Kể từ ngày 29/6 đến nay, chính phủ Ấn Độ đã cấm tổng cộng 267 ứng dụng di động (App), hầu hết là sản phẩm của các công ty Trung Quốc. Trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều (Dwnews) ngày 27/11 cho rằng, nhìn lại các chính sách khác nhau của New Delhi, cây gậy của chính phủ Thủ tướng Narendra Modi không chỉ nhằm vào Trung Quốc, mà có thể các công ty vốn nước ngoài có trụ sở tại Ấn Độ cũng trở thành mục tiêu.
Lệnh cấm tạm thời theo pháp luật
Một số chuyên gia Ấn Độ từng cho rằng TikTok có thể được bỏ cấm, nhưng diễn biến mới này nằm ngoài sức tưởng tượng của thế giới bên ngoài. Trước khi "lệnh cấm tạm thời" mới được ban hành vào ngày 25/11, việc nhà chức trách Ấn Độ cấm các ứng dụng với số lượng lớn có hai điểm quan trọng.
Một là, ngày 29/6, hai tuần sau trận huyết chiến ban đêm ở Thung lũng Galwan giữa lính Trung Quốc và Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng bao gồm TikTok, QQ và Weibo...Ấn Độ sau đó ngày 27/7 đã chặn thêm 47 loại phần mềm sửa đổi của 59 ứng dụng nói trên.
Ứng dụng di động trở thành một phần trong cuộc tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc (Ảnh: UDN). |
Lần thứ hai, vào ngày 2/9, sau cuộc đối đầu giữa các lực lượng quân đội hai nước ở bờ nam của Hồ Pangong, Ấn Độ đã cấm thêm 118 ứng dụng trong đó có "PUBG Mobile". Với sự ban hành của lệnh cấm mới vào ngày 25/11, giới quan sát phương Tây đã dần đi đến nhận định rằng “hành động của Ấn Độ chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc không hề có dấu hiệu giảm bớt”.
Hiện nay, các cơ quan truyền thông lớn như India Today, The Wire, Indestructible Light và PTI cùng các phương tiện truyền thông chính thống khác của Ấn Độ đã trực tiếp đưa tin về lệnh "cấm ứng dụng Trung Quốc" như một tin “hot”. Cũng đúng vì hầu hết trong số 267 ứng dụng đã bị chặn đều của Trung Quốc. Tuy nhiên, cốt lõi trong động thái của chính phủ Thủ tướng Modi vẫn đáng chú ý: Việc ngăn chặn của Ấn Độ được đảm bảo bởi luật pháp và bất kỳ biện pháp nào mà New Delhi thực hiện đối với công ty vốn nước ngoài đều là "có căn cứ pháp luật".
Sau trận Galwan, nhu cầu "tự lực cánh sinh" trong nước Ấn Độ nổi lên
Việc Ấn Độ thực hiện cấm quy mô lớn đối với các App dựa trên Điều 69A của Đạo luật Công nghệ Thông tin (ITA) được ban hành vào năm 2000 và áp dụng "các biện pháp khẩn cấp" theo Điều 9 của Quy định Công nghệ Thông tin về quy trình và biện pháp bảo vệ ngăn chặn quyền truy cập thông tin công cộng (ITR) ban hành năm 2009.
Ngày 24/11, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh BrahMos tăng tầm bắn (Ảnh: Dwnews). |
Điều 69A của ITA xác nhận rằng các quan chức Ấn Độ “được chỉ định bởi thông báo của chính phủ” có thể chỉ thị cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào “chặn thông tin liên quan được truyền qua tài nguyên máy tính” để tránh thông tin mạng gây hại cho “toàn vẹn chủ quyền, an ninh quốc gia, quan hệ ngoại giao hoặc trật tự công cộng của Ấn Độ”.
Với sự trợ giúp của Điều 9 của ITR, các quan chức Ấn Độ cũng có thể gửi "lệnh yêu cầu" cụ thể tới Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin trong vòng 48 giờ và để Bộ này xác định biện pháp “cấm tạm thời” các đối tượng cụ thể "đáp ứng sự cần thiết, khẩn cấp và hợp lý" để phục vụ mục đích thực tế là cấm.
Các hạn chế đầu tư ưu tiên của Ấn Độ
Nhìn vào tin tức gần đây trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và các lĩnh vực khác ở New Delhi, việc Ấn Độ cấm 267 App có thể chỉ là một mắt xích trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường kiểm soát bằng vũ khí pháp luật.
Xem xét trong số 267 ứng dụng bị cấm, phần lớn là các App tổng hợp tin tức, thông tin video ngắn và mạng xã hội, ngay cả khi các công ty liên quan thoát khỏi sự kiểm soát của Ấn Độ, nhưng vẫn phải do Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội bộ (DPIIT) quản chế theo các quy tắc đối với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số.
Tất nhiên, mục tiêu của quy tắc mới này không chỉ giới hạn ở các công ty Trung Quốc, kết quả là tất cả vốn quốc tế ở Ấn Độ đều bị ảnh hưởng.
Máy bay tiêm kích SU-30MKI mang tên lửa siêu thanh BrahMos (Ảnh: Dwnews). |
Theo dữ liệu, DPIIT đã hai lần sửa đổi các yêu cầu về tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số trong "Chính sách toàn diện về Đầu tư trực tiếp nước ngoài" vào ngày 29/8 và 16/10/2019.
Đầu tiên, năm 2019 Ấn Độ quy định tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào các công ty truyền thông kỹ thuật số mới hoạt động kinh doanh không được vượt quá 26%. Một năm sau, hạn chế đầu tư này được mở rộng sang phương tiện tổng hợp tin tức, trong đó định nghĩa "tổng hợp tin tức" cũng bao gồm “các kết nối do người dùng đăng tải và tạo ra”. Nhiều cơ quan truyền thông Ấn Độ cho rằng Facebook và Twitter cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, theo cách hiểu mới được DPIIT ban hành vào tháng 10/2020, tất cả các công ty truyền thông kỹ thuật số hoạt động tại Ấn Độ phải đáp ứng ba điều kiện. Tức là giám đốc điều hành (CEO) phải là công dân Ấn Độ; hầu hết các thành viên trong hội đồng quản trị phải là công dân Ấn Độ; bất kỳ nhân viên nước ngoài nào do công ty nước ngoài cử đến phải được chính phủ Ấn Độ thông quan về an ninh. Phía Ấn Độ có thể rút giấy phép vì bất kỳ lý do gì và yêu cầu bên nước ngoài sa thải nhân sự liên quan.
Về vấn đề này, một số công ty truyền thông kỹ thuật số vốn nước ngoài hoạt động ở Ấn Độ không hài lòng và một số trong số họ thậm chí đã rút lui. Cũng trong ngày 24/11, chi nhánh Huffpost tại Ấn Độ, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Buzzfeed của Mỹ, bất ngờ đóng cửa và giải thể, đây là hãng truyền thông nổi tiếng đầu tiên bị ảnh hưởng sau khi New Delhi công bố quy chế đầu tư.
Theo một nghĩa nào đó, các luật và nghị định của chính quyền New Delhi đối với các công ty và vốn nước ngoài đều dựa trên nguyên tắc "Ấn Độ trên hết" của Thủ tướng Modi. Cốt lõi của nó nằm ở việc liệu New Delhi có thể bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và huyết mạch kinh tế khỏi tác động của vốn quốc tế được hay không.
Hiện Ấn Độ đã phát triển đầy đủ 3 phiên bản tên lửa siêu thanh BrahMos phóg từ trên không, từ tàu mặt nước và đất đối đất (Ảnh: Dwnews). |
Liên tiếp thử tên lửa BrahMos và triển khai ở biên giới tranh chấp với Trung Quốc
Tình trạng đối đầu ở biên giới với Trung Quốc tiếp diễn, vào lúc quan hệ hai nước căng thẳng, gần đây Ấn Độ lại thử tên lửa hành trình BrahMos ở quần đảo Andaman.
