Cuộc trò chuyện với vị giáo sư tim mạch hàng đầu vừa bị khởi tố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –"Điều ân hận nhất là do thiếu hiểu biết nên đã để xảy ra những sai sót đau lòng không đáng có, để một số nhân viên của mình bị rơi vào vòng lao lý, để nhân dân thất vọng vì mình." - GS Nguyễn Quang Tuấn.
Những bác sĩ luôn luôn ở tuyến đầu.
Những bác sĩ luôn luôn ở tuyến đầu.

Cuốn sách đầu đời

… Rồi tôi cũng có được một cái hẹn với GS Nguyễn Quang Tuấn.

Ngồi đối diện, tôi để ý bàn tay với những ngón móng cắt ngắn. Đôi bàn tay của một phẫu thuật viên, một bác sĩ. Hơn thế, một giáo sư đầu ngành về chuyên khoa tim mạch. Bàn tay ấy đương đan cài vào nhau rồi gỡ duỗi ra một cách phân vân.

Nhác vài vệt thâm quanh quầng mắt, thoáng biết mấy ngày qua với giáo sư là thời khắc khó khăn. Những người hỗn râu như GS Tuấn, lười cạo một hôm là biết. Nhưng ngó thêm vệt xanh mờ kia chứng tỏ ông không nhỡ nhàng việc chăm sóc?

Chả nên gặp là nghĩa hiểu thoáng của cụm từ bất đắc dĩ? Nhưng khoảng cách giữa chủ với khách như đang doãng, đang dịu? Bởi ngồi một lúc, thấy mình như được sẻ chia những thông tin mà mấy ngày nay ông luôn nhận được. Những sững sờ ngạc nhiên cùng đồng cảm. Những mong cho giáo sư bằng nghị lực vốn có sẽ vượt thoát những săm soi suy diễn này khác. Để mà bình tĩnh đối diện với lương tâm và pháp luật! Hy vọng ông bằng nghị lực vốn có sẽ vượt thoát khỏi thời điểm nặng nề nếu không muốn nói là khó chịu nhất của cuộc đời.

Các cung bậc sẻ chia có thể nói khá phong phú! Rằng giáo sư từng giữ gìn bảo vệ mạng sống của hàng ngàn con bệnh cũng như gắng gỏi đến cùng để giữ gìn bảo vệ những luận cứ khoa học… hy vọng ông cũng biết cách để bảo vệ cái đúng, lẽ phải và những điều tử tế của mình!

Bác sĩ Tuấn với một bệnh nhân

Bác sĩ Tuấn với một bệnh nhân

Lại cả những sự chi chút ân cần. Phải bình hòa, ổn định một nhịp độ sinh hoạt cùng sinh học. Giữ cho những nhịp tim đừng quá tải. Giữ lòng mình yên tĩnh trước những đàm tiếu, săm soi suy diễn này khác, bình tĩnh đối diện với lương tâm và pháp luật!

Chợt thấy cái sự phí phạm cùng vớ vẩn khi chúng tôi tự dưng có cuộc ngồi vào một buổi sáng thu Hà thành trời rất dịu như này? Có cảm giác không phải khi mình đang khấu trừ đi những giờ phút quý báu của một vị giáo sư đầu ngành? Lý ra tầm này, giấc này, ông đang phải dành cho những ca can thiệp cấp cứu phức tạp nhiêu khê của thứ bệnh tim mạch nào đó. Đương phải gỡ rối cho đồng nghiệp hoặc đang cao đàm khoát luận trên diễn đàn khoa học đâu đó ở quốc nội hoặc quốc tế?

Cuộc ngồi như này chả phải là dấu lặng trong bản nhạc và càng chẳng phải sự ngừng nghỉ có lý của giáo sư giữa các hiệp đấu căng thẳng của công việc!

… Cũng chả nhớ câu chuyện của chúng tôi đã bắt đầu từ đâu? Hình như là một quá vãng cái thời nhiệt huyết hăm hở.

Nhà có người thân các anh, chị làm bác sĩ nên từ nhỏ cậu bé Tuấn đã được nghe các anh chị nói chuyện về các môn học và công việc. Các từ như điều trị, lâm sàng, chẩn đoán, bệnh học... nghe rất lạ nhưng cũng huyền bí, tò mò với một cậu bé.

Lớn hơn, Tuấn được một người chị tặng cho cuốn sách Cuộc đời và sự nghiệp của GS. Tôn Thất Tùng. Những ca mổ tim đầu tiên của GS Tôn Thất Tùng vừa hấp dẫn vừa ám ảnh Tuấn. Sau khi thi trúng đại học Y, Tuấn bảo lưu kết quả thi và đi bộ đội. Sợ mấy năm bộ đội sẽ rơi rụng kiến thức. Mai kia về học sẽ kém các bạn nên hành trang của người chiến sĩ ấy còn có các cuốn về Y học và Toán, Lý trong đó có cuốn về GS Tôn Thất Tùng.

Câu chuyện có một lúc trở lại với thời khắc cùng thời gian đẹp nhất của cuộc đời? Một GSTS Nguyễn Quang Tuấn gây rúng động dư luận. Một chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam, từng tốt nghiệp xuất sắc Đại học Toulouse đã từ chối làm việc ở nước ngoài để về nước cống hiến.

Rồi một Nguyễn Quang Tuấn Giám đốc BV (Bệnh viện) Tim Hà Nội cũng từng giành giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực y tế với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (phương pháp đặt stent)”. Rồi danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016. Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch Trường Đại học Y Hà Nội. Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội; Ủy viên Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương v.v…

GS Tuấn (áo xanh)

GS Tuấn (áo xanh)

Chất giọng thoắt sôi nổi cùng những nét tở mở trên khuôn mặt như sáng bừng. Ấy là khi giáo sư kể về những ngày chống dịch ở TP. HCM. Thời điểm đó ông đang là đối tượng bị điều tra và không ít những ngổn ngang tâm tư. Nhưng khi vào trận chiến thì ông như khác hẳn.

Khác là khi với chất giọng trầm tĩnh quen thuộc, GS Tuấn dõng dạc trước hàng quân mấy trăm bác sĩ chuẩn bị lên đường.

Sẽ hoàn toàn khác so với công tác chuyên môn hàng ngày. Chúng ta sẽ phải làm việc với quần áo bảo hộ trong thời tiết nắng, nóng, không điều hòa. Công việc hết sức vất vả và chưa biết ngày nào sẽ trở lại Hà Nội.

Điều kiện tiên quyết và sống còn là chúng ta phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình, an toàn cho đoàn công tác cũng như các đồng nghiệp từ rất nhiều tỉnh tham gia cùng chúng ta. Sức khỏe là điều kiện số 1, điều kiện tiên quyết để thành công trong công cuộc chống và dập dịch ở TP.HCM.

Day dứt cùng ân hận

Phải thiết lập Trung tâm ICU (chăm sóc đặc biệt) 500 giường nhanh nhất và đưa vào hoạt động ngay. Lo ăn, ở cho gần 2.000 nhân viên Trung tâm ICU và Trường cao đẳng y tế Bạch Mai. Thuốc men, vật tư, hóa chất, máy móc, ô xy... làm sao để cung ứng đầy đủ nhất có thể. Có như vậy anh em mới tập trung vào cứu chữa bệnh nhân được.

Trung tâm không từ chối bất kỳ bệnh nhân nào, cho dù nặng đến đâu cũng đều tập trung cứu chữa còn nước còn tát... chăm lo cả tinh thần cho anh em và bệnh nhân vì áp lực công việc và bệnh tật, chết chóc. Công việc cứ thế cuốn GS Tuấn và anh chị em liền mấy tháng trời.

Xuất kích vào TP. HCM

Xuất kích vào TP. HCM

Đêm 15/10 tất cả anh em trở về Hà Nội an toàn. Tuy có một số sinh viên bị lây covid, vài người bị tai nạn nhẹ.

Và hình như GS Nguyễn Quang Tuấn bị nặng nhất? Chưa hết 7 ngày cách ly, GS Tuấn đã nhận lệnh khởi tố!

Tôi ngập ngừng nhưng cũng vuột ra băn khoăn.

Thưa giáo sư hình như có một quan niệm tồn tại lâu năm trong hệ thống ngành Y ở Việt Nam là giám đốc BV mà không có chuyên môn cao hoặc tay nghề giỏi thì nói nhân viên không phục. Vì thế, lãnh đạo BV sẽ phải lựa chọn hoặc chuyên tâm làm quản lý, hoặc tập trung cho chuyên môn khám chữa bệnh. Khi lên làm quản lý, người bác sĩ phải học thêm các kiến thức về quản lý BV, đồng thời phải đánh đổi chuyên môn yêu thích của mình để tập trung quản lý.

Trong suy nghĩ của giáo sư có thường trực một áp lực, một sức ép như vậy không? Người đời đã từng nói có hai thứ tiêu khiển, tiền bạc và quyền lực? Một biểu hiện của tiêu khiển quyền lực là đây chăng? Giỏi chuyên môn thạo quản lý thì mới nói có người nghe, đe có người sợ?

Cũng xin chuyển đến giáo sư ý kiến của nhiều bạn đọc, rằng một chuyên gia giỏi chưa hẳn là một nhà quản lý cừ. Nhưng thưa giáo sư, một chuyên gia tim mạch danh tiếng có thể lắc đầu trước một chức tước để rảnh tâm mà nghiên cứu để khẳng định cùng những cống hiến của mình và nổi tiếng theo cách riêng của mình chứ? Hai vị trí Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Giáo sư có bị sức ép nào không nếu như ông thực tâm không muốn?

Để ý thấy những ngón tay của ông duỗi xòe một cách thoải mái.

Áp lực ư? Có đấy! Đó là động cơ, là cú hích để cho bản thân tôi phải gắng gỏi. Nhà báo nói đúng! Một thầy thuốc giỏi có thể cứu chữa được rất nhiều người. Nhưng nếu một nhà quản lý giỏi thì có thể tạo cho rất nhiều bác sĩ giỏi có môi trường, phương tiện, cơ hội... để thực thi tốt hơn công việc chữa bệnh, cứu người.

Khi tôi về nhận nhiệm vụ ở Viện Tim non trẻ, suốt 8 năm trời vật lộn với muôn vàn khó khăn. Tôi cùng anh em đồng nghiệp đã đưa Viện Tim thành BV chuyên khoa tuyến cuối của quốc gia với quy mô điều trị lớn gồm nhiều trung tâm chuyên môn có kỹ thuật chuyên sâu; một cơ sở đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hàng đầu của cả nước góp phần nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở, giảm tải cho hệ thống y tế Trung ương.

GS Tuấn: "Điều day dứt nhất của tôi là một bác sĩ có sứ mệnh chữa bệnh cứu người, một trí thức luôn coi trọng danh dự, hơn 30 năm qua đã cống hiến quên mình cho sự nghiệp, hết lòng vì người bệnh. Tôi thực sự dằn vặt, khổ tâm vì những sơ suất do chưa sát sao, thiếu chặt chẽ và chưa đúng của mình"

GS Tuấn: "Điều day dứt nhất của tôi là một bác sĩ có sứ mệnh chữa bệnh cứu người, một trí thức luôn coi trọng danh dự, hơn 30 năm qua đã cống hiến quên mình cho sự nghiệp, hết lòng vì người bệnh. Tôi thực sự dằn vặt, khổ tâm vì những sơ suất do chưa sát sao, thiếu chặt chẽ và chưa đúng của mình"

Tôi đang thoáng nghĩ về Bạch Mai.

Về một BV nhỏ bé ra đời năm 1911 có tên Nhà thương Cống Vọng. Năm 1935 tên mới Hospital de René Robin, quy mô lớn hơn, là cơ sở thực hành của trường Đại học Y khoa Đông Dương. Năm 1945, mới có tên là Bạch Mai.

Rồi Bạch Mai sáng giá vang danh với những tên tuổi y đức, cố giáo sư Hồ Đắc Di, Đặng Văn Chung, Tôn Thất Tùng, Trịnh Ngọc Phan, Đỗ Đình Địch, rồi thầy Nhạc, thầy Khải, thầy Trạch… Và một Bạch Mai như xong một vai trò giai đoạn lịch sử.

Thời điểm giáo sư về Bạch Mai là như nào?

Những ngón tay của GS Tuấn lại xòe ra cởi mở.

-Chuyện thì dài lắm. Thời điểm đó BV vẫn chững chạc tên tuổi một BV tuyến đầu, nhiều thành tựu và cũng chồng chất khó khăn, thử thách, cơ chế cũ mới đan xen... Qua hơn một năm thực hiện thí điểm tự chủ (Nghị quyết 33 của Chính phủ cho phép 4 BV lớn là Bạch Mai, Việt Đức, K (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM) thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn (có nghĩa là các BV không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước- XB) mặc dù gặp nhiều khó khăn về tổ chức, quy chế hoạt động, rồi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ập đến… Đảng ủy, Ban Giám đốc và Hội đồng quản lý BV đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng tự chủ, tăng cường sự minh bạch, tính hiệu quả trong quản lý, quản trị bệnh viện, lấy người bệnh làm trung tâm để đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người bệnh.

Xin giáo sư nói cụ thể hơn?

-Cá nhân tôi đã cùng lãnh đạo BV tổ chức, sắp xếp và quản lý chặt chẽ quy trình khám, chữa bệnh hướng tới mục tiêu: một BV đầu ngành, uy tín, vững mạnh về mọi mặt của đất nước. Rất nhiều bệnh nhân đã ghi nhận điều này. Hay ít ra họ không phải bỏ tiền mua phích nước sôi, trả tiền khi đi xe điện hay đi vệ sinh, không phải nằm ghép, nắng thì có ô che, lạnh thì có lò sưởi, người bệnh được tôn trọng hơn, bước đầu không còn tệ nạn phong bì nữa, giá khám, chữa bệnh đã hợp lý hơn...

Băn khoăn và cả hoang mang

Trở lại cái lệnh khởi tố, xin được hỏi thẳng giáo sư, có lẽ không ai bắt ông phải ký vào những hợp đồng đấu thầu mà chỉ những người trong cuộc mới có thể biết được?

GS Tuấn im lặng một lát. Rồi ông mới chậm rãi, thận trọng:

-Thời điểm 2016, theo phân cấp quản lý, việc giám đốc là người trực tiếp ký các văn bản thủ tục đấu thầu là đúng với chức trách và nhiệm vụ. Tôi hoàn toàn tin tưởng giao phó cho những người có chức năng nhiệm vụ cung ứng trang thiết bị vật tư cho BV thực hiện những công việc liên quan tới công tác đấu thầu, xác định giá...

Do không trực tiếp tham gia điều hành các công việc liên quan tới hoạt động đấu thầu, tôi tự nhận thấy thiếu sót của mình trong trách nhiệm người đứng đầu, đã không hiểu rõ và nắm được hết các sai phạm có thể xảy ra trong quá trình xây dựng giá, kế hoạch, quy trình lựa chọn nhà thầu của cấp dưới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quy định còn chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều khoảng trống về hướng dẫn thực hiện, các BV vẫn vừa làm vừa học hỏi và vận dụng theo một cách chung mà sau này mới nhận thức ra đó là cách làm chưa chuẩn xác

Xin lỗi, những thời khắc khó khăn vừa qua có vẻ khiến giáo sư như kém ngủ? Nghiêm khắc soi rọi mình, ông day dứt nhất điều gì?

"Điều ân hận nhất là do bản thân hạn hẹp về kiến thức kinh tế, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm nên đã để xảy ra những sai sót đau lòng không đáng có, để một số nhân viên của mình bị rơi vào vòng lao lý, để nhân dân thất vọng vì mình"- GS Tuấn.

"Điều ân hận nhất là do bản thân hạn hẹp về kiến thức kinh tế, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm nên đã để xảy ra những sai sót đau lòng không đáng có, để một số nhân viên của mình bị rơi vào vòng lao lý, để nhân dân thất vọng vì mình"- GS Tuấn.

-Điều day dứt nhất của tôi là một bác sĩ có sứ mệnh chữa bệnh cứu người, một trí thức luôn coi trọng danh dự, hơn 30 năm qua đã cống hiến quên mình cho sự nghiệp, hết lòng vì người bệnh. Tôi thực sự dằn vặt, khổ tâm vì những sơ xuất do chưa sát sao, thiếu chặt chẽ và chưa đúng của mình.

Tôi cũng tự nhận thấy vì quá tập trung vào chuyên môn như chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy... nên đã lơi lỏng trong công tác quản lý. Điều ân hận nhất là do bản thân hạn hẹp về kiến thức kinh tế, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm nên đã để xảy ra những sai sót đau lòng không đáng có, để một số nhân viên của mình bị rơi vào vòng lao lý, để nhân dân thất vọng vì mình.

Và còn điều gì giáo sư thấy băn khoăn khó nói?

-Xin lỗi không những băn khoăn mà còn hoang mang nữa.

Chẳng hạn như giá của các trang thiết bị vật tư y tế trúng thầu tại BV Tim Hà Nội được cơ quan điều tra xác định cao hơn so với giá trị thực tế, thì theo quy định hiện hành các Trang thiết bị y tế (bao gồm Thiết bị y tế, Vật tư y tế tiêu hao, hóa chất xét nghiệm) chưa là danh mục phải thực hiện kê khai giá đầu vào (Hiện tại mới chỉ có Thuốc thực hiện kê khai giá đầu vào, giá bán ra) vì vậy BV không có cơ sở, căn cứ để yêu cầu các nhà thầu tham dự thầu cung cấp giá nhập khẩu (Giá CIF) ghi trên Tờ khai Hải quan.

BV đã thuê tư vấn từ công ty thẩm định giá và tham khảo từ kết quả trúng thầu đã có từ các đơn vị khác, vì đây là mặt hàng được sử dụng khá phổ biến ở một số BV có can thiệp tim mạch trên địa bàn Hà Nội và cả nước (12 đơn vị trên phạm vi toàn quốc), và giá trúng thầu của BV Tim Hà Nội cũng tương đương các BV khác.

Như vậy có bị coi là thổi giá không xin hỏi nhà báo? Vì các đơn vị đều không biết giá đầu vào? Có thể do nhà phân phối họ mua rẻ bán đắt mà các đơn vị sử dụng không biết? Lỗi gây thất thoát tài sản này thuộc về các đơn vị sử dụng hay nhà phân phối? Thực sự tôi rất hoang mang về vấn đề này.

Tôi trở nên lúng túng. Trước những băn khoăn thậm chí cả hoang mang trong những bộc bạch của GS Tuấn, mình đâu phải chuyên môn? Hy vọng cơ quan chức năng sẽ cẩn trọng trong việc điều tra xác minh!

Cuối cuộc gặp, tôi cũng ngỏ với giáo sư một số ý kiến sẻ chia của bạn đọc không biết trúng trúng trật trật tới đâu, rằng nếu ở Việt Nam sớm có cơ chế quản lý BV rõ ràng hơn, đặc biệt quy định người điều hành BV phải có chuyên môn quản lý BV mà không nhất thiết phải giỏi khám, chữa bệnh. Một mô hình BV có giám đốc điều hành và giám đốc chuyên môn thì khó xảy ra những trường hợp buồn như GS Tuấn?

Trái tim người, một tặng vật cùng bí quyết của Tạo hóa mãi luôn là những thách đố bí ẩn? Muốn trái tim khỏe để yêu thương không chỉ có những thứ như Ích tâm khang. Mà phải đương và sẽ luôn thường trực những giải mã những can thiệp kỹ thuật cao tức thời lẫn lâu dài. Lương dân Việt đương khẩn cần những chuyên gia tim mạch như GS Tuấn?

Canh bạc đời ở tuổi 54 đâu đã kết? Câu thơ của Đoàn Thị Lam Luyến thoắt trở lại Chửa tiêu gì ra món/ đã hết veo cuộc đời. Cú ngã này đâu để phải xuội lơ. GS Tuấn còn bao điều cùng lắm thứ để vịn mà đứng dậy với tư cách một chuyên gia tim mạch. Đứng dậy đứng thẳng ngay chỗ mình vừa ngã! Còn bao thứ để chi dùng để bảo hiểm cho những sự dài dặc cùng bất trắc bất an. Cánh cửa cơ chế đâu đã sập. Vòng tay bạn bè đồng nghiệp vẫn giang ra… Địa vị. Uy tín chuyên môn. Cả cái ơn của nhiều ngàn con bệnh được hồi sinh được cứu sống đang như một dư địa của Âm đức?

Bàn tay chìa rộng của giáo sư lúc chia tay truyền sang một cảm giác ấm lành.

Ngày 21-10-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn - GĐ BV Bạch Mai - do vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.

C03 cáo buộc ông Tuấn cùng một số cán bộ BV Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan có vi phạm trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Liên quan vụ án này, từ ngày 13/5 đến nay, C03 đã khởi tố, tạm giam 9 người, trong đó có bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, cựu Phó Giám đốc BV Tim; Nguyễn Thị Dung Hạnh, cựu kế toán trưởng, ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu; Đoàn Trọng Bình, cựu Phó phòng phụ trách Phòng Vật tư, ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên tổ thẩm định; Nghiêm Tuấn Linh, cựu Phó trưởng Phòng Vật tư, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu...