Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị; phải có các nội dung, chỉ tiêu phấn đấu và mốc thời gian thực hiện đối với các hoạt động:
Một là, tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
Hai là, hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị; tiến tới thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
Tranh minh họa về việc phân loại rác thải y tế.
|
Ba là, đưa tiêu chí giảm chất thải vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; tổ chức quán triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.
Bốn là, tổ chức ký cam kết giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ giảm thiểu chất thải; nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm rác thải nhựa trong hoạt động y tế.
Các cơ sở y tế phải bố trí kinh phí trong nguồn kinh phí được giao hàng năm của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác để thực hiện Chỉ thị; phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ hằng năm tiến hành tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị về cơ quan quản lý cấp trên.
Theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển, gây tổn thương hệ san hô và giết chết 1,5 triệu động vật, gây thiệt hại tới hệ sinh thái lên tới 13 tỷ USD mỗi năm. Đến năm 2050, lượng rác thải nhựa trong đại dương có thể vượt số lượng cá đang sinh sống. Thực tế này chỉ ra chất thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trên toàn cầu. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu