Tại buổi họp, các chuyên gia của Bộ Y tế đã giải đáp nhiều câu hỏi xung quanh Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu mà Bộ Y tế sắp ban hành và thông tin về hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa của ngành.
Theo ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân, Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.
Mức giá do Bộ Y tế đưa ra trong thông tư là mức tối đa để phù hợp với nhiều bệnh viện và dịch vụ đơn vị có khả năng cung cấp. Các bệnh viện sẽ không được áp dụng ngay mức giá tối đa này mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương.
Mặc dù thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng, song, bệnh viện có rất nhiều loại giường điều trị nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng.
Các bệnh viện phải tự xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, giường điều trị nội khoa, đồng thời, tính kèm chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh và các chi phí khác... Đồng thời, giá giường bệnh do các bệnh viện xây dựng không được vượt quá mức giá tối đa quy định tại thông tư.
Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài Chính, Bộ Y tế.
|
Cũng theo ông Nam Liên, nhiệm vụ quan trọng nhất của các bệnh viện công lập là khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, không để người bệnh nằm ghép.
Nếu các bệnh viện không còn tình trạng quá tải, nằm ghép, hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thì mới được sử dụng cơ sở do Nhà nước đầu tư để hoạt động dịch vụ y tế theo yêu cầu. Khi đó, bệnh viện nên vay vốn, hoặc sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư một khu vực khám, chữa bệnh theo yêu cầu riêng biệt, dựa trên cơ sở vật chất sẵn có.
"Đối với các bệnh viện còn quá tải, có tình trạng bệnh nhân nằm ghép, sẽ không được sử dụng cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu. Trong trường hợp bệnh viện muốn mở hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu, phải lập đề án, gửi cho cơ quan tài chính, quản lý cấp trên thẩm định” – Ông Liên thông tin.
Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra tài chính, cơ quan kiểm toán sẽ tham gia giám sát và tính giá giường bệnh theo yêu cầu. Nếu các bệnh viện làm sai, những cơ quan này sẽ giúp các bệnh viện điều chỉnh, không để xảy ra tình trạng giá tiền một đằng, chất lượng một nẻo.
Ông Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập cao, có điều kiện kinh tế. Việc triển khai Thông tư về khám, chữa bệnh theo yêu cầu rất phù hợp với nguyện vọng của nhiều người dân hiện nay.
Ông Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
|
Bộ Y tế cho biết đang rà soát lần cuối dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến áp dụng trên toàn quốc từ 1/10/2019.
Thông tư có nhiều quy định về giá dịch vụ giường nằm nội trú tại phòng điều trị theo yêu cầu. Với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng tối đa là 4 triệu đồng; đối với các loại phòng có từ 2 – 4 giường, mức giá dao động từ 1,3 triệu đồng – 2,5 triệu đồng/ngày.
Với các cơ sở y tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ không nằm trong diện bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, mức giá giường nằm dao động từ 900 nghìn đồng – 3 triệu đồng/ngày…
Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng quy định về giá khám bệnh theo yêu cầu, gồm: Tiền công khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 sẽ không quá 500 nghìn đồng/lần khám; tại các cơ sở khác không quá 400.000 đồng/lần khám trong trường hợp bệnh viện sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, hoặc liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ…
Các bệnh viện phải rà soát và điều chỉnh giá dịch vụ ngay sau khi quy định này được ban hành. Những bệnh viện chưa đạt yêu cầu về chất lượng phòng bệnh theo yêu cầu sẽ phải sửa chữa, nâng cấp, thời gian hoàn thành chậm nhất trước 30/12/2020.
Cũng tại buổi thông tin báo chí, ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa của ngành vào ngày 16/8, nhằm triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ y tế và người dân.