Phạm Văn Dũng: Cõng cả giấc mơ đưa trẻ sớm đến trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Cuộc trao đổi ngắn qua tin nhắn với Phạm Văn Dũng khi hay tin miền Trung vào cuối tháng 10/2021 đang chìm trong mưa bão sau chuyện Covid-19 lại xoay nhanh qua “không biết đợt này mấy sắp nhỏ lại đi học thế nào?”.
Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cuối tháng 10/2021, lũ đang lên nhanh ở các huyện miền núi của tỉnh này. Trong ảnh là một trường học vừa được xây dựng lại sau những cơn lũ khủng khiếp năm 2020. Ảnh CTV.
Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cuối tháng 10/2021, lũ đang lên nhanh ở các huyện miền núi của tỉnh này. Trong ảnh là một trường học vừa được xây dựng lại sau những cơn lũ khủng khiếp năm 2020. Ảnh CTV.

Quãng cuối tháng 10/2020, cả dải đất miền Trung oằn trong mưa lũ. Tin tức ngập tràn trên màn hình vô tuyến lẫn truyền thông mỗi ngày. Doanh nhân Phạm Văn Dũng, ông chủ hãng túi xách Kim Long có địa chỉ đóng tại Quận 8, TP.HCM chợt giật mình: “Hình như tôi đang quên một điều gì đó”

Hình ảnh những ngôi trường ngập sâu trong nước lũ, sách vở, bàn ghế, cặp sách nổi lềnh bềnh giữa biển nước đục ngầu.

Sau một đêm mất ngủ, sáng hôm sau tỉnh dậy, anh Dũng quyết định nhấc máy cho các đại lý lẫn lực lượng công nhân gần 80 người đang làm việc cho nhà máy của mình.

“Hình như tôi đang quên một điều gì đó”, Phạm Văn Dũng nói về những chuyến đi thiện nguyện đến với trẻ em vùng khó khăn của mình. Ảnh NVCC.

“Hình như tôi đang quên một điều gì đó”, Phạm Văn Dũng nói về những chuyến đi thiện nguyện đến với trẻ em vùng khó khăn của mình. Ảnh NVCC.

Góp lại những ước mơ

Mỗi cuộc điện thoại cho các đại lý, anh đề nghị cho Công ty Kim Long giao chậm các đơn hàng đã ký. Đại lý hỏi tại sao thì anh trả lời thành thật: “Để tui dồn cặp sách ra giúp mấy đứa trẻ ở miền Trung. Chắc chúng nó cần gấp hơn mình lúc này, để khi nước rút chúng còn kịp trở lại trường”.

Với công nhân, anh đề nghị tăng ca tối đa để sản xuất kịp hàng đưa ra miền Trung làm cứu trợ cho mấy sắp nhỏ.

Hàng loạt phân xưởng đồng loạt tăng ca. Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Các phân xưởng luôn sáng rực ánh đèn. Công nhân thay nhau vào ca một cách tự nguyện, không một lời phiền trách.

“Công nhân của công ty tôi đến từ nhiều vùng đất khác nhau, nhưng đa số là người miền Trung. Nên khi nghe tôi kêu gọi tăng ca sản xuất hàng cứu trợ kịp đưa về Trung kịp cho mấy đứa nhỏ đi học, anh em công nhân không một ai từ chối.

Tất cả tự nguyện háo hức tăng ca. Thậm chí, tiền tăng ca, anh em công nhân cũng từ chối. Họ chỉ nói với tôi rằng: Anh cho chúng em góp chút công sức hỗ trợ sớm trẻ con miền Trung sau lũ”, Phạm Văn Dũng trầm tư kể lại.

Cuối tháng 10/2020, chuyến hàng đầu tiên chất đầy ắp cặp sách ra với Quảng Bình. Doanh nhân Phạm Văn Dũng đứng lặng đi nhìn hút theo bóng chiếc xe tải đi hút về phía Bắc.

Trong năm 2020, đã có nhiều chuyến hàng với hơn 4.000 cặp học sinh mang thương hiệu Kim Long của doanh nhân Phạm Văn Dũng ngược đường quốc lộ ra miền Trung. Ảnh NVCC.

Trong năm 2020, đã có nhiều chuyến hàng với hơn 4.000 cặp học sinh mang thương hiệu Kim Long của doanh nhân Phạm Văn Dũng ngược đường quốc lộ ra miền Trung. Ảnh NVCC.

Ở nơi đó là có vùng quê của anh, có những người thân của anh, có bạn bè lẫn những đứa trẻ con mà anh chưa từng quen biết. Anh gửi về dải đất khúc ruột miền Trung chút tấm lòng của một người con đã 28 năm nay xa quê vào phương Nam lập nghiệp.

Các đại lý thì hồ hởi thông cảm cho chậm hàng luôn, nhưng mua động viên mỗi người 100 – 200 chiếc cặp với giá chỉ bằng 1/3 giá thành thông thường, rồi góp lại gửi theo xe ra cứu trợ cho học sinh miền Trung.

Chỉ trong năm 2020, đã có nhiều chuyến hàng với hơn 4.000 cặp học sinh mang thương hiệu Kim Long của doanh nhân Phạm Văn Dũng ngược đường quốc lộ ra miền Trung, từ Quảng Nam tới Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh để góp sức sớm giúp học sinh trở lại trường sau đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão.

Gửi nắng phương Nam cho các em thơ

28 năm trước, từ năm 1993, khi mới 17 tuổi, anh Dũng theo cha vào Sài Gòn làm việc cho một công ty vận tải. Sau 2 năm, cha anh trở về quê còn anh chính thức tự lập một mình trên đất Sài Gòn.

Sinh ra và lớn lên tại một huyện ngoại thành Đông Anh (Hà Nội, vùng đất nổi tiếng về gạo nếp cái hoa vàng. Hành trang của anh Dũng lúc bấy giờ chỉ là tuổi trẻ và ước mơ có một cái nghề.

Anh Phạm Văn Dũng bắt đầu biết đọc sách ở tuổi 18, đến nay vẫn đang miệt mài tự học và mày mò với nghề sản xuất cặp sách mà mình lựa chọn. Ảnh NVCC.

Anh Phạm Văn Dũng bắt đầu biết đọc sách ở tuổi 18, đến nay vẫn đang miệt mài tự học và mày mò với nghề sản xuất cặp sách mà mình lựa chọn. Ảnh NVCC.

Với vốn liếng và trình độ kiến thức vừa hết cấp I trường làng, không đọc được dãy số giá tiền niêm yết trên sản phẩm tại các sạp ở chợ Bến Thành, Phạm Văn Dũng nhận ra mình có quá ít kiến thức nên bắt đầu hành trình tự học. Anh mua những quyển sách cấp II về tự tìm hiểu.

Rất may, anh quen một người bạn cùng tuổi đang đi học và thường cho anh mượn những quyển sách: Đắc nhân tâm, Bảy bước để thành công, Quẳng gánh lo đi để vui sống... Anh Dũng bắt đầu biết đọc sách ở tuổi 18.

Bước khởi đầu của anh khá may mắn là tìm được một công việc cho công ty làm dịch vụ vận chuyển, mà như Phạm Văn Dũng kể “tiếng là công ty vận tải chứ thực chất công việc của tôi là khuân vác mà thôi”.

Sống tiết kiệm, sau gần hai năm anh đã dành dụm được 20 chỉ vàng, một số tiền khá lớn vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

Nhiều lần anh nhẩm tính và suy nghĩ: “Mình cần 10 năm mới đủ mua một căn nhà nhỏ ở mảnh đất này, nhưng giá nhà đất đâu có đợi cho mình kiếm được đủ tiền. Thế là tôi mon men đến ý nghĩ phải làm chủ, nhưng không nhà ở, không vốn liếng thì tôi bắt đầu bằng cái gì?”

Trẻ em ở huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) háo hức nhận quà đi học từ công ty của anh Phạm Văn Dũng trao tặng, sau trận lũ kinh hoàng năm 2020. Ảnh NVCC.

Trẻ em ở huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) háo hức nhận quà đi học từ công ty của anh Phạm Văn Dũng trao tặng, sau trận lũ kinh hoàng năm 2020. Ảnh NVCC.

Anh thường đọc mục quảng cáo trên một tờ báo để tìm hiểu giá nhà và tìm trung tâm dạy nghề sửa xe. Sau nhiều ngày lang thang trên nhiều con phố ở Sài Gòn để xin một chân phụ việc tại những tiệm sửa xe mà không được nhận vì không có người thân quen nào để “bảo lãnh” cho anh.

Ngã rẽ cuộc đời của doanh nhân xa xứ

“Dừng một bước để tiến xa trăm bước”, đó là điều anh nghĩ để quyết định đi học nghề. Việc đầu tiên trong “dự án cuộc đời” là anh nộp đơn nghỉ việc lên ban giám đốc của Cty vận tải và xin một chân làm công nhân cho xưởng may túi xách mà mức lương không được như chỗ cũ anh làm.

Nhưng Phạm Văn Dũng thì thấy đó là cơ hội rất tốt vì được học nghề miễn phí mà lại có lương và được bao ăn ở. Người ta thì thương lượng tiền lương, so đo việc nặng, việc nhẹ, còn Dũng thì xin được giao cho càng nhiều việc càng tốt; từ phụ việc bôi keo, tán đinh, gắn nhãn mác cho đến việc đi giao hàng, mua nguyên phụ liệu... không hề ngần ngại.

Càng được giao nhiều việc thì anh càng thấy vui. Thời gian hai năm rưỡi qua nhanh chớp mắt, rồi cũng đến ngày anh phải bước ra để tự làm chủ bản thân.

Đến nay, anh Phạm Văn Dũng vẫn miệt mài với nghề "đường kim, mũi chỉ" mà mình lựa chọn. Ảnh NVCC.

Đến nay, anh Phạm Văn Dũng vẫn miệt mài với nghề "đường kim, mũi chỉ" mà mình lựa chọn. Ảnh NVCC.

Năm 24 tuổi, Phạm Văn Dũng quyết định “ra riêng” sau thời gian tầm sư học nghề, cưới vợ và chính thức làm chủ. Khởi điểm, anh có 2 người phụ việc cùng vợ chồng anh may mấy cái túi xách, bóp đầm mang ra chợ An Đông, Chợ Lớn để bán.

Kì tích xuất hiện khi chỉ trong một năm đầu, lợi nhuận đã giúp anh đủ mua một căn nhà nhỏ trong hẻm của đường Âu Dương Lân quận 8.

Phạm Văn Dũng kể anh có năng khiếu xem qua những mẫu túi xách hay bóp đầm là có thể làm theo y chang. Một bản sao khó ai nhận ra, nhưng để đạt được như vậy có nhiều khi anh phải ngồi may cả tuần lễ và làm tới hàng chục lần mới may được cái mẫu ưng ý.

Trẻ em ở huyện miền núi Đồng Văn nơi địa đầu đất nước nhận những món quà góp sức tới trường gửi từ phương Nam xa xôi. Ảnh NVCC.

Trẻ em ở huyện miền núi Đồng Văn nơi địa đầu đất nước nhận những món quà góp sức tới trường gửi từ phương Nam xa xôi. Ảnh NVCC.

Ngày ấy internet chưa phát triển nên mẫu mã rất khó tìm, anh phải thường xuyên ra chợ Bến Thành và các Trung tâm thương mại để quan sát. Có lần chạy xe trên đường, anh mải ngắm cái túi mà cô gái đang đeo đến nỗi cô gái tưởng anh là cướp nên vội vàng ôm chặt cái túi bên người.

Vì vậy, các loại túi, bóp được anh copy may tinh xảo gắn mác các nhãn hàng ngoại nổi tiếng, được các chủ sạp và khách hàng rất thích. Với người lao động, anh vừa là chủ, vừa là người thầy hướng dẫn và cũng là đồng nghiệp cùng làm chung một công việc tại xưởng.

Trong lúc người tiêu dùng vẫn thích xài túi xách, bóp gắn các nhãn nổi tiếng trên thế giới như LV, Chanel, Gucci…giá Việt Nam, thì anh Dũng lại nghĩ mình không thể làm giàu với "hàng nhái" mà phải xây dựng một thương hiệu Việt dù có thể phải trả giá vì đi ngược xu hướng.

Thế là thương hiệu ba lô, túi xách Kim Long ra đời năm 2011.

Người thích đi ngược dòng

Đang làm ăn có lãi bằng hàng sao chép, chỉ trong một năm sau khi đi ngược dòng, anh rơi vào tình cảnh lỗ chưa từng có, hàng sản xuất không bán được. Doanh nhân Phạm Văn Dũng chuyển sang may mặt hàng ba lô, cặp cho học sinh, cặp công sở nhưng chưa kịp chuẩn bị đào tạo công nhân, khiến thời gian hoàn thành sản phẩm quá chậm, số lượng và doanh số tuột dốc không phanh.

Nhờ xuất phát điểm là một công nhân lành nghề nên Phạm Văn Dũng không hoảng hốt, suy sụp mà trái lại rất tự tin là có thể xoay chuyển tình thế.

Những đứa trẻ vùng lũ lụt miền Trung thích thú với món quà mới để sớm đến trường sau khi lũ rút năm 2020. Ảnh NVCC.

Những đứa trẻ vùng lũ lụt miền Trung thích thú với món quà mới để sớm đến trường sau khi lũ rút năm 2020. Ảnh NVCC.

“Nếu khởi nghiệp vì sự hào nhoáng, được định danh ông chủ, vì tiền thì có lẽ người ta sẽ tìm hướng kinh doanh cho sản phẩm khác hợp thời. Còn tôi chỉ có một nghề, ngày 24 tiếng, khi đi ngủ tôi vẫn suy nghĩ về nó.

Cho nên hơn hai chục năm nay tôi cứ tự mài dũa, rèn luyện cho cái nghề của mình, sản phẩm làm ra phải luôn hợp với thị trường.

Tôi thích làm đúng sở trường, nếu có thất bại là tại mình chưa đủ kiên nhẫn và hết lòng vì nó, phải làm tốt hơn chứ không nên từ bỏ. Hồi trẻ, tôi muốn có cái nghề để làm, để có một cuộc sống tốt, nhưng càng ngày tôi phát hiện ra mình làm vì đam mê”, Phạm Văn Dũng chân thành kể.

“Xuyên suốt quá trình khởi nghiệp và phát triển thương hiệu Kim Long vững chắc đến hôm nay, tôi chỉ tập trung cho sản xuất. Doanh số, lợi nhuận cũng đến từ sản xuất, chưa bao giờ tôi lấy tiền đi đầu cơ bất động sản.

Những chiếc cặp của anh Phạm Văn Dũng đã vượt hàng ngàn kilomet để tới với trẻ em vùng cao ở huyện biên giới Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) năm 2020. Ảnh NVCC.

Những chiếc cặp của anh Phạm Văn Dũng đã vượt hàng ngàn kilomet để tới với trẻ em vùng cao ở huyện biên giới Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) năm 2020. Ảnh NVCC.

Tôi không có ý nghĩ sẽ đầu tư gì khác ngoài niềm đam mê công việc mình đang làm. Khi làm, tôi cũng không nghĩ đến lợi nhuận mà mục tiêu lớn nhất là thỏa mãn, nâng giới hạn bản thân.

Cho nên với tôi, làm việc cũng là tận hưởng cuộc sống. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thỏa mãn hay nhàm chán mà ngưng sáng tạo, đổi mới. Trong quá trình sản xuất, ngày hôm nay phải làm nhanh và chính xác hơn hôm qua, hơn nhau là tốc độ và sự sắc sảo của sản phẩm ” – Vị CEO Kim Long chia sẻ thêm.

Ông chủ Công ty Kim Long nhắn nhủ như “rút ruột”: “Khởi nghiệp từ một người thợ, một nhân viên giỏi nghề, cộng với niềm đam mê bất tận thì thành công chắc chắn sẽ đến với bạn”./.