Kinh tế Đà Nẵng sẽ ra sao sau cơn tạm lắng của dịch COVID-19 lần thứ 4?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã chia sẻ với VietTimes về kịch bản phát triển kinh tế TP Đà Nẵng trong quý 4/2021 và của năm 2022.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Ngày 24/9, tại hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp, UBND TP Đà Nẵng đã thông tin về 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng trong bối cảnh mới. Trong đó hướng tới phương án tăng trưởng GRDP năm 2021 tăng 1,59% so với năm 2020 và tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 của Đà Nẵng sẽ đạt mức 5,75% so với năm 2021. Tuy nhiên, trong các kịch bản kinh tế, tất cả đều phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 và khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Vậy với những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, Đà Nẵng sẽ phải làm gì để đạt được tốc độ tăng trưởng đề ra sau cơn tạm lắng của dịch COVID-19 lần thứ 4, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về vấn đề này.

Tập trung đầu tư công, thúc đẩy sản xuất công nghiệp

- Tại hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp vừa diễn ra vào cuối tháng 9/2021, UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho Đà Nẵng trong năm 2021 và năm 2022, ông có thể chia sẻ những căn cứ nào mà Đà Nẵng đưa ra kịch bản này?

Ông Lê Trung Chinh: Đó là kịch bản khôi phục kinh tế được dựa trên dự thảo của Bộ Y tế về diễn biến của tình hình phòng, chống dịch COVID-19 với các tiêu chí phân định xếp hạng cho các địa phương ở các cấp độ nào. Với tiêu chí đó thì TP Đà Nẵng ở cấp độ 1, cấp độ bình thường mới với một số các dịch vụ được hoạt động trở lại. Theo đó, nếu hoạt động trở lại như dự kiến đưa ra, cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động bình thường thì có thể đạt được những chỉ tiêu như 3 kịch bản đã đề ra.

- Với những kỳ vọng đó, liệu Đà Nẵng có thể đạt được tốc độ tăng trưởng như kịch bản đã đề ra hay không? Và để đạt được thì Đà Nẵng phải làm gì để thúc đẩy các chỉ tiêu thành phần trong cơ cấu GRDP của địa phương?

Ông Lê Trung Chinh: So với các kịch bản đưa ra của 6 tháng đầu năm 2021, kịch bản khôi phục kinh tế lần này cũng đã điều chỉnh lại rất nhiều.

Chúng ta nên xem lại diễn biến kinh tế của Đà Nẵng trong 5 tháng đầu năm 2021. Khi đó, kinh tế Đà Nẵng đã tăng trưởng rất tốt với con số khoảng 4,97%. Đến tháng 5 và tháng 6 thì toàn TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng dịch, địa phương cũng đã cố gắng để hạn chế sự tác động tiêu cực đến nền kinh tế và 6 tháng đầu năm 2021 Đà Nẵng vẫn còn tăng trưởng.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2021, diễn biến dịch trên địa bàn diễn biến phức tạp, căng thẳng, buộc TP phải tạm dừng một số hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí áp dụng biện pháp siết chặt nên kinh tế đã giảm sâu ở quý III/2021. Chính vì vậy, Đà Nẵng phải điều chỉnh lại kịch bản kinh tế của năm 2021 và dự báo của 3 tháng đầu năm 2022.

Cầu Rồng (Đà Nẵng) trong ngày đầu tiên TP Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường mới

Cầu Rồng (Đà Nẵng) trong ngày đầu tiên TP Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường mới

Với những diễn biến đó, Đà Nẵng đã đề ra những giải pháp cụ thể để từng bước khôi phục kinh tế. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2021, Đà Nẵng sẽ tập trung giải ngân đầu tư công, thứ hai là phát triển công nghiệp, khôi phục sản xuất tại các nhà máy, các khu công nghiệp. Điều này đã được Đà Nẵng triển khai thông qua việc ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp hoạt động trở lại.

Từ nay đến cuối năm, có thể sẽ có thêm một số dịch vụ được mở trở lại, dù là ít và tăng trưởng không nhiều, nhưng sẽ tạo tiền đề để khởi động ngành dịch vụ, du lịch. Hy vọng cuối năm Âm lịch và đầu năm Dương lịch 2022 sẽ khởi sắc trở lại các hoạt động dịch vụ, du lịch, góp phần khôi phục kinh tế.

Khởi động ngành du lịch bằng sản phẩm chất lượng cao và khép kín

- Nguồn thu từ du lịch và bất động sản luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP của Đà Nẵng suốt thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến tăng trưởng của các ngành này gần như “về 0”, thậm chí tụt âm. Vậy theo ông, Đà Nẵng cần làm gì để khôi phục lại các chỉ số ngành này nói riênng và kinh tế Đà Nẵng nói chung, khi mà đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn chưa có kế hoạch mở trở lại đối với những ngành nói trên?

Ông Lê Trung Chinh: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cũng đã cơ bản được kiểm soát, TP cũng đang xây dựng phương án để phục hồi kinh tế. Và như tôi đã chia sẻ, nếu diễn biến dịch từ nay đến cuối năm 2021 ổn định, tình hình tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ thì hoạt động du lịch sẽ khởi sắc trở lại.

Chúng tôi đã xây dựng phương án phát triển ngành du lịch và sẽ xin Trung ương cho phép triển khai dịch vụ du lịch cho người nước ngoài theo hình thức khép kín, quan tâm đến dịch vụ du lịch golf, du lịch Luxury. Sẽ mở một số hoạt động du lịch nội địa đối với các địa phương có công tác phòng dịch tốt… Hiện Sở Du lịch đang khẩn trương hoàn thiện các phương án để triển khai… Với những phương án đưa ra như vậy, chúng ta có thể hy vọng khởi sắc trở lại.

Clip: Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ cùng VietTimes về định hướng khôi phục kinh tế địa phương trong quý 4/2021 và năm 2022

- Đà Nẵng được xem là một trong số ít địa phương sử dụng biện pháp “cứng rắn” trong công tác phòng chống dịch, nhất là áp dụng chỉ thị phong toả tuyệt đối toàn TP để kiểm soát dịch bệnh. Với việc áp dụng biện pháp đó, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn trong tình trạng “ngưng hoạt động” và gây những thiệt hại to lớn cho doanh nghiệp. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề này và ông có nhắn nhủ gì với cộng đồng doanh nghiệp?

Ông Lê Trung Chinh: Có thể nói đến thời điểm này, công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng đã cơ bản được kiểm soát. Để đạt được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị thì sự đóng góp, đồng hành của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp là rất to lớn.

Chúng tôi rất cảm ơn sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp khi đã chia sẻ, hỗ trợ đối với TP, đối với người dân. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã hỗ trợ, giúp đỡ TP, chia sẻ khó khăn với TP để TP sớm kiểm soát được dịch bệnh.

TP rất chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, nên TP cũng đã sớm có những chính sách hỗ trợ bước đầu để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất. Bên cạnh các chính sách chung của cả nước thì Đà Nẵng cũng có nhiều chính sách riêng có của địa phương đối với doanh nghiệp và hiện nay, các sở ngành đang triển khai thực hiện các chủ trương này

Cũng sắp đến ngày 13/10, ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt UBND TP, tôi gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp, xin ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác phòng chống dịch, cũng như sự phát triển của Đà Nẵng. TP cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp sớm ổn định và đi vào hoạt động.

- Xin cảm ơn ông!

Đà Nẵng phấn đấu chỉ số GRDP trên địa bàn năm 2021 (giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020. Các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,86%, 1,74% và 0,98%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt 89,8% so dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.

3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022:

- Kịch bản Thấp: tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%.

- Kịch bản Trung bình: tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 5,75% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%.

- Kịch bản Cao: tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Theo UBND TP Đà Nẵng, dự kiến đến cuối tháng 10/2021, địa phương đạt 100% tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 và 22,1% mũi 2. Khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới) và khả năng Đà Nẵng sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản trung bình. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại thì khả năng Đà Nẵng sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản cao.