Không quân Mỹ đẩy nhanh phát triển dự án “Máy bay hiệp đồng tác chiến”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo US Defense News, Không quân Mỹ có kế hoạch thành lập phi đội "Máy bay hiệp đồng chiến đấu" gồm các máy bay không người lái trong năm nay.

Không quân Mỹ đang đẩy nhanh việc phát triển dự án "Máy bay hiệp đồng tác chiến" (Ảnh: 81.cn)
Không quân Mỹ đang đẩy nhanh việc phát triển dự án "Máy bay hiệp đồng tác chiến" (Ảnh: 81.cn)

Dự án "Máy bay hiệp đồng chiến đấu" (Cooperative combat aircraft) nhằm sử dụng các máy bay không người lái (UAV) phối hợp thực hiện các nhiệm vụ không chiến với các máy bay chiến đấu F-35A hoặc máy bay "ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" (NGAD).

Được biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng với 5 công ty quốc phòng trong đó có Boeing và Anduril để cùng thúc đẩy phát triển dự án Bộ trưởng Không quân Frank Kendall tuyên bố, Không quân Mỹ trong tương lai sẽ trang bị ít nhất 1.000 "máy bay hiệp đồng chiến đấu". Có nhiều dấu hiệu cho thấy dự án "máy bay hiệp đồng chiến đấu" của Không quân Mỹ đã bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng.

Đối phó với các mối đe dọa cao cấp

Lực lượng Không quân Mỹ từ lâu đã dốc sức thiết lập và duy trì ưu thế trên không lâu dài và hiệu quả. Kể từ Chiến tranh vùng Vịnh, Không quân Mỹ đã có quá trình hiện đại hóa chậm do các yếu tố như điều chỉnh cơ cấu lực lượng và cắt giảm dự án, kho máy bay chiến đấu ngày càng cũ, kế hoạch mua sắm máy bay chiến đấu F-22 giảm đáng kể và việc lắp ráp máy bay chiến đấu F-35 bị trì hoãn khiến năng lực chiến đấu của lực lượng không quân nước này suy giảm nghiêm trọng.

Do đó, Không quân Mỹ cần khẩn trương thành lập và triển khai phi đội máy bay không người lái tương đối lớn để phát triển khả năng tác chiến đột phá và giành được lợi thế tác chiến bất đối xứng.

bo-truong-khong-quan-my-686.jpg
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall: trong tương lai Không quân sẽ trang bị ít nhất 1000 "máy bay hiệp đồng tác chiến" (Ảnh: AP).

Vào tháng 12/2021, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall lần đầu tiên tiết lộ trong một bài phát biểu trước công chúng rằng sẽ trang bị "máy bay hiệp đồng chiến đấu" phối thuộc với máy bay chiến đấu F-35A và máy bay "ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" (NGAD).

Phi đội máy bay không người lái này thực hiện chức năng gây nhiễu điện tử, chế áp phòng không và đảm bảo liên lạc, thả mồi nhử và các nhiệm vụ khác nhằm giảm bớt các vấn đề mà Không quân Mỹ hiện đang phải đối mặt như quy mô phi đội nhỏ và khả năng kiểm soát trên không không đủ.

Theo mô hình do Hiệp hội Không quân Mỹ trưng bày, các nền tảng máy bay không người lái (UAV) dùng cho "máy bay hiệp đồng chiến đấu" chủ yếu bao gồm UAV "Start" của General Motors, UAV XQ-58A của Kratos và MQ-28A của Boeing, v.v. So với "Loyal Wingman", ý tưởng phát triển và lộ trình kỹ thuật của các nền tảng UAV này đã có những thay đổi lớn.

Trước hết, “máy bay hiệp đồng chiến đấu” không còn là yểm trợ của máy bay chiến đấu có người lái truyền thống mà là “đồng đội” sát cánh thực hiện nhiệm vụ với máy bay chiến đấu có người lái, có khả năng dẫn đường tự động, quản lý cảm biến và phối hợp động mạnh mẽ hơn. Thứ hai, tính năng, kỹ thuật chiến đấu của “máy bay hiệp đồng chiến đấu” vượt trội hơn. Chẳng hạn thời gian bay trên không lâu hơn, đường băng cất cánh ngắn hơn, điều kiện cất cánh và hạ cánh đơn giản hơn, khả năng tải trọng lớn hơn...Thứ ba, "máy bay hiệp đồng chiến đấu" chú trọng việc cải thiện khả năng chiến đấu không đối không và không đối đất với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, máy học và các công nghệ khác. Cuối cùng, "máy bay hiệp đồng chiến đấu" nhấn mạnh thiết kế mô-đun và ứng dụng công nghệ thu hồi, đồng thời tăng số lượng máy bay đơn lẻ, hiệu ứng quy mô và ưu thế về chi phí càng nổi bật hơn.

may-bay-the-he-tiep-theo-2329.png
Hình vẽ mô tả máy bay "ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" (NGAD) (Ảnh: Sohu).

Giành ưu thế trên không

Theo khái niệm tác chiến của Không quân Mỹ, "máy bay hiệp đồng chiến đấu" có khả năng tự chủ cao sẽ được biên chế nhóm với máy bay chiến đấu F-35A và máy bay "ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" theo tỷ lệ 2:1 đến 5:1. Đồng thời, "máy bay hiệp đồng chiến đấu" cũng có thể đóng vai trò là nền tảng tiếp tế cho các nhóm tác chiến trên không có người lái – không người lái, tăng cường khả năng chiến đấu lâu dài và cường độ hỏa lực của biên đội không quân, đồng thời nâng cao hiệu quả tác chiến trên không.

Trong tương lai, "máy bay hiệp đồng chiến đấu" cũng có thể tác chiến theo nhóm với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 hoặc máy bay ném bom tàng hình B-21 "Raider", hoặc thực hiện các nhiệm vụ không chiến một mình. Không quân Mỹ cho biết họ sẽ triển khai ít nhất 1.000 "máy bay hiệp đồng chiến đấu" trong vài năm tới, trong đó 400 chiếc sẽ phục vụ các máy bay "ưu thế trên không thế hệ tiếp theo" và 600 chiếc còn lại sẽ do F-35 chỉ huy tác chiến.

Đẩy nhanh việc thực hiện

Để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng của dự án "Máy bay hiệp đồng chiến đấu", Không quân Mỹ cung cấp hỗ trợ từ các khía cạnh công nghệ, chính sách. Đầu tiên là đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm công nghệ thông minh của “máy bay hiệp đồng chiến đấu”. Năm 2023, Không quân Mỹ đã hoàn thành thử nghiệm khả năng hiệp đồng giữa các phi công AI và người điều khiển trong các nhiệm vụ ngoài đường chân trời, cũng như kiểm nghiệm công nghệ về điều khiển bằng AI của máy bay không người lái XQ-58A.

Năm 2024, Không quân Mỹ cũng sẽ tiến hành thử nghiệm dự án “Venom” để xác minh khả năng hiệp đồng của các hệ thống tự động và biên đội có người lái trên 6 máy bay chiến đấu F-16 đã được hoán cải. Thứ hai là thúc đẩy kế hoạch sản xuất hàng loạt "Tên lửa chiến thuật tiên tiến sử dụng chung" AIM-260. Tên lửa này sẽ thay thế các tên lửa không đối không AIM-120 đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ và trang bị cho "máy bay hiệp đồng chiến đấu".

"Tên lửa chiến thuật tiên tiến sử dụng chung" có tầm bắn hơn 260 km, có thể mở rộng bán kính chiến đấu của "máy bay hiệp đồng chiến đấu" và cải thiện khả năng sống sót trên chiến trường của nó. Thứ ba là tăng vốn ngân sách và thúc đẩy thực hiện dự án. Trong yêu cầu ngân sách năm tài chính 2024, Không quân Mỹ có kế hoạch được chi 5,8 tỉ USD cho dự án "máy bay hiệp đồng chiến đấu" trong 5 năm tới, trong đó 392 triệu USD sẽ được chi trong năm tài chính 2024.

f-35-phoi-hop-voi-uav-4906.png
Máy bay F-35 và UAV "máy bay chạy cánh" phối hợp tác chiến (Ảnh: Sohu).

Với việc các dự án hỗ trợ quan trọng như hệ thống lõi tự động "Sky Borg", thuật toán thông minh không chiến và "Loyal Wingman" ngày càng hoàn thiện, dự án "Máy bay hiệp đồng chiến đấu" có thể sẽ bỏ qua giai đoạn trình diễn xác minh kéo dài tốn thời gian và trực tiếp đi vào giai đoạn sản xuất. Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đã tuyên bố, ông hy vọng sẽ sản xuất hàng loạt "máy bay hiệp đồng chiến đấu" trong vòng 5 năm tới.

Tuy triển vọng hấp dẫn nhưng quân đội Mỹ cũng thừa nhận dự án ẩn chứa những rủi ro đáng kể. Ví dụ, làm thế nào để giải quyết các vấn đề kỹ thuật như liên lạc tức thời giữa máy bay có người lái và máy bay không người lái trong thời gian ngắn; khi giá thành sản xuất và chi phí R&D dự kiến ​​quá cao, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khối lượng mua sắm của Không quân Mỹ? Làm thế nào để tìm được sự cân bằng giữa AI hóa và giá thành rẻ của "máy bay hiệp đồng chiến đấu"... Hiệu quả của dự án "máy bay hiệp đồng chiến đấu" như thế nào vẫn còn phải chờ xem sao.

Theo Defense News