Văn thân. Ông nội cụ Bách, bố không cho ra làm quan với Tây mặc dù học hành đỗ đạt, mà cho đi học nghề thuốc. Cụ Bách học chữ Hán, học bốc thuốc với ông bố.

“Cứ cữ tết thì nhà tôi lại tấp nập người đến xin chữ”.

Từ khi 13 tuổi, cứ cữ Tết, cụ Bách lại cùng một cậu bạn nữa quảy đôi bồ ra ngồi ở chợ quê nhà Văn Lâm (Hải Dương) bán câu đối kiếm thêm. Một lần mải viết, kẻ gian nẫng mất đôi bồ. Hai lọn tóc trái đào của cậu bé Bách lem luốc mực nho do cậu khóc vì tiếc, vì sợ bố mắng cứ đưa tay lên quệt lia lịa.

... Năm 1958 cụ dưới quê lên Hà Nội làm người Nhà nước thuộc Viện Đông y dưới sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Văn Lâm, Viện trưởng. Thân sinh cụ Lâm là cụ Nghè đỗ tiến sĩ khoa thi cuối cùng gọi là Ân khoa có để tại bài phú Quân tử đình nổi tiếng hiện in trong Tuyển tập văn học (tôi quên mất tên cụ tiến sĩ ấy). Cụ Bách cũng được cụ Lâm truyền thụ cho nhiều kiến thức về y đức lẫn kiến văn về Hán học.

Đắc ý nhất là thời gian ở Viện Đông y, cụ Bách đã cùng 26 vị túc nho lẫn lương y những năm đầu 60 ấy mà lương y Nguyễn Văn Bách là người chịu trách nhiệm soạn bản thảo lần cuối bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”

(Lần tái bản mới đây cuốn “Hải Thượng Lãn Ông Y tông tâm lĩnh” năm 2004, trong số 26 vị ấy tôi đếm có tới 19 cụ mà họ tên đã khuông một ô vuông. Những ô vuông lạnh lùng khép lại của con tạo cho một kiếp nhân sinh dẫu cho tám chín mươi cũng là ngắn tủn!)

Cụ Bách tòng sự ở Viện Đông y cho mãi khi hưu 1991. Lịch làm việc của ông già cao niên ấy những năm còn khỏe chỉ hở một ngày thứ hai trong tuần, còn lại kín mít thời gian bốc thuốc, kê đơn.

Lẽ thường nữa là hễ bập vào nghề thuốc, chữa bệnh cứu người kéo dài sự sống của những con bệnh thường là tổn âm đức lẫn tuổi trời của mình, bởi có can dự vào sự sống, sự chết hóa quyền!

Dưng, trong thẳm sâu, cụ thấy sự răn tổn âm đức là chỉ trỏ, chỉ vận vào những ông lang băm kiếm chác vòi vĩnh trên mạng sống của con bệnh, chứ cụ đâu có dám đơn sai lời dạy của cụ thân lẫn các đấng tiên liệt đang thờ trong Y miếu?

Mỗi lần kê đơn, cụ ngồi trên sập. Tiếp khách thì ở bộ sa lông ọp ẹp kê phía dưới. Từ đường Tràng Tiền náo nhiệt ồn ã rẽ vào ngõ hẹp thấy một ông già trán cao tóc bạc ngồi trên sập gụ lúc thì kê đơn bốc thuốc, lúc thì trầm tư với cây bút lông đẫm mực người ta tưởng như lạc bước vào một cõi khác.

Chợt nhớ đến ông bác là lương y đã là người thiên cổ với những toa thuốc kê bằng thứ chữ thảo bay bưóm.

Tôi hỏi cụ Bách : “Sao bây giờ không thấy ai kê đơn chữ thảo ?”. Cụ Bách khẽ cười : “Kê thì được thôi nhưng người bốc thuốc không đọc được vì không biết chữ Hán”.

Nếu như Tào Mạt tiên sinh độc đáo bằng lối chữ thảo mượt và bay, thì cụ Bách cũng có cái chiếu riêng trong làng thư pháp bằng kiểu nét “gai”, nói chính xác là kiểu chữ “sương kính” mà được rất nhiều người chuộng.

Bất kỳ trên chất liệu nào như giấy dó, giấy xuyến chỉ, hay chỉ là giấy thường, nét sổ, nét ngang của cụ Bách cho dù “co” chữ, kích cỡ giấy thế nào ta cũng thấy sự đậm nhạt đứt gãy rất uẩn súc.

Bữa đưa một anh bạn ở phía Nam ra thăm cụ, khi về anh nhận xét “Thư pháp khó nhất là nét sổ. Sổ kiểu sương kính dễ thưa và trượt lắm, thế mà bút lực vẫn mạnh vẫn hoạt khoát, nhuần nhị thần bút, biểu đạt được khí lực thâm hậu của nội công như cụ đây kể ra cũng hiếm...’’

Long thành lão nhân Nguyễn Văn Bách.

Long thành lão nhân Nguyễn Văn Bách.

Ông lang Bách, ông thày mát tay.

Cô em gái tôi năm ấy có thằng con giai 15 tuổi đẹp đẽ, nhớn nhao. Đùng cái lăn ra chết vì rắn cắn. Hầu chuyện cụ buột ra chuyện buồn ấy vì thấy thần sắc tôi không được ổn… Cụ khẽ khàng cật vấn. Cứ tình thực mà thưa. Lại vuột thêm nỗi ái ngại chứng bệnh tim của em gái. Cụ bảo đưa em nó đến đây. Ngần ngại thưa đương ốm trong quê Thanh. Lại bảo phải về, đưa ra gấp!

Cụ cẩn thận chẩn mạch. Những ba lần. Ba buổi khác nhau. Sáng trưa chiều tối. Cụ rủ rỉ, tâm bệnh nó khác. Không thể một barem đơn thuốc chung. Liền hơn chục toa thuốc. Có thang riêng. Kết hợp tĩnh tọa. Như một dạng thiền. Cô em hồi vượng dần.

Sách vở giao lưu hồi ấy hiếm, may mấy lần ké vài chuyến công cán Trung Hoa, chợt nhớ đến cụ Bách, tôi có chịu khó chụp lại một số hoành phi câu đối trong đó có Võ hầu từ khu kỷ niệm Khổng Minh ở Thành Đô một danh thắng nổi tiếng. In ảnh ra đem tới cụ. Được cùng mấy anh bạn dỏng tai lên mà nghe cụ dịch, cụ giảng cho suốt buổi chẳng chán!

Thời nào cũng có cái khó. Khó người khó ta. Một bận tại tầng trệt thư phòng, tôi thấy cụ cứ chối khéo một vị nhờ cụ viết cho những con chữ đại tự ngữ nghĩa to tát. Đâu như vị này đến đã là lần thứ ba. Khách về, gạn hỏi, cụ tặc lưỡi buột ra cái khó người khó ta ấy. Vị này không biết làm gì mà giàu lắm. Đã có tòa ngang dãy dọc lại tự xây một cái sinh phần (cái mồ) cho mình rất hoành tráng khi đang còn sống nhăn!

Ngũ thập tri thiên mệnh lẫn tri những thứ gì thì chả biết, nhưng cụ Bách đã giật mình vào cái tuổi 53? Dường như là sự ngộ ra của một bản ngã thanh thản. Như là đã ngộ ra điều chi hệ trọng của cuộc đời?

Ấy là lúc tôi cứ lật đi lật lại bài thơ tự vịnh cái tuổi 53 của cụ. Bao nhiêu là những bâng khuâng cùng giật thột trước cái sự TRI TÚC ( biết đủ)?

Lúc túng dịch thuê viết mướn/ Gà què ăn quẩn cối xay/ Tham ô mừng chưa mắc tiếng/ Ngon ăn ngon ngủ đêm ngày/ Vui chuyện tâm tình bạn hỏi/ Rằng bao nhiêu tuổi năm nay/ Xin trình 54 tuổi mẹ/ Vừa tròn 53 tuổi tây/ Sinh chốn thâm cùng ngõ vắng/ Trưởng nơi non nước bùn lầy/ Hỏi sách đọc không thông sách/ Hỏi cày chẳng biết chi cày/ Hỏi thuốc thuốc nào không giỏi/ Hỏi thơ thơ vịnh không hay/ Thế kém tài hèn đức mọn/ Mừng không đói rách là may/ Há phải đâu mình trong sạch/ Vì không quyền lực trong tay/ Những ước có ao rau muống/ Những mong có chum tương đầy/ Vui với bà con bạn lứa/ Trong bầu non nước trời mây.

Có lúc câu chuyện trở về với giai đoạn cật lực nối được cái chí ba đời của tiền nhân chuyên viết chữ, cho chữ.

Như đận phải lỳ ở Văn Miếu. Cụ hoay hoay treo mình chỗ cổng. Ấy là công việc còn lại sau khi hoàn tất nội dung hàng chục câu đối cùng những con chữ trong nhà bia Tiến sĩ và nhà Học Khổng Tử.

Cả bốn hàng câu đối mặt tiền lẫn mặt hậu cửa chính Văn Miếu cũng đã xong! Nhưng phần việc cuối cùng... là phải treo mình trong tư thế nửa giáo nửa thang để mà viết ba chữ Văn Miếu Môn.

Những năm chồng chất bao sự khó ấy kiếm đâu ra cái hệ thống giáo sắt. Và nữa phải có cái đại bút? Nhưng cụ đã nghĩ ra cái sào tre.

Đầu sào cụ quấn một búi giẻ. Vận gân cốt của cả thân người. Chừng như có sự hiệp sức gân cốt lẫn hoa tay, cứ thế mà vạch mà chấm. Phải đứt cả một buổi sáng, Văn Miếu Môn mới xong.

Cụ tụt xuống hổn hển tiếp cái ý, cái cách cho đám thợ hoàn tất việc cẩn mảnh sứ lên mặt chữ. Văn Miếu Môn, chữ ấy như ta ngó nắm lẫn quan chiêm bây giờ!

Dịp Thăng Long chẵn ngàn năm, đám chúng tôi quần tụ ở nhà cụ. Như được chia xớt cái hên. Được ngó lại cái dáng thư thái của cụ Bách đang vùn vụt thả ra những con chữ cỡ 10cm trong bản Thiên Đô Chiếu của Lý Thái Tổ trên tấm vóc dài 3,6m, cao 2m do một cơ quan văn hóa nào đó đặt. Những ngấn mồ hôi đọng trên khuôn mặt răn reo. Thư thái chỉ là một cách nói của một thể trạng phải gò cơ, vận khí.

Đã phát tán, đã sang trọng lẫn ấm áp cùng khoát đạt ngữ nghĩa trong hàng trăm hàng ngàn những vuông chữ mà mé bên phải bao giờ cũng khiêm cung dòng lạc khoản Long thành lão nhai Lỗ Công Nguyễn Văn Bách hoặc giản lược hơn Lỗ công Nguyễn Văn Bách (mà có thể tạm hiểu vui là ông lão ngớ ngẩn ở ngách thành Thăng Long) của cụ Bách gần như khắp dưới gầm giời xứ Bắc này.

Hanh hao này chả mấy bữa lại bắt vào tiết Tết. Tiết ấy sẽ lại như xui nguyên giục bị cho những bâng khuâng nhớ tiếc mảnh vườn thư pháp xứ Bắc vừa vỡ òa một khoảng trống xum xuê của thứ gộc đại thụ. Mà khiếm khuyết ấy chả dễ chi ngày một ngày hai liền lại cùng khép tán?