Theo báo cáo trên trang web Eurasia Times ngày 25/11, Ấn Độ một lần nữa đã bắn thử loại tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos sản xuất trong nước mà họ đặt nhiều hy vọng.
Nguồn tin nói rằng tên lửa BrahMos được phóng từ đảo Andaman-Nicobar. Cuộc thử nghiệm được tiến hành lúc 10 giờ sáng ngày 24, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu nằm trên đảo khác, đáp ứng đầy đủ các thông số như mong đợi.
Tên lửa BrahMos được thử nghiệm lần này là phiên bản tăng tầm bắn được mong đợi từ lâu, tầm bắn đã được nâng từ 298 km trước đó lên hơn 400 km.
Theo trang tin Đa Chiều, trong tuần này Ấn Độ cũng sẽ tiến hành nhiều vụ thử bắn đạn thật tên lửa BrahMos. Các cuộc thử nghiệm này nhằm nâng cao khả năng tác chiến đấu và đảm bảo tốt hơn việc triển khai các tên lửa này cho lực lượng vũ trang của Ấn Độ, đặc biệt khi quân đội Ấn Độ đang đối đầu với quân đội Trung Quốc ở đông Ladakh. Tên lửa BrahMos đã được triển khai ở vùng Ladakh để ứng phó với mọi tình huống ngoài ý muốn
Đảo Andaman và Nicobar đảm bảo cho sự thống trị của quân đội Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, vì quân đội Ấn Độ có thể sử dụng các đảo này để phong tỏa một cách hiệu quả eo biển Malacca quan trọng về mặt chiến lược.
Ngày 30/10, Không quân Ấn Độ cũng đã trình diễn khả năng tấn công biển tầm xa của tên lửa BrahMos. Khi đó, một tiêm kích SU-30MKI được trang bị tên lửa BrahMos (phiên bản phóng từ trên không) đã cất cánh từ một căn cứ không quân ở Punjab. Cú tấn công tầm xa đã đánh trúng một con tàu mục tiêu ở Vịnh Bengal.
Trong hành động này, chiếc SU-30MKI cũng được tiếp nhiên liệu trên không từ một máy bay tiếp dầu Il-78, tổng quãng đường bay trong hành động khoảng 3.500 km.
Trước đó, một tiêm kích Su-30MKI có cấu hình tương tự cất cánh từ một căn cứ không quân ở Tây Bengal, đã phóng tên lửa BrahMos đánh trúng mục tiêu gần quần đảo Lakshadwep ở Biển Ả Rập. Điều này thể hiện rõ khả năng của tên lửa BrahMos.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin tên lửa siêu thanh BrahMos phiên bản đất đối đất đã được triển khai ở khu vực biên giới Ladakh tranh chấp với Trung Quốc (Ảnh: Dwnews). |
BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh do Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển. Ban đầu nó chỉ là tên lửa hành trình chống hạm, sau này được phát triển các phiên bản đất đối đất và phóng từ trên không.
Trung Quốc và Ấn Độ đã đối đầu ở biên giới trong vài tháng và hai bên đều tiếp tục triển khai lực lượng quân sự. Tờ India Express ngày 18/11 đưa tin, do không đạt bất kỳ kết quả cụ thể nào sau nhiều vòng đàm phán để giải quyết tình trạng đối đầu quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc nổ ra từ đầu tháng 5, gần 50.000 binh sĩ Ấn Độ hiện đang được triển khai trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao tại các nơi khác nhau ở miền núi phía Đông Ladakh, nơi lạnh dưới 0 độ. Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ cho biết, Trung Quốc cũng đã triển khai quân số tương tự.
Tờ Hindustan Times ngày 19/11 cũng đưa tin, trong 30 ngày qua, quân đội Trung Quốc đã củng cố các tiền đồn, bố trí lại quân đội và nhanh chóng củng cố cơ sở hạ tầng đường bộ tại điểm va chạm Aksai Chin giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Dự kiến, vòng đàm phán cấp chỉ huy cấp quân đoàn lần thứ 9 giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ sớm được tổ chức.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu