Đà Nẵng làm gì để vực dậy kinh tế sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đà Nẵng vừa công bố 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế theo các cấp độ cho Đà Nẵng trong năm 2022 sau những tác động nặng nề do dịch COVID-19 gây ra
Xe taxi ở Đà Nẵng bỏ bãi, phơi mưa nắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Xe taxi ở Đà Nẵng bỏ bãi, phơi mưa nắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19

“Tác dụng phụ” của biện pháp cứng rắn phòng dịch COVID-19

Ngày 24/9, tại hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được của việc áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 nhằm khống chế dịch bệnh lây lan trên địa bàn, thì biện pháp cấp bách cũng đã làm cho giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ lực của Đà Nẵng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân.

Cụ thể, dịch vụ du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng đã phải chịu nhiều tác động trực tiếp từ dịch COVID-19. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước chỉ đạt 2.074 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2020; Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn giảm 4,16% so với cùng kỳ 2020; Tống vốn đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao đạt 1.827 tỷ đồng, giảm mạnh 88,58% so với cùng kỳ 2020.

Không những vậy, trong 8 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện đăng ký cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã giảm 13,4% và giảm 18,2% về số vốn điều lệ đăng ký so với cùng kỳ 2020. Sở KH&ĐT TP Đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 542 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 2.297 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp diễn ra ngày 24/9

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp diễn ra ngày 24/9

Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán của 9 tháng đầu năm 2021 chỉ ước đạt 3.500 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch Trung ương giao và 36,7% HĐND TP giao; Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 15.049,8 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND TP giao.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới

Trước những khó khăn trên, Đà Nẵng nỗ lực duy trì để phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản trong những tháng còn lại. "UBND TP Đà Nẵng phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020. Các khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,86%, 1,74% và 0,98%. Bên cạnh đó, phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt 89,8% so dự toán HĐND TP giao"- ông Hồ Kỳ Minh cho biết.

Đặc biệt, sau khi áp dụng những biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội trong giai đoạn bình thường mới, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, Đà Nẵng đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 theo 3 cấp độ: thấp, trung bình và cao. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực dịch vụ, khu vực nông- lâm-thủy sản sẽ cơ bản duy trì như những năm trước.

Tại kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 của Đà Nẵng sẽ đạt 4,47% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông- lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 1,85%, 5,4% và 3,87%.

Đối với kịch bản trung bình, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 của Đà Nẵng sẽ ở mức 5,75% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông- lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 2,5%; 6,8% và 5,4%.

Hoạt động bán lẻ, cung cấp nhu yếu phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận tăng ttrong 9 tháng đầu năm 2021 (ảnh: người dân Đà Nẵng mua nhu yếu phẩm tại chợ truyền thống)
Hoạt động bán lẻ, cung cấp nhu yếu phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận tăng ttrong 9 tháng đầu năm 2021 (ảnh: người dân Đà Nẵng mua nhu yếu phẩm tại chợ truyền thống)

Kịch bản ở mức cao sẽ có tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021, trong đó các khu vực nông- lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 3,01%, 8,40% và 6,63%.

Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, dự kiến tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 ở Đà Nẵng đạt trên 95% vào cuối tháng 9/2021 và 100% mũi 1 và 22,1% mũi 2 vào cuối tháng 10/2021. Đối với khả năng kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ 1 (trạng thái bình thường mới) thì khả năng TP sẽ đạt được các chỉ tiêu năm 2022 theo kịch bản trung bình. Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế quốc tế sớm phục hồi trở lại thì các ngành kinh tế cấp 1 chiếm tỷ trọng cao trong GRDP của TP Đà Nẵng phục hồi nhanh, trở lại mức tương đương hoặc cao hơn năm 2019 thì khả năng TP sẽ đạt được tăng trưởng ở mức kịch bản cao.

9 tháng đầu năm 2021, kinh tế Đà Nẵng cũng đã ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm của Đà Nẵng ước đạt 43.066 tỷ đồng, tăng 5,6%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.306 triệu USD, tăng 14,9%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 10.444 tỷ đồng, tăng 6,3%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 65,5 triệu USD, tăng 8,6%; tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm 2021 đạt 149,135 triệu USD, tăng 27,4 triệu USD.

Đặc biệt, đầu năm 2021, Đà Nẵng đã thành lập 2 tổ công tác để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, bao gồm: Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng (Tổ công tác 509) và Tổ công tác liên ngành tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề liên quan khác đối với dự án, khu đất trên địa bàn (Tổ Công tác 602).