Tại hội thảo du lịch “Phát huy giá trị sự kiện, lễ hội thúc đẩy tăng trưởng du lịch tại Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế" do Hội Lữ hành du lịch Đà Nẵng tổ chức, ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Hội khách sạn TP Đà Nẵng - đã chia sẻ tâm huyết về định hướng này đối với ngành du lịch của 3 địa phương.
- Có lẽ đây lần đầu tiên ngành du lịch 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế cùng hợp tác để tìm ra những giá trị cốt lõi về du lịch của mỗi địa phương, từ đó xây dựng chiến lược phát triển du lịch cụm tỉnh thành này. Ông đánh giá như thế nào về nội dung của hội thảo, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Theo tôi, đây là một hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy và phát triển du lịch các địa phương, từ bài học của kinh nghiệm của Cung hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng.
Hiện Cung hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng đang cùng một số trung tâm hội nghị triển lãm tại các TP lớn thành lập liên kết các trung tâm hội nghị khu vực để tạo nên sức mạnh chung. Tôi hiểu được những giá trị cốt lõi của từng sự kiện cũng như lễ hội…, cũng như đâu là điểm hấp dẫn du khách. Nên việc 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế hợp tác để cùng tìm ra cách thức thúc đẩy du lịch là điều nên làm và cần làm.
- Điều gì ở hội thảo gây sự hứng thú nhất, hay làm ông tâm đắc nhất, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Theo dõi từ đầu hội thảo, tôi nhận thấy đa số ý từ các bài tham luận đều nói về lễ hội tín ngưỡng như là một cách thu hút khách du lịch. Tôi rất hứng thú về ý kiến của anh Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - khi nói về chiến lược biến Đà Nẵng thành sân khấu của các sự kiện quốc tế, các lễ hội quốc tế…
Với quan điểm này, tôi xin bổ sung thêm là chúng ta phải có những buổi trình diễn lễ hội nước nhà, tỉnh nhà ra thế giới. Ví dụ như Lễ hội Phở Việt Nam tại Tokyo ngày 7-8/10 vừa qua, tại sao không phải là Lễ hội Mỳ Quảng tại một điểm đến có đường bay thẳng tới Đà Nẵng?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh hiện là Chủ tịch Hội khách sạn TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng.
Ông Quỳnh còn là Tổng Giám đốc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An - đơn vị quản lý vận hành Khu nghỉ dưỡng Furama Resort, Furama Villas, Cung hội nghị quốc tế Ariyana và là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Long, kiêm Giám đốc khối khách sạn nghỉ dưỡng - Trung tâm thương mại.
Xét về chiến lược liên kết 3 tỉnh Thừa thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, cái quan trọng là làm sao hoà nhập mà không hoà tan. 3 trong 1 nhưng 3 điểm đến là 3 sự khác biệt: Quảng Nam là làng nghề, di sản; Đà Nẵng là TP di sản và toàn cầu; Thừa thiên Huế là cố đô, cung đình và ẩm thực, cùng phát huy những giá trị và tinh hoa của mình mà vẫn có thể cùng tổ chức sự kiện đồng bộ.
Trong 3 tỉnh thành này dứt khoát phải có một trở thành TP toàn cầu để kích cầu điểm đến. Ở đây theo tôi là Đà Nẵng.
- Với quan điểm đó, ông có hiến kế gì cho 3 địa phương không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Quỳnh: Theo tôi, có nhiều cách để ba địa phương này cùng hợp tác phát triển. Thứ nhất là cần xây dựng một mạng lưới hợp tác giữa các địa phương. Các địa phương nên thiết lập một cơ chế hợp tác chặt chẽ để chia sẻ thông tin, kế hoạch và tài nguyên. Một tổ chức hoặc hiệp hội du lịch có thể được thành lập để quản lý hợp tác này.
Tiếp theo đó là tạo ra gói du lịch kết hợp. Tức là phát triển các gói du lịch kết hợp giữa ba địa phương. Ví dụ, du khách có thể mua gói du lịch bao gồm tham quan lịch sử ở Huế, thư giãn tại bãi biển Đà Nẵng và khám phá văn hóa ẩm thực ở Quảng Nam.
Liên kết vận chuyển là vấn đề cần được quan tâm. Cần có hợp tác với các công ty vận chuyển địa phương để tạo ra một hệ thống vận chuyển thuận tiện giữa 3 địa phương. Điều này có thể bao gồm dịch vụ xe buýt, chuyến bay nội địa và tàu hỏa.
Đặc biệt, cần có sự kiện và lễ hội chung của 3 địa phương. Chúng ta cần tổ chức các sự kiện và lễ hội lớn chung để thu hút sự chú ý của du khách từ cả 3 địa phương. Điều này có thể bao gồm lễ hội biển chung, triển lãm nghệ thuật và âm nhạc quốc tế.
Phát triển sản phẩm du lịch độc đáo là điều cần làm ngay. Đó là sự hợp tác để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và trải nghiệm tại ba địa phương. Ví dụ, khám phá các tuyến đường ẩm thực kết hợp giữa các địa điểm ẩm thực nổi tiếng của Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Thêm vào đó, để đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của du khách, chúng ta cần có các khóa đào tạo và hội thảo để chia sẻ kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực du lịch, quản lý sự kiện và tiếp thị.
Bên cạnh đó, tạo nên sự trải nghiệm toàn diện cho du khách. Điều này thể hiện ở việc chúng ta có thể hỗ trợ việc du khách có thể dễ dàng di chuyển giữa ba địa phương, cung cấp thông tin hữu ích và dịch vụ khách hàng xuất sắc.
Một điểm nữa là cần có chiến lược quảng bá, sử dụng chiến dịch tiếp thị và quảng cáo để quảng bá khu vực toàn bộ Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế như một điểm đến du lịch hấp dẫn và đa dạng.
Và cuối cùng là vấn đề bảo vệ môi trường. Sự hợp tác trong việc bảo vệ môi trường và duy trì cảnh quan thiên nhiên đẹp của khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch bền vững.
Thiết nghĩ, sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 địa phương này sẽ giúp tạo ra một tác động kinh tế tích cực, tăng trưởng du lịch bền vững và nâng cao uy tín của vùng miền Trung Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Cảm ơn ông!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu