Kinh tế Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại, doanh nghiệp ngừng hoạt động tiếp tục ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo báo cáo kinh tế xã hội TP Đà Nẵng tháng 11/2023, tốc độ phát triển kinh tế của TP có dấu hiệu chững lại, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Kinh tế Đà Nẵng trong tháng 11/2023 có dấu hiệu chững lại, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao.
Kinh tế Đà Nẵng trong tháng 11/2023 có dấu hiệu chững lại, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao.

Sản xuất tiếp tục khó khăn

Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, hoạt động sản xuất trên địa bàn TP Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các ngành công nghiệp nền tảng như dệt may; chế biến gỗ; sản xuất các sản phẩm từ kim loại, khoáng phi kim loại… đều sụt giảm đáng kể về cả chỉ số sản xuất lẫn kim ngạch xuất khẩu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2023 ước tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,8%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 6,3%; hoạt động cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,1%; hoạt động khai khoáng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Thương mại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng không có nhiều biến động, sức mua và nhu cầu thị trường vẫn được duy trì tương đối ổn định trong bối cảnh thời tiết mưa lớn xảy ra cục bộ một số thời điểm trong tháng.

vt_da nang dua day chuyen san xuat vi mach dien tu smt dau tien vao hoat dong 1.jpg
Dây chuyển sản xuất chíp tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước đạt 10.444 tỉ đồng, giảm 0,5% so với tháng trước; tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 115.748 tỉ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Du lịch trên đà phục hồi

Hoạt động du lịch của Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại trong tháng 11/2023. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, du lịch thành phố trong 11 tháng qua vẫn trên đà phục hồi, thể hiện vai trò là động lực phát triển kinh tế của Đà Nẵng.

Ước tính doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 11/2023 đạt 1.748 tỉ đồng, giảm 4,7% so với tháng trước nhưng tăng 17,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 699 tỉ đồng, giảm 9,3% so với tháng 10/2023 và tăng 20,9% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.048 tỉ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 20.826 tỉ đồng, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 8.946 tỉ đồng, tăng 57,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 11.880 tỉ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 11/2023 ước đạt 519 nghìn lượt, giảm 3,8% so với tháng trước và tăng 78,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 134 nghìn lượt, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 131,1% so với tháng cùng kỳ; khách du lịch trong nước ước đạt 385 nghìn lượt, giảm 4,9% so với tháng trước và tăng 65,6% so với tháng cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 6.853 nghìn lượt, tăng 102,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 1.838 nghìn lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ; khách trong nước đạt hơn 5.015 nghìn lượt, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2022.

vt_tau du lich 2.jpg
Du lịch Đà Nẵng tiếp tục phục hồi, đóng góp cho kinh tế địa phương

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 11/2023 ước đạt 2.393 tỉ đồng, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 6,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 27.900 tỉ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 11/2023, dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 268 tỉ đồng, giảm 2,2% so với tháng trước và giảm 68,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự tính 11 tháng năm 2023 đạt 4.272 tỉ đồng, giảm 46,1% so với 11 tháng năm 2022.

Thu ngân sách giảm 14,7%

Thu ngân sách nhà nước các tháng năm 2023 trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng chịu ảnh hướng lớn do những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới. Kinh tế Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, tình hình sản xuất gặp khó khăn do chuỗi giá trị tiếp tục bị đứt gãy, số lượng đơn hàng mới giảm, thu nhập người dân giảm tác động nhiều đến các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng, thị trường bất động sản trầm lắng, sản xuất công nghiệp, suy giảm do mặt bằng lãi suất cao và tổng cầu sụt giảm.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do trung ương ban hành tiếp tục tác động làm giảm thu ngân sách của thành phố.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/11 đạt 18.450 tỉ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 4.928 tỉ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 13.522 tỉ đồng. Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (86,7%) và là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi trong năm.

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức dẫn đến nguồn thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.121 tỉ đồng, giảm 49,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/11 đạt 23.012 tỉ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 7.669 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022; hoạt động chi thường xuyên đạt 15.301 tỉ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước…

Doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 15,2%

Đặc biệt, tốc độ phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022 (tương đương với 1.590 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc năm 2023 so với 2.146 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc cùng kỳ năm 2022).

Nguyên nhân do một số ngành nghề vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn còn tăng 15,2% so với cùng kỳ (tương đương 3.793 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với 3.292 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc năm 2022).

Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 610 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện; giảm 3,63% so với cùng kỳ năm 2022, tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với 549 doanh nghiệp với số vốn giảm là 2.654,2 tỉ đồng.

Từ ngày 16/10 đến ngày 15/11, Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 357 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 754,2 tỉ đồng, giảm 1,4% về số doanh nghiệp và giảm 47% về vốn đăng ký mới so với cùng kỳ 2022 (tương đương với 362 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 1.419,4 tỉ đồng).

vt_cang lien chieu 11.png
Một góc dự án trọng điểm - Cảng biển Liên Chiểu Đà Nẵng

Lũy kế 11 tháng năm 2023, Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.847 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 16.120,3 tỉ đồng; giảm 8,1% về số doanh nghiệp và giảm 23,6% về số vốn so với cùng kỳ 2022 (tương đương với 4.184 doanh nghiệp với vốn đăng ký 21.104,5 tỉ đồng).

Hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng có 39.360 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 252.023,9 tỉ đồng. Tổng số hồ sơ liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý trong 11 tháng là 22.514 hồ sơ, trong đó có 16.885 hồ sơ trực tuyến (chiếm tỷ lệ 75%).

Thu hút đầu tư FDI tăng nhẹ

Tính đến ngày 15/11, TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới 8.788 tỉ đồng. Trong đó, có 9 dự án cấp mới nằm ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 6.297,2 tỉ đồng; có 14 dự án cấp mới nằm trong khu công nghiệp, khu công nghê cao và khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 2.490,8 tỉ đồng.

Đối với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính từ đầu năm 2023 đến nay, Đà Nẵng có 96 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới là 149,931 triệu USD; 37 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 20,644 triệu USD; có 33 lượt mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 10,431 triệu USD… tổng giá trị 181,006 triệu USD, tăng 1,36 lần so cùng kỳ năm 2022